Vùng đất Đồng Nai và Phật giáo nơi đây trong “Gia Định thành thông chí” (Dương Thụy) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo
Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức (1765-1825) là tác phẩm ghi chép công phu, tỉ mỉ về núi sông, khí hậu, thành trì, hành chính, phong tục tập quán, văn hóa và nét sinh hoạt của cư dân đất Đồng Nai, Gia Định giai đoạn từ năm 1698 đến những năm đầu thế kỷ XIX. Đây được đánh giá là dư địa chí lớn nhất nghiên cứu về vùng đất Nam bộ nói chung, khu vực Đồng Nai nói riêng. Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu về vùng đất Đồng Nai – nơi Trịnh Hoài Đức gắn bó phần lớn cuộc đời – và yếu tố Phật giáo trong văn hóa nơi đây thông qua tác phẩm Gia Định thành thông chí.
NGUỒN GỐC TÊN GỌI CÁC ĐỊA DANH
Trịnh Hoài Đức đã nghiên cứu về những tên gọi của vùng đất Đồng Nai, như: Đạ Đờn, Lộc Dã, Đồng Nai, Nông Nại, Giản Phố,… Ông lý giải các tên gọi trên bằng nhiều cách khác nhau: quan sát, khảo tả, tra sổ sách, thư tịch cổ của nước ta và Trung Hoa,… Đồng thời, đưa ra giả thuyết xung quanh tên gọi địa danh để người đời sau nghiên cứu thêm.“Đồng Nai (仝狔) là tên duy nhất của trấn Biên Hòa, mà chợ Đồng Nai lại ở phía nam hạ lưu sông Phước Giang cách trấn độ 8 dặm ngoài. Do ban đầu là cánh đồng cho nai hươu ở, cho nên mới gọi là Đồng Nai, tên chữ là Lộc Dã, còn gọi là Lộc Động” [1].
Khi viết về núi sông, dinh trấn… ở bất kỳ địa phương nào, Trịnh Hoài Đức cũng nêu lên tên tục bằng chữ Nôm của địa danh đó. Đồng thời, mô tả chi tiết vị trí địa lý, phương hướng, đặc điểm từng ngọn núi, con sông,… Ngoài ra, ông còn dẫn chứng thêm những câu chuyện xung quanh địa danh ấy và giải thích tên gọi, các điển tích xung quanh. Điều đó chứng tỏ ông đã đi khảo sát, điều tra cư dân địa phương về từng núi sông, dinh trấn. Ví dụ như đoạn viết về núi Nữ Tăng: “Tục gọi là núi Bà Vãi, ở địa phận huyện Long Thành. Xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng do kén chọn lỡ thì, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng nhưng không được bao lâu chồng cũng chết, bà thề không tái giá, nhưng bị kẻ cường hào cậy mai mối thường đến quấy nhiễu, bà bèn trốn đời xuống tóc, lập am ở đỉnh núi, tự làm bà thầy cả, kẻ ăn người ở làm đồ đệ, giữ lòng tu tập, sau thành chánh quả, do đó người đời lấy từ bà vãi mà đặt tên núi. Núi nầy cách phía đông trấn 120 dặm, đất đá lởm chởm, cây cối to lớn um tùm. Nếu đứng ở thành Gia Định mà trông thì nó giống như viên ngọc màu xanh vàng bày ra nét đẹp. Dân núi ở đó lấy khai thác thổ sản ở núi để sinh sống, như cây gỗ, nhựa cây, than củi và muông thú” [2].
Theo Trịnh Hoài Đức, các giồng đất bên bờ sông Phước Long (sông Đồng Nai), thuộc các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hoà ngày nay và các cù lao ven sông là những nơi có nước ngọt dùng cho sinh hoạt trồng tỉa nên người Việt đến khai thác sớm nhất. Các vùng ven núi là nơi lưu dân Việt chọn làm nơi ở khá sớm, bởi vì nơi đó có điều kiện khai thác các nguồn lợi lâm sản như: săn bắn, khai thác gỗ, khai mỏ… Sách này còn ghi lại một số địa danh núi, nơi có người Việt khai thác như: núi Thiết Khâu, núi Lò Thổi, núi Sa Trúc… Nhờ kiến thức uyên bác, tinh thần học hỏi và những chuyến khảo cứu, Trịnh Hoài Đức đã có những nghiên cứu sâu sắc, mô tả chi tiết, tỉ mỉ về những địa danh ở Đồng Nai từ cái nhìn khách quan. Cộng với việc tra lại thư tịch cổ và những câu chuyện dân gian, ông đã đưa ra lý giải về nguồn tên gọi của các địa danh, như đoạn viết về huyện Phúc Chính: “Huyện Phúc Chính (trước là cổng Tân Chính, nay đổi làm huyện Phúc Chính, nguyên lúc bắt đầu mở mang, đầu nguồn Đồng Nai, còn nhiều rừng rậm, người địa phương ấy lấy bãi Tân Chính trở lên đặt làm tổng Tân Chính, thuộc về huyện Tân Bình doanh Phiên Trấn. Về sau, người ở đấy lại lấy đất không ở Trấn Biên mà trưng cho thuộc về, đều lấy chữ Tân đặt lên trên để phân biệt, cho nên trong chỗ xen lẫn lại thêm xen lẫn, từ khi địa đồ son cứ thấy nối liền là đổi về Trấn Biên, mới thành rõ ràng, nay vẫn theo thế) lĩnh 2 tổng, 85 xã thôn phường, phía đông giáp bến đò Thị Nghĩa thôn Bình Dương tổng Long Vĩnh huyện Long Thành; phía Bắc đến rừng núi, phía Tây giáp sách Man đầu nguồn; phía Nam giáp huyện Bình An, từ núi Chiêu Thái liền đến sông Thị Kiều ở Ba Đốc, phía Bắc giáp sách Man rừng lớn” [3].
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÙNG ĐẤT ĐỒNG NAI
Trong Gia Định thành thông chí cho biết, Đồng Nai đã hình thành từ rất lâu nhưng ban đầu chỉ là vùng đất hoang sơ, là nơi cư ngụ của những tộc người thiểu số, cư trú nhỏ lẻ trên các triền núi. Những lưu dân người Việt định cư khai khẩn ở Đồng Nai từ thế kỷ XVII phần lớn là những nông dân nghèo đi tìm đất mới để sinh sống. Năm 1623, một phái bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prei Nokor (vùng Sài Gòn) để thu thuế hàng hóa. Đến năm 1658, chúa Hiền cho quan Khâm mạng Trấn Biên dinh đem 2.000 quân đến Mô Xoài đánh phá, bắt vua Nặc Ông Chân giải về Quảng Bình. Khi ấy, ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa ngày nay) và Đồng Nai đã có đông lưu dân Việt đến sinh sống. Theo Trịnh Hoài Đức, lưu dân Việt đã vào Mô Xoài từ đời chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613), chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). Đến nửa sau thế kỷ XVII, số di dân người Việt đến vùng này khá đông, trong đó có một số di dân Thiên Chúa giáo trốn chạy việc cấm đạo. Những người này đã lập ra một họ đạo ở Xích Lam gần Đất Đỏ. Từ Mô Xoài, Bà Rịa, các thế hệ di dân tự do người Việt, với phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền, ghe, xuồng, theo thuỷ triều ngược dòng sông Đồng Nai, và cả đi bộ, dọc theo sông, tiến dần vào vùng Đồng Nai. Các điểm định cư sớm nhất của họ là: Nhơn Trạch, Long Thành, An Hoà, Bến Gỗ, Bàn Lân, cù lao Phố, cù lao Tân Chánh, cù lao Ngô, cù lao Kinh, cù lao Tân Triều …
Năm 1679, chúa Hiền đã cho đoàn người (hơn 3.000 người và 50 chiến thuyền) của hai di thần nhà Minh là Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch vào Nam khai phá. Điều đó cho thấy chính quyền Đàng Trong lúc bấy giờ đã đánh giá được tiềm năng khai phá của vùng đất Biên Hòa và Mỹ Tho. “Mùa xuân năm thứ 8, Mậu Dần (1698) thời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), (Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 19, Đại Thanh Khang Hy thứ 37), triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu họ Nguyễn (Hữu Cảnh) sang kinh lược đất Cao Miên, ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư). Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Về vệ thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có tinh binh cơ đội thuyền thủy bộ và thuộc binh để hộ vệ…” [4].
Nhờ có những cư dân người Hoa đến khai phá, vùng Biên Hòa – Đồng Nai mới thực sự phát triển kể từ nửa sau thế kỷ XVII. Với tư duy thương nghiệp truyền thống, đoàn người Hoa của Trần Thượng Xuyên đã tập trung khai thác thế mạnh của Cù Lao Phố, một vùng đất nằm giữa sông Hương Phước, trải dài trên 7 dặm, chiều ngang bằng 2/3 chiều dài. Tuy nằm cách xa biển, nhưng là nơi sông sâu, nước chảy, có thể tiếp tục ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, xuống tận phía Nam, ra cửa Cần Giờ và sang tận Cao Miên. “… Trần Thượng Xuyên tướng quân chiêu tập lái buôn người Trung Quốc, lập ra phố xá, nhà ngói tường vôi lầu cao vót, quán mấy tầng, rực rỡ bên sông dưới ánh mặt trời, liên tục năm dặm, mở vạch ba đường phố. Phố lớn lát đá trắng, phố ngang lát đường đá ong, phố nhỏ lát đường đá xanh, đường bằng như đá mài, khách buôn họp đông, đường biển, đường sông, tránh gió bỏ neo lớn nhỏ sát nhau là một nơi đại đô hội. Nhà buôn giàu to chỉ ở đây là nhiều” [5].
Với sự phát triển của Cù Lao Phố, vùng đất Biên Hòa nhanh chóng trở thành một trong hai trung tâm dân cư đông đảo ở phía Nam, tạo cơ sở để chúa Nguyễn thiết lập tổ chức hành chính. Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược với mục đích sát nhập đất Đồng Nai – Gia Định vào bản đồ xứ Đàng Trong. Nguyễn Hữu Cảnh đặt doanh trại tại Châu Đại Phố (Cù Lao Phố), nay thuộc thành phố Biên Hoà và bắt tay vào tổ chức lại xã hội, lập bộ máy hành chánh. Vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai kể từ đó về sau liên tục được củng cố thành trung tâm chiến lược cả về kinh tế lẫn quân sự. “Lỵ sở trấn Biên Hòa khi xưa đặt ở địa phận thôn Phước Lư, huyện Phước Chánh, đất thấp nên hay có lụt. Năm Gia Long 15 (1816) dời lỵ sở qua gò cao thôn Tân Lân, quy hoạch ra làm thành sở, ngang dọc đều 200 tầm, trong chia thành hình chữ tỉnh, giữa dựng Vọng cung, hai bên phải trái có lầu chuông trống, chỗ chính giữa phía sau dựng 3 công dinh, rộng 80 tầm, mà chia ra làm 3 phần, chỉ dinh giữa rộng thêm 5 tầm, dài 60 tầm, 2 con đường phải trái đều 7 tầm, chung quanh xây tường gạch, làm dãy kho chứa gồm 31 gian lợp ngói xây gạch dày chắc, hai bên phải trái làm trại quân thừa ty, chia ra từng khu vực rất chỉnh tề” [6].
GIAO LƯU VĂN HÓA Ở VÙNG ĐẤT ĐỒNG NAI TRƯỚC THẾ KỶ XIX
Xa xưa khi lưu dân các nơi đến đây lập nghiệp, ngoài cư dân Việt ở vùng miền Trung, còn có người Hoa (khởi đầu là nhóm Trần Thượng Xuyên), Cao Miên (Campuchia), Đồ Bà (dân gian gọi là Chà Và, tức người theo đạo Hồi); lui tới buôn bán, truyền đạo và người Tây Dương (Anh, Pháp, Bồ Đào Nha…).
Theo Gia Định thành thông chí, hai tộc người đông dân cư nhất ở đất Đồng Nai là người Việt (di cư theo lệnh chúa Nguyễn để vào Nam khai hoang, mở mang bờ cõi) và người Hoa (di cư qua nước ta do bất mãn nhà Thanh). Riêng người Việt ở Nam bộ, trong lịch sử di dân của mình, ngoài nông dân và thợ thủ công nghèo khổ, còn có những nhà nho bất đắc chí, những quan lại, binh lính bị lưu đày và cả tội phạm triều đình tìm vào tá túc nơi vùng đất hoang hóa này. Khi đặt chân vào vùng đất mới này họ đã sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau như buôn bán nhỏ, đánh bắt cá, làm mắm, săn bắn, khai thác gỗ, khai thác quặng, đan lát, làm đồ gốm…, còn lại tuyệt đại bộ phận đều chọn nông nghiệp làm nghề sinh sống chính. Trịnh Hoài Đức đã nhận xét “Trấn Biên Hoà nhân dân siêng năng cày cấy, dệt cửu đều có sản nghiệp” [7].
Phần lớn những diện tích được khai phá ở vùng đất Đồng Nai – Gia Định được người Việt sử dụng trồng lúa nước và lập vườn. Trước khi có lưu dân, dân bản địa đã biết trồng lúa rẫy, nhưng trình độ kỹ thuật còn thấp và diện tích không đáng kể. Khi lưu dân Việt đến khai khẩn, mở rộng diện tích canh tác họ đã áp dụng những kinh nghiệm quý báu và kiến thức cổ truyền trong nghề trồng lúa nước được tích luỹ từ bao đời ở quê hương, ngành nông nghiệp trồng lúa nước ở xứ Đồng Nai được hình thành và từng bước phát triển cả về quy mô lẫn năng suất, sản lượng.
Vùng giồng cao ven biển, nhất là những nơi có vũng hoặc cửa sông tốt cũng là một trong những nơi định cư, làm ăn đầu tiên của người Việt. Tại đây, họ chọn nghề chài lưới, nghề làm mắm, làm ruộng muối để làm kế sinh nhai. Sách Gia Định thành thông chí có ghi lại vùng biển Tắc Ký (nay là xã Phước Hải, Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu ), “dân miền biển nhóm đến đây làm nghề chài lưới câu cá, là nơi sản xuất cá muối của trấn này”. [8] Thành quả của việc khai hoang và sản xuất của lưu dân người Việt cùng với các dân tộc bản địa trong thế kỷ XVII đã làm biến đổi bước đầu bộ mặt kinh tế Đồng Nai. Nơi đây từng là rừng núi hoang vu nay đã trở thành những cánh đồng lúa, vườn cây tươi tốt. Xóm làng hình thành ven sông là một đặc điểm nổi bật của cư dân Đồng Nai.
Bên cạnh người Việt, người Hoa cũng là chủ nhân của văn hóa Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung. Người Hoa vốn có truyền thống tổ chức xã hội và giữ quan hệ cộng đồng khá chặt chẽ, ban đầu khi đến vùng đất mới đã sống tập trung theo từng bang hội để bảo bọc giúp nhau làm ăn, đặc biệt là bảo lưu truyền thống văn hóa của bổn tộc. Cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai đã xây dựng các công trình công cộng như: chùa, miếu, trường học, hội quán, công sở… để sinh hoạt theo phong tục, tập quán truyền thống. Trong Gia Định thành thông chí, phần Phong tục chí có đề cập đến những ngôi đền, chùa, miếu thiết kế và xây dựng theo phong cách kiến trúc Trung Quốc để tôn thờ các vị thần linh, như: Quan thánh Đế Quân, Thiên Hậu thánh mẫu,…
Lễ hội phổ biến của người Hoa ở Đồng Nai đa phần là lễ hội dân gian như: lễ làm chay vía Tổ nghề, lễ vía Thiên Hậu, lễ hội chùa Ông (Thất phủ cổ miếu), lễ Tả Tài Phán, Tết Nguyên tiêu, tiết Thanh Minh, lễ cầu siêu, tiết Trung nguyên, Tết Hạ nguyên, vía Quảng Trạch tôn vương, vía Phước Đức chính thần… Ngoài những dịp tết và vía đầu năm, những lễ hội còn lại gắn với các đối tượng thờ tự ở cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. “Tục ở đây thường đến cuối năm thì lo may sắm áo quần mới, quét dọn nhà cửa, dán treo câu liễn năm mới, đặt bàn ghế, trang trí bàn thờ tổ tiên, trên đó trưng bày các vật gì tốt đẹp để khoe diện, dặn con cháu phải cẩn thận trong mọi việc để bói điềm lành trọn năm. Bắt đầu giờ Dần ngày đầu năm phải dậy thắp hương đèn và dâng trà lễ bái tiên tổ, sau đó lạy mừng tuổi người trưởng thượng, chúc tụng phước thọ, đầu xuân mới được giàu sang, khỏe mạnh và đặt cỗ bàn dâng lên tiên tổ, mỗi ngày 2 lần sớm và chiều, phụng sự như khi còn sống vậy, lễ vật gồm quả phẩm, bánh mứt, tất cả vật thực đều đem trưng bày, đến ngày mùng 3 đưa thần, gọi là đệ tiễn, lễ này dùng đồ dán giấy như đồ hàng mã đem đốt và đốt cả pháo, có thứ pháo đồng, pháo thiếc, tiếng nổ chấn động cả rừng núi rền vang không dứt. Ngày Tết họ còn uống rượu nếp than và ăn bánh tét” [9].
Ngoài ra, vùng đất Đồng Nai còn có sự giao lưu văn hóa giữ người Việt, người Hoa và người Cao Miên. Theo Trịnh Hoài Đức, họ chung sống hòa bình với nhau, có quan hệ mua bán và trao đổi hàng hóa, tiếp biến ngôn ngữ. “Người ở đây nói tiếng địa phương thường hay pha tiếng Tàu, tiếng Cao Miên, người nghe tập quen lần rồi tự biết, mà không để ý phân biệt chỗ khác lạ được một cách rõ ràng. Như quát mãi (mua sỉ) thì nói là óa; khi trám (lừa phỉnh) thì nói là khí xổ; ấp tạ (vái chào) thì nói là xá; phốc tái (chở bằng ghe chài lớn) thì nói là bốc chài; thi (là cái muỗng) thì nói là thưng xỉ; đối trừ (khấu trừ) thì nói là tụi; phiến trụy (cái rụi (tua) treo ở cán quạt) thì nói là xí tụi; thải nghi (khúc lụa màu) thì nói là xái kỷ…; miến tuyến (sợi miến) thì nói là mỳ xọa (xụa), ấy là nói theo tiếng của người Tàu. Còn như sang sông thì gọi tầm long; chủ sự thì nói là tằng khạo; thần thuyền là thần dục; cái bao nhỏ thì nói là cà ròn; đối trừ (sang nợ qua) thì nói là gật, ấy là nói theo tiếng Cao Miên” [10]. Một số từ ngữ “giao thoa” ấy còn giữ trong cách nói của những người Biên Hòa – Đồng Nai lớn tuổi hiện nay như: tằng khạo, cà ròn, gật nợ, mì sợi, bạc xỉu (sữa ít cà phê)…
Có thể nói, văn hóa Đồng Nai là sự hòa nhập, đan xen, chồng chất, kết tinh bởi nhiều dòng văn hóa, nhiều nền văn hóa thích ứng với điều kiện của vùng đất mới. Đặc điểm của làng xã ở Đồng Nai là cơ sở hiện thực tạo cho đời sống văn hóa của người Đồng Nai đặc tính cởi mở, đa hệ, hỗn dung, dễ thâm nhập những yếu tố mới nhưng khó phai mờ những yếu tố cội nguồn.
PHẬT GIÁO Ở ĐỒNG NAI TRƯỚC THẾ KỶ XIX
Đồng Nai là địa bàn Phật giáo đã được truyền vào từ xa xưa trong lịch sử và đã từng là cái nôi của Phật giáo Đàng Trong. Có người cho rằng Phật giáo đại thừa đã truyền vào Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng từ những năm 1181-1218 (?), tuy nhiên chưa có căn cứ liệu để xác thực nhận định này. Nhưng có thể chắc chắn Phật giáo đã đến đây từ trước năm 1698, khi các nhà sư theo chân những đoàn di dân Nam tiến lập nghiệp. Người Việt vào khai hoang lập ấp đến đâu thì tín ngưỡng Phật giáo được lan truyền đến đó. Cho nên, buổi khai nguyên của chúa Nguyễn thì tinh thần Phật giáo đã theo cuộc di dân nhiều đợt định cư trước đó lan rộng rồi.
Thiền sư Nguyên Thiều đã truyền thừa cho nhiều đệ tử nổi danh như thiền sư Minh Vật Nhất Tri sau trụ tài chùa Kim Cang, thiền sư Thành Đẳng Minh Lương trụ trì chùa Đại Giác, thiền sư Thành Nhạc Ẩn Sơn trụ trì chùa Long Thiền, thiền sư Thành Trí Pháp Thông trụ trì chùa Bửu Phong… Các đệ tử nhà sư Nguyên Thiều ở Biên Hòa – Đồng Nai lại có nhiều đệ tử và pháp tôn nổi tiếng mở rộng phạm vi hoằng hóa ở Đồng Nai – Gia Định và lan rộng ra ở Mỹ Tho, Định Tường, Châu Đốc… còn truyền thừa cho đến ngày nay ở Nam Bộ.
Đặc biệt, khi các vị Tổ trong hai dòng Nguyên Thiều và Liễu Quán vào hoằng hóa ở Đàng Trong đã khai sơn nhiều ngôi cổ tự. Điển hình là thiền sư Bổn Kiểu (Bổn Khao) đã khai sơn chùa Long Thiền (Biên Hòa) vào năm 1664. Và từ đó, nhiều vị cao tăng đã lập nên các ngôi chùa khác, như: Minh Vật Nhất (trụ trì chùa Kim Cang), Thành Đẳng Minh Lương (trụ trì chùa Đại Giác), Thành Nhạc Ẩn Sơn (khai sơn chùa núi Châu Thới, trụ trì chùa Long Thiền), Thành Trí Pháp Thông (trụ trì chùa Bửu Phong)… Đồng Nai còn có sự truyền thừa của thiền phái Tào Động và một trong những cao tăng tiêu biểu là thiền sư Pháp Thông Thiện Hỷ (khai sơn chùa Long Ẩn năm 1733).
Phật giáo ở Đồng Nai được Trịnh Hoài Đức miêu tả khá sơ lược trong Gia Định thành thông chí. Ngôi chùa tiêu biểu của vùng đất này trước thế kỷ XIX có nhắc đến trong tác phẩm là chùa Sắc Tứ. “Ở bờ nam Phước Giang, cách trấn về phía đông 8 dặm, do Chánh thống suất Nguyễn Vân kiến lập. Năm Giáp Dần đời Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế thứ 10 (Ninh vương Nguyễn Phúc Chú) (1734) (Lê Thuần Tông niên hiệu Long Đức thứ 3, Đại Thanh Ung Chính thứ 12), ngự ban biển ngạch chữ vàng, đề chữ: Sắc tứ Hộ Quốc tự, bên trái khắc: Long Đức tam niên. Tuế thứ Giáp Dần trọng thu. Bên phải khắc: Vân Tuyền Đạo nhân viết. Nét chữ mạnh mẽ; cảnh chùa trang nghiêm, cửa thiền thanh tịnh, thật là nơi lạc thổ của Nam tông (do Lục tổ Huệ Năng sáng lập)” [11].
Ngoài ra, sách cũng ghi chép về am Vân Tĩnh và chùa Hội Sơn ở khu vực núi Chiêu Thái (nay gọi là núi Châu Thới) như sau: “Ở phía nam cách trấn (Biên Hòa) 11 dặm rưỡi. Từng núi cao vót xanh lơ, cổ thụ rậm tốt, làm tấm bình phong chầu về trấn thành, hình núi cao thấp khuất khúc, uốn lượn qua hướng đông, giáp hạ lưu sông Phước Giang rồi đến gò Khổng Tước (Gò Công) thì dứt. Ở đoạn giữa tại mặt bắc nơi thôn Long Thành, giữa đồng bằng trải ra một gò cao như vách dựng, sau lưng gò ấy là chỗ bà ni Lượng tu hành, có dựng am Vân Tĩnh (tục gọi là chùa Vãi Lượng) trông rất u nhã… Ở cuối hòn núi nầy về phía bắc tại ngã ba chẻ ra một nhánh chạy đến địa phận thôn Long Tuy thì dừng rồi bỗng nổi thành gò cao bằng phẳng rộng rãi; ở bên núi có hang hố và khe suối, dân núi ở ven quanh, trên đó có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long dựng gậy tu hành, núi trông xuống sông lớn, hành khách leo lên thăm, có cảm tưởng như tiêu sái thoát tục” [12].
Phật giáo ở Đồng Nai trước thế kỷ XIX đã trở thành một thực thể tôn giáo hiện hữu sinh động, tạo nên một dáng vẻ vừa uy nghiêm, vừa linh hoạt trong sắc màu văn hóa Nam bộ nói chung và Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng. Triết lý của Phật giáo là “tùy duyên bất biến”, nhờ đó, đạo Phật đã gắn bó sâu sắc với văn hóa Việt dù ở một vùng đất mới được khai phá như Đồng Nai. Trên vùng đất cộng cư nhiều dân tộc, như: Việt, Hoa, Khmer, Chơro, Mạ, S’tiêng, Chăm… mỗi dân tộc đều có niềm tin riêng vào Phật pháp. Vì vậy, ngay từ buổi đầu đến đây, Phật giáo đã mang nhiều màu sắc phong phú, vừa tương đồng, vừa dị biệt mà Phật giáo Đàng Ngoài không hề có. Đây là hệ quả tất yếu của tính chất “đa tộc” của cộng đồng cư dân Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng, dẫn đến tính chất đa dạng của Phật giáo ở vùng đất này. Nhiều tông môn, hệ phái của Phật giáo có mặt tại Đồng Nai như: Nguyên thủy (Sthaviravāda), Bắc tông (Mahayana), Nam tông (Theravada), Mật tông (Vajrayana), Tịnh độ tông (Pure Land), Thiền tông (Dhyana)…
Tạm kết
Gia Định thành thông chí là tác phẩm miêu tả sơ lược về địa chí văn hóa vùng đất Gia Định xưa, trong đó có khu vực Đồng Nai, đóng góp về mặt nguồn gốc địa danh, quá trình hình thành phát triển và phong tục văn hóa nơi đây. Đó là nguồn tư liệu cơ bản để tìm hiểu về Đồng Nai và Nam bộ. Qua những ghi chép của Trịnh Hoài Đức, vùng đất Đồng Nai hiện lên sinh động, trung thực về một vùng đất tuy mới nhưng rất quan trọng trong quá trình mở cõi vùng đất Nam bộ.
Ngoài ra, nhờ những ghi chép trong Gia Định thành thông chí, chúng ta phần nào khẳng định được Đồng Nai là một trong những cái nôi của Phật giáo Đàng Trong thời các chúa, các vua nhà Nguyễn, có ảnh hưởng đối với Phật giáo ở Nam bộ. Nhiều nhà sư ở Đàng Trong đã từng tu hành, hoằng hóa ở Đồng Nai, có nhiều đệ tử nổi danh đi hoằng hóa ở các nơi và cũng tồn tại nhiều ngôi chùa cổ kính, trong đó có ba ngôi đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa là chùa Long Thiền, chùa Đại Giác, chùa Bửu Phong.
Chú thích:
[1] Trịnh Hoài Đức (Viện Sử học dịch, 1998), Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, TP HCM, tr.30-31.
[2] Sđd, tr. 22.
[3] Sđd, tr. 96.
[4] Sđd, tr. 12.
[5] Sđd, tr. 194.
[6] Sđd, tr. 103.
[7] Sđd, tr. 3.
[8] Sđd, tr. 10.
[9] Sđd, tr. 144.
[10] Sđd, tr. 148.
[11] Sđd, tr. 194.
[12] Sđd, tr. 20.
Tài liệu tham khảo:
1. Trịnh Hoài Đức (Viện Sử học dịch, 1998), Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, TP HCM.
2. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb. TP HCM.
3. Huỳnh Ngọc Trảng (2001), Địa chí Đồng Nai (tập I), Nxb. Tổng hợp Đồng Nai.
4. Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai (1998), Những tư liệu lịch sử Biên Hòa – Đồng Nai: 300 năm hình thành và phát triển, Nxb. Đồng Nai.
5. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng (2013), Đồng Nai góc nhìn văn hóa, Nxb. Đồng Nai.
6. Lâm Hiếu Trung (chủ biên, 2005), Biên Hòa – Đồng Nai xưa và nay, Nxb. Đồng Nai.