Vương quốc hang động Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng • Oxalis Adventure

Giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng

1. Địa chất – Địa mạo

Khu vực này chứa đựng các bằng chứng về lịch sử hình thành, kiến tạo của vỏ Trái đất với 5 quá trình kiến tạo từ Kỷ Ordovic đến Carbon – Permi. Phong Nha – Kẻ Bàng là 1 phần của cao nguyên rộng lớn bị chia cắt, bao gồm khu vực núi đá vôi Kẻ Bàng và VQG Hin Namno của Lào. Cao nguyên này là một ví dụ điển hình, mang nét đặc trưng nhất của dạng địa hình núi đá vôi phức hợp ở Đông Nam Á. Kiến tạo núi đá vôi được hình thành từ thời kỳ Đại Cổ sinh (cách đây hơn 400 triệu năm) và là khu vực núi đá vôi lớn, cổ nhất ở khu vực châu Á. Nơi đây có hai kiểu địa hình chính, bao gồm địa hình karst và phi karst. Đặc điểm của Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng là diện tích vùng lõi phần lớn là núi đá vôi (địa hình karst, chiếm 2/3 diện tích). Được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, Phong Nha – Kẻ Bàng có hơn 368 hang động với tổng chiều dài trên 231km đã được khảo sát. Trong đó, Hang Sơn Đoòng được Đội thám hiểm hang động Anh – Việt (The British Vietnam Caving Expedition Team) đánh giá là hang động lớn nhất thế giới, đồng thời đã phát hiện một hố sụt Karst sâu nhất Việt Nam (với độ sâu hơn 255 m), thậm chí có thể sâu nhất Đông Nam Á.

Hang Sơn Đoòng không chỉ được biết đến là Hang Động lớn nhất thế giới mà còn là hang có đặc điểm địa chất địa mạo tiêu biểu.

2. Hệ sinh thái

Phong Nha – Kẻ Bàng sở hữu 15 kiểu sinh cảnh với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,5% diện tích, trong đó, trên 90% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại mà hầu hết chưa bị tác động. Đây là một trong những VQG có tỷ lệ rừng nguyên sinh và độ che phủ lớn nhất trong hệ thống các rừng đặc dụng ở Việt Nam. Đặc biệt, sự tồn tại của quần thể Bách xanh đá 500 tuổi, diện tích khoảng 4.000 ha, mọc chủ yếu trên núi đá vôi ở độ cao hơn 600 m, được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất, có tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn. Bách xanh đá là loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam, hiện chỉ còn sót lại chủ yếu ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

3. Đa dạng động vật

Nơi đây có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, trong đó có 82 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 116 loài được liệt vào Sách đỏ IUCN; 39 loài được ghi trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; 66 loài có tên các phụ lục CITES. Ngoài ra, trong khoảng 20 năm qua, đã có thêm 42 loài mới lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, bao gồm 38 loài động vật và 4 loài thực vật.

4. Đa dạng thực vật

Nơi đây ghi nhận 2.952 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, trong đó có 111 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 3 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ.

5. Di sản văn hóa – lịch sử

  • Trong Động Phong Nha có dấu tích những bàn thờ của người Chăm thờ Thần giữ động cùng một pho tượng Chăm bằng đá bị đổ vỡ từ lâu.
  • Trong hang Rào ở Đông Nam Rào Té, một chi lưu sông Troóc có nhiều vỏ ốc núi và ốc nước ngọt đổ đống lẫn với mai rùa, xương thú. Đó là dấu tích từ những bữa ăn của người Quảng Bình cổ xưa.
  • Trong hang Khe Tong ở hữu ngạn Khe Gát, tầng văn hoá có chứa các công cụ làm từ đá, có nhiều vết ghè đẽo, vỏ ốc, xương thú và đồ gốm vỡ. Đồ gốm ở đây có hoa văn hình sóng nước và dấu thừng điều đó chứng tỏ người Quảng Bình cổ đã có sự văn minh khá cao.

Xổ số miền Bắc