Vượt Anh, Ấn Độ vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Mới đây, Anh đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau khi phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng và thực phẩm leo thang.

Theo Bloomberg, Ấn Độ từng vươn lên vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, quốc gia này lại tụt xuống vị trí thứ 6 sau Anh.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng phân tích rằng nền kinh tế Nam Á sẽ khó trở lại vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2023. Tuy nhiên, chỉ đến giữa năm 2022, điều kỳ diệu đã xuất hiện.

Cụ thể, Ấn Độ đã vượt qua Anh trong 3 tháng cuối năm 2021 để trở lại vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng. Đồng thời, Anh tụt xuống vị trí thứ 6 khi phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng và thực phẩm leo thang, khiến GDP bình quân đầu người giảm sút.

Vượt Anh, Ấn Độ vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới ảnh 1

Giá trị nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với nền kinh tế Anh vào năm 2027. Nguồn: IMF.

Được biết, đây là một tin tức không tốt đối với tân thủ tướng Anh sau khi ông Boris Johnson từ chức. Dù bà Liz Truss hay ông Rishi Sunak đắc cử và trở thành thủ tướng mới, họ đều sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn khi chèo lái nước Anh giữa cuộc suy thoái.

GDP của Anh hiện tại chỉ tăng 1% trong quý II, và nếu tính cả lạm phát thì chỉ số này còn giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái chứ không hề tăng. Đồng bảng Anh cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi nền kinh tế và đã giảm khoảng 8% so với đồng rupee của Ấn Độ.

Ở phía ngược lại, nền kinh tế Ấn Độ đang chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo rằng GDP sẽ tăng hơn 7% trong năm nay. Chứng khoán Ấn Độ cũng đang trên đà tăng, và quốc gia này mới đây đã đạt vị thứ 2 trong bảng xếp hạng các thị trường mới nổi của MSCI. Vị trí thứ nhất hiện tại vẫn thuộc về Trung Quốc.

Ngoài ra, theo IMF, nền kinh tế Ấn Độ tính đến tháng 3 đã đạt 854,7 tỷ USD. Trong khi đó, nền kinh tế của Anh chỉ đạt 816 tỷ USD. Hiện tại, Ấn Độ chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Cách đây một thập kỷ, nền kinh tế này chỉ xếp thứ 11 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới.