XÂY DỰNG CON NGƯỜI VĂN HÓA TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH – Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có nhận định: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.
Ảnh: Các gương tập thể điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 19/5/2016-19/5/2021
Trong đời sống thực tế, chúng ta, có thể một lần, hay nhiều lần, giữa sự hỗn độn, va chạm của xã hội, hàng xóm, đã từng nghe được câu mắng của người này dành cho người kia, như: – “Đồ vô văn hóa”.
Vậy, để là người “không vô văn hóa” thì phải làm sao?
Có phải, một người “không vô văn hóa” là người luôn luôn phải có ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm, ý thức tập thể, ý thức tôn giáo đúng đắn, phải được giáo dục nghiêm khắc để biết phân định đâu là điều đúng, đâu là điều sai?
Cho nên, nếu xã hội có trình độ văn hóa cao thì vấn đề vừa nêu trên sẽ không phải là vấn đề gây bức xúc. Bởi, một khi đã được giáo dục đến nơi đến chốn thì dĩ nhiên sẽ có được một trình độ văn hóa cao là điều chắc chắn. Và nếu đã có trình độ văn hóa cao thì cá thể trong xã hội sẽ có đạo đức tốt, với những tập quán tốt, luôn luôn tuân thủ pháp luật, làm theo pháp luật, nghĩa là sống có văn hóa (ngoại trừ biết mà vẫn cố ý làm, do có động cơ khác, vì nếu chúng ta xét từ bình diện văn hóa thì cả đạo đức và pháp luật đều nằm trong phạm trù văn hóa).
Khi chúng ta muốn xây dựng một Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh thì nhất thiết cần phải xây dựng con người có văn hóa. Con người có văn hóa trong Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ tạo ra sự ổn định, tròn trịa, đầy đặn, tốt đẹp ở tất cả các chiều. Không làm được điều này, Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh chắc chắn có một lổ hổng lớn.
Văn hóa yêu cầu tối đa về đạo đức, vì thế, trong Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh không thể có một đời sống văn hóa không đạo đức hay đạo đức lộn xộn, không trật tự, mất an ninh con người. Để đạt được điều này, Nhà nước cần hoạch định nhiều chính sách văn hóa hơn, nhưng quan trọng là phải có hành lang pháp lý và cơ chế cứng rắn với những hành vi vô văn hóa.
Một khi muốn tránh hành vi vô văn hóa thì cần nhanh chóng xây dựng con người có văn hóa. Việc xây dựng này không phải là bộc phát, đối phó, mà cần có một kế hoạch lâu dài. Một kế hoạch chi tiết, cứng rắn, không khoan nhượng, thỏa thuận hay lấp lửng.
Xây dựng con người có văn hóa không phải chỉ trong một sáng, một chiều là được kết quả. Đã dùng cụm từ “xây dựng” thì phải gồm nhiều chất để cấu trúc và kết dính. Trong đó, sau khi chắc lọc cái quan trọng và không quan trọng, những yếu tố căn bản để được nhìn nhận là người có văn hóa gồm: hành vi ứng xử đúng mực, luôn nhã nhặn lịch thiệp, kính trên nhường dưới, biết tôn trọng thuần phong mỹ tục, cổ vũ cái tốt và đấu tranh chống cái xấu, có trách nhiệm công dân; hành động thiết thực nhằm quảng bá lối sống đẹp, có tri thức cao nhưng phải biết khuếch tán giá trị tri thức với cộng đồng (tri thức và lối sống tạo nên nhân cách hoàn chỉnh của con người có văn hóa).
Con người có văn hóa không thể tách rời những tố chất cần thiết của tinh hoa truyền thống dân tộc, cần khẳng định rằng, trình độ tri thức cao luôn phải gắn liền lối sống nhân văn lương thiện, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Trong thời đại công nghệ 4.0 và “thế giới phẳng”, những tiêu chuẩn cơ bản về con người có văn hóa đã chuyển biến tiệm cận văn hóa thế giới, song đặc trưng thuần Việt không thể bị đánh đổi. Muốn xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, trước hết phải phát huy vẻ đẹp của tâm hồn Việt, cần gắn kết hai khái niệm con người có trình độ tri thức và con người có nếp sống văn hóa. Bởi vẫn còn nhiều người trình độ chuyên môn cao nhưng ứng xử chưa phù hợp nếp sống văn hóa chung,
Muốn xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, phải tích cực duy trì bảo tồn và phát huy nền nếp tốt đẹp xưa, mạnh dạn ngăn chặn, hủy bỏ, không vì lợi lộc cá nhân hay lợi ích nhóm mà bắt tay tạo điều kiện và dung dưỡng cho cái xấu xâm thực. Một Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh phải “đậm đà bản sắc dân tộc”, không lai căng nhưng cần cầu thị, không bắt chước rập khuôn mẫu ABC… nhưng cần học hỏi và biết chọn lọc, cái đẹp giữ lại, cái xấu quyết tâm cắt bỏ.
Xây dựng người có văn hóa trong Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh chính là xây dựng một xã hội văn minh, trong đó, tất cả được nâng cao, cả về tri thức lẫn văn hóa, đồng thời, cần thay đổi và loại bỏ đi những truyền thống lạc hậu, những hành động không thân thiện.
Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn kết với xã hội, bởi đây là tế bào lớn, chi phối và ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của những người hiện diện. Ngược lại, sự có mặt của Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ là động cơ mạnh, nâng cao và phát triển con người cùng với đời sống, làm nên những điều tuyệt vời hơn, để từ đó có những đóng góp to lớn cho đất nước.
Ở một khía cạnh khác, sự có mặt của Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh khiến những người không hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển bản thân cá nhân (để từ đó phát triển toàn bộ xã hội; những người lâu nay có thói quen coi nhẹ vấn đề rèn luyện đạo đức, sống bê tha, có bản chất tham ô, tham nhũng, tư lợi…), sẽ phải nhìn lại mình, biết tu sửa và hối lỗi, cải thiện suy nghĩ và hành động.
Xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh chính là xây dựng con người có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa, làm gương, lôi cuốn xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao, không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, mà còn là của gia đình và của chính bản thân mỗi người.
Về những thông tin, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài số tài liệu về do Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM đang quản lý gồm có 24.000 bảng (đó là chưa tính còn nhiều kho tư liệu, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được lưu giữ, bảo quản tại các bảo tàng trên khắp cả nước), thì cũng cần nên mở rộng ra xã hội để tìm thêm tài liệu về cuộc đời, hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được người dân, hay những người từng kề cận, phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu giữ (không chỉ ở TPHCM và nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước). Song song đó là phát triển thêm những công trình văn hóa, những thiết chế văn hóa vật thể, xây dựng nhiều hơn những hoạt động nghệ thuật, những chương trình, sản phẩm nghệ thuật phi vật thể. Lan tỏa trong đời sống xã hội tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhân rộng những tấm gương học tập và làm theo Bác Hồ qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí… Vậy, việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh còn phải tính đến việc xây dựng con người văn hóa như đã trình bày trên đây.
Nguồn: Fanpage Tân Bình trong trái tim tôi.
PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN