Xã hội chuyển từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ thế nào?

(PLO) – Thời đại đồ đồng đá hay thời đại đồng đá, thời kỳ đồ đồng đá đánh dấu việc con người đã biết đúc các công cụ, vũ khí và đồ trang sức bằng đồng thau. Với sự xuất hiện của kim khí ở giai đoạn Phùng Nguyên, vai trò người đàn ông đã được nâng lên, đánh dấu bước chuyển biến từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ.

Mở ra kỷ nguyên kim khí

Văn hóa Phùng Nguyên (2.000- 1.500TCN) là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, cách ngày nay chừng 4.000 năm đến 3.500 năm. Phùng Nguyên là tên một làng ở xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra các di chỉ của nền văn hóa này. Ngoài Phú Thọ, di chỉ văn hóa Phùng Nguyên đã được phát hiện ở Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội, Hải Phòng và một vài nơi khác trong lưu vực sông Hồng. Tính đến năm 1998, có khoảng 55 địa điểm đã được phát hiện có di chỉ văn hóa đồng dạng với các di chỉ tại Phùng Nguyên, trong đó có 3 địa điểm có di cốt người.

Trong tiến trình phát triển của loài người, từ cuối thời đại đồ đá mới, cư dân các bộ lạc Việt cổ sống ở lưu vực sông Hồng, trên cơ sở phát triển kỹ thuật chế tác đá, làm gốm đã biết đến một loại nguyên liệu mới là đồng và kỹ thuật luyện kim đồng thau. Trong đó, văn hóa Phùng Nguyên đã mở ra kỷ nguyên của nền văn minh thời đại đồ đồng ở Việt Nam, cách ngày nay khoảng 4.000 năm.

Trong các di chỉ của văn hóa Phùng Nguyên tìm thấy ở Vĩnh Phúc, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di cốt người, các cục đồng và xỉ đồng. Điều đó chứng tỏ các cư dân tiền sử đã luyện đồng ngay trên địa bàn cư trú của họ. Cụ thể như tại di chỉ Gò Bông, bên cạnh những cục đồng còn tìm thấy xỉ đồng và gỉ đồng ở độ sâu 1,3m. Ở một số địa điểm khác như gò Đồng Xâu, Lũng Hoà, chùa Gio cũng tìm thấy gỉ đồng và mảnh khuôn đúc đồng bằng đất nung.

Bằng phương pháp phân tích quang phổ những cục đồng tìm thấy được ở Gò Bông, người ta cho rằng đây là hợp kim đồng thau (gồm đồng, thiếc và một số vết bạc) chứ không phải là dạng đồng đỏ ban đầu. Việc phát hiện xỉ đồng, gỉ đồng, khuôn đúc đồng bằng đất nung là bằng chứng cho phép chúng ta xác định về sự ra đời của nghề luyện kim đồng thau ở Việt Nam trong giai đoạn phôi thai.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa tìm thấy được những đồ đồng nguyên vẹn trong các di chỉ Phùng Nguyên. Việc không có những hiện vật bằng đồng được định hình cho thấy đồ đồng thời bấy giờ còn chiếm tỉ lệ rất ít. Không thể phủ nhận rằng, mặc dù chủ nhân của văn hóa Phùng Nguyên đã bước vào thời đại kim khí nhưng đồ đồng vẫn chưa lấn át được công cụ bằng đá. Đồ đá vẫn chiếm tỉ lệ chủ yếu (92%) và là công cụ chủ đạo trong đời sống sản xuất – kinh tế của người Phùng Nguyên. Tuy nhiên, có thể khẳng định cư dân Phùng Nguyên đã mở đầu cho thời đại đồng thau ở Việt Nam vào giai đoạn sơ kỳ.

Về đời sống sản xuất kinh tế, cư dân Phùng Nguyên chủ yếu làm nông, trồng lúa nước và các cây lương thực khác bằng cuốc đá. Trong lớp dưới của văn hóa Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) thuộc giai đoạn Phùng Nguyên đã tìm thấy một số hạt gạo cháy. Ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng) cũng tìm được phấn hoa của loại lúa nước Oryza. Trong những địa điểm cư trú khá rộng của người Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những bình vại gốm lớn, có thành dày, đường kính miệng rộng từ 70 – 80m. Đây được đoán định là những đồ đựng lương thực sau khi thu hoạch của cư dân thời kì này.

Cùng với trồng trọt, cư dân Phùng Nguyên cũng biết đến chăn nuôi, chủ yếu là các loài gia súc như chó, lợn, trâu, bò, gà… Ở một số di chỉ mộ táng Phùng Nguyên, rất nhiều xương, răng chó, lợn, trâu, bò đã được tìm thấy. Tại di chỉ xóm Rền (Phú Thọ), người ta phát hiện cả tượng đầu gà bằng đất nung. Đó là bằng chứng cho thấy nghề chăn nuôi gia súc tại nơi cư trú đã được định hình.

Ngoài ra, các nghề như săn bắn, đánh cá vẫn tồn tại. Mặc dù không còn chiếm vị trí chủ yếu trong đời sống kinh tế thời kì này. Ngoài việc nuôi gia súc làm nguồn lương thực cho gia đình, thì việc chăn nuôi còn nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Họ còn biết đan lát và dệt vải, nghề đánh cá và săn bắt vẫn tồn tại ở một số bộ lạc, nhưng không phát triển như trước đây.

Tiền đề của chế độ phụ hệ

Cùng với các bộ lạc Phùng Nguyên, trên đất nước ta bấy giờ còn có nhiều bộ lạc cùng tiến vào giai đoạn sơ kỳ đồng thau như các bộ lạc Hoa Lộc, Cồn Chân Tiên (Thanh Hóa), các bộ lạc ở lưu vực sông Lam (Nghệ An), các bộ lạc vùng sông Mã (Sơn La). Phần lớn các di tích nằm ở miền trước núi, dưới chân đồi núi đất, ven sông suối ở vùng trung du. Một vài địa điểm trên các khu đất cao châu thổ, ven biển.

Nhìn một cách tổng quát, cách đây khoảng 4000 năm, trên phạm vi vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (lãnh thổ của nước Văn Lang- Âu Lạc sau này), các bộ lạc- chủ nhân của văn hóa tiền Đông Sơn đều bước vào giai đoạn sơ kỳ đồng thau sống định cư lâu dài, lấy nông nghiệp trồng lúa nước làm hoạt động kinh tế chính, bên cạnh các nghề thủ công khác như làm gốm, chế tác đá.

Xã hội chuyển từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ thế nào? ảnh 1

Tượng người đàn ông ở giai đoạn Phùng Nguyên đánh dấu bước chuyển sang chế độ phụ hệ.

Ở những nơi đây, công cụ bằng đá phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối. Đồ trang sức bằng đá, đá bán quý, ngọc được tìm thấy nhiều, đặc biệt là các vòng đá. Ngoài đồ đá, cư dân Phùng Nguyên đã biết chế tạo đồ gốm đặc sắc từ khâu làm đất, tạo dáng cho đến hoa văn trang trí.

Đồ đá văn hóa Phùng Nguyên đạt đến đỉnh cao của đồ đá nguyên thủy, được chế tác bằng phương pháp cưa, khoan, mài, tiện rất tinh xảo, có kích thước tương đối nhỏ, được làm từ đá bazan và các loại đá nephrit, spilit có màu sắc đẹp; gồm có các loại rìu, bôn, đục, bàn mài, mũi tên, mũi giáo, qua, nha chương và các loại vòng tay, khuyên tai, nhẫn, ống chuỗi, hạt chuỗi với đủ loại kích cỡ và kiểu dáng khác nhau. Hầu hết rìu, bôn ở đây đều có hình tứ giác, rất hiếm rìu, bôn có vai và có nấc.

Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên phần lớn được làm bằng bàn xoay, thành gốm mỏng đều, độ nung tương đối cao, chất liệu gốm thô pha cát hạt nhỏ, ngoài có lớp áo gốm mỏng màu hồng nhạt, còn một ít gốm mịn, mặt ngoài được miết láng rất đẹp. Hoa văn trang trí cực kỳ phong phú gồm văn thừng mịn, văn chải, văn in kiểu cuống rạ, văn đắp nổi, tiêu biểu hơn cả là văn khắc vạch chấm giải với những mô tip hình chữ S, chữ V, hình tam giác tạo thành những đồ án đối xứng phong phú đẹp mắt. Về loại hình có các loại nồi, vò, bình, bát, chạc, gốm, dọi, xe, sợi, bi gốm…

Tiêu biểu hơn cả có loại nồi vò thành miệng dày, bình bát có chân đế tương đối cao, bát kiểu mâm bồng, bình miệng vuông đáy tròn. Đã phát hiện ra một số tượng động vật bằng đất nung như tượng bò, tượng gà vừa hiện thực vừa sinh động, có thể xem là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình sớm nhất được phát hiện ở Việt Nam.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nghề luyện kim dù còn sơ khai là dấu hiệu giúp ta có thể nghĩ rằng, người đàn ông trong các bộ lạc Phùng Nguyên đã bắt đầu chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất. Điều đó đồng nghĩa với khả năng, có thể trong xã hội Phùng Nguyên đã có sự chuyển dần từ công xã thị tộc mẫu hệ sang công xã thị tộc phụ quyền.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc tìm thấy tượng người đàn ông bằng đá ở Văn Điển (năm 1966) đã góp phần xác minh cho điều đó. Đây là pho tượng người bằng đá đầu tiên phát hiện được. Tượng làm bằng đá nephrit mô tả một người đàn ông trong tư thế nửa quỳ nửa đứng. Khuôn mặt tạo tác giản đơn theo phương pháp ước lệ khái quát, không đặc tả tỉ mỉ chi tiết nhưng vẫn tạo được nét sinh động.

Toàn bộ khuôn mặt chỉ là hai vạt lõm đối xứng, chỗ giao điểm của hai vạt lõm tạo thành sống mũi nổi cao. Hai vết khoan tròn nhẹ cân đối phía trên hai ăn sống mũi điểm nhãn đã tạo hồn sống cho pho tượng, khiến tượng sinh động hẳn lên. Mặc dù pho tượng không còn nguyên vẹn, song vẫn cho ta thấy tỉ lệ đầu – mình – chân rất cân đối, chính xác chứng tỏ người thợ tạo tác tượng nắm rất chắc về cấu tạo hình thể con người. 

Các nhà nghiên cứu nhận định ở giai đoạn Phùng Nguyên, xã hội đang có chuyển biến mạnh mẽ, một xã hội đã có đầy đủ những tiền đề để bước sang một hình thái mới cao hơn – xã hội có phân hóa giai cấp và sự ra đời nhà nước Văn Lang. (còn nữa).