Xác tàu cổ đại trong top điểm nhấn khảo cổ Trung Quốc 2022
–
Thứ sáu, 23/12/2022 20:00 (GMT+7)
Trục vớt xác tàu gỗ cổ đại lớn nhất và được bảo quản tốt nhất của Trung Quốc. Ảnh: ECNS
Từ nền văn hóa Thục cổ đại bí ẩn xuất hiện ở di chỉ Tam Tinh Đôi đến một con tàu đắm của triều đại nhà Thanh (1644-1911) được trục vớt từ lòng sông nơi nó đã nằm trong hơn một thế kỷ rưỡi… nhiều khám phá khác nhau đã được các nhà khảo cổ Trung Quốc thực hiện trong năm 2022.
Hoàn cầu Thời báo khi đưa tin về những thành tựu trong ngành khảo cổ Trung Quốc đã rất ấn tượng với cách sử dụng công nghệ tiên tiến như quét 3D và trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như cách những tài năng trẻ trong nhiều lĩnh vực đã tham gia vào nghiên cứu khảo cổ.
Các phát hiện khảo cổ học của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý lớn của công chúng, đặc biệt là trong giới trẻ, và niềm đam mê với những khám phá mới này đã khiến chúng trở thành chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội.
Các chuyên gia đồng ý rằng, công nghệ tiên tiến và sự nhiệt tình của công chúng đối với khảo cổ học là những nguồn hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực này ở Trung Quốc, và điều đó có thể được nhìn thấy trong những khám phá khảo cổ vĩ đại của năm 2022.
Công nghệ trong thời hiện đại
Tân Hoa Xã cho hay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi phát triển khảo cổ học với các đặc điểm và phong cách của Trung Quốc. Các thế hệ các nhà khảo cổ đã thực hiện một loạt khám phá quan trọng thông qua những nỗ lực không mệt mỏi, đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về nền văn minh Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cho biết, những khám phá này đã nêu bật những đóng góp to lớn của nền văn minh Trung Quốc đối với các nền văn minh trên thế giới.
Với sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát triển các phương pháp đa dạng để cải thiện việc khai quật và nghiên cứu, trong đó công nghệ là một phần thiết yếu.
Mặt nạ vàng khai quật ở di chỉ Tam Tinh Đôi. Ảnh: VCG
Một con robot thông minh với khả năng chuyển động linh hoạt 360 độ có thể nhận diện hơn 10 loại hài cốt được chôn cất. Một con tàu đắm cổ đại khổng lồ, nặng hàng nghìn tấn được nhấc lên khỏi mặt nước rồi vận chuyển nguyên vẹn một khối về cơ sở nghiên cứu.
Những công nghệ từng không thể tưởng tượng này đã được thực hiện lặp đi lặp lại tại các địa điểm khác nhau.
Gần 13.000 cổ vật văn hóa, bao gồm nhiều cổ vật chưa từng thấy, đã được khai quật từ sáu hố tại di chỉ Tam Tinh Đôi, mang đến cái nhìn cận cảnh và đầy đủ hơn về văn hóa của Vương quốc Thục cổ đại, có niên đại từ 4.800 đến 2.600 năm trước.
Những khám phá tuyệt vời từ Tam Tinh Đôi được công bố vào tháng 6 đã làm choáng váng thế giới, cũng như công nghệ được sử dụng để giúp hiểu vị trí của chúng trong lịch sử Trung Quốc.
Ding Daoshi – nhà phân tích kỳ cựu trong lĩnh vực AI, người đã đến thăm địa điểm khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi – cho hay, nhiều cổ vật được khai quật dưới dạng các mảnh vỡ nhưng đã được khôi phục lại thông qua công nghệ AI như mô hình 3D và nhận dạng hình ảnh.
Các nhà nghiên cứu đã chụp những hình ảnh có độ phân giải cao 360 độ của những di vật này, sau đó dùng công nghệ AI và tái tạo 3D để ghép chúng lại khớp với nhau.
Bên cạnh di chỉ Tam Tinh Đôi, công nghệ cao đã được sử dụng trong nhiều dự án khảo cổ học khác. Các chuyên gia như Chen Xianglong – nhà nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – lưu ý rằng khảo cổ học kỹ thuật số của Trung Quốc với ứng dụng chụp ảnh ở độ cao cực thấp và công nghệ tái tạo 3D đang dẫn đầu thế giới.
Xương của cá thể chi người cổ đại ở di chỉ Xuetang Liangzi thuộc thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: VCG
Luồng sinh khí mới
Trong năm 2022, các viện nghiên cứu khảo cổ khác nhau trên khắp Trung Quốc đã công bố báo cáo về một số khám phá mới như hộp sọ người cổ đại có niên đại khoảng 1 triệu năm trước và các tác phẩm chạm khắc trên đá lộng lẫy có từ thời nhà Đường (618-907).
Hầu hết trong số này đã trở thành xu hướng trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Sina Weibo ngay sau khi được công bố.
Vào tháng 11, buổi livestream trục vớt con tàu đắm thời nhà Thanh được bảo quản cực kỳ tốt từ đáy sông Dương Tử đã thu hút hàng chục triệu lượt xem trên Sina Weibo.
Nhiều người trẻ sẵn sàng học khảo cổ học tại các trường cao đẳng. Chẳng hạn, Khoa Khảo cổ học tại Đại học Cát Lâm hiện tuyển sinh khoảng 60 sinh viên mỗi năm, theo Tân Hoa Xã.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng các tài năng trẻ chắc chắn sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho lĩnh vực khảo cổ Trung Quốc.