Xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình”
Công cụ sản xuất của cư dân Văn hóa Hòa Bình thời kỳ đá mới (ảnh internet)
Nền “Văn hoá Hoà Bình” được phát hiện và khai quật trong những năm 20 của thế kỷ XX. Nhà Khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani đã phát hiện và khai quật 54 di chỉ “Văn hoá Hoà Bình” ở miền Bắc Việt Nam, trong đó phần lớn các di chỉ nằm trên địa bàn tỉnh. Kết quả, một nền văn hoá thời đại đá sớm hơn so với “Văn hoá Bắc Sơn” đã được phát hiện.
Theo các kết quả nghiên cứu, niên đại của Văn hóa Hòa Bình khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay, thuộc thời Đồ đá cũ. Các di chỉ tìm thấy và khai quật ở tỉnh ở tỉnh Hòa Bình có khung niên đại cách ngày nay từ 11.000-12.000 năm.
Văn hóa Hòa Bình được xác định là gạch nối giữa thời đại Đá cũ (Văn hóa Sơn Vi – Phú Thọ) và thời đại Đá mới (Văn hóa Bắc Sơn – Lạng Sơn). Ý nghĩa và tầm quan trọng của nền văn hóa Hòa Bình không chỉ minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những chiếc nôi của của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, về phương thức kiếm sống về canh tác, về tổ chức xã hội.
Đến nay, tỉnh Hoà Bình có 10 di tích khảo cổ về “Văn hoá Hoà Bình” tiêu biểu được xếp hạng di tích quốc gia, gồm: Hang Tằm, xóm Rổng Tằm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; Hang Chổ, xóm Hui, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; Hang Muối, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc; Hang Bưng, xóm Nẻ, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc; Hang Khoài, xóm Sun, xã Xăm Khoè, huyện Mai Châu; Hang Láng, xóm Chiềng Châu, huyện Mai Châu; Hang xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn; Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn; Động Tiên, xóm Lão Nội, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy; Hang Đồng Thớt, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy.
Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nền văn hóa, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là ngành văn hóa đã tập trung thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của nền “Văn hóa Hòa Bình”. Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế, khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu về “Văn hóa Hòa Bình”. Tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê các di tích khảo cổ học “Văn hóa Hòa Bình”, lập hồ sơ di tích và thực hiện các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị của nền văn hóa. Một mặt, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá bằng hình thức trực quan, qua mạng internet, qua báo chí, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau đến các trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nước và các diễn đàn khoa học quốc tế. Qua đó nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình.
Phục dựng bếp lửa và cảnh sinh hoạt của con người thời văn hóa Hòa Bình (ảnh internet)
Hướng tới kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận và đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình” (1932 – 2022), để phát huy những giá trị và quảng bá về nền “Văn hoá Hoà Bình”, tỉnh Hoà Bình tổ chức một số hoạt động: Khai quật, chỉnh lý và viết sách về Hang Xóm Trại và Mái Đá Làng Vành; tổ chức đoàn đại biểu các Nhà khoa học nghiên cứu khảo cổ tham quan, nghiên cứu, trao đổi khoa học tại Hang Xóm Trại và Mái Đá Làng Vành; trưng bày hiện vật bảo tàng “Văn hoá Hoà Bình” trên đất Hoà Bình; tổ chức Cuộc thư viết về “Văn hoá Hoà Bình” trên Báo Hoà Bình; tổ chức khai trương tuyến đường mang tên Madeleine Conali và khánh thành bức phù điêu về bà Madeleine Conali tại thành phố Hoà Bình./.
Tú Lê/VP Tây Bắc