Xây dựng biểu tượng để hướng về nguồn cội
Huyện Ba Vì (Hà Nội) có đồng bào dân tộc Mường sinh sống chiếm tỷ lệ lớn tại 7 xã: Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài. Dân tộc Mường có những nét văn hóa đặc sắc riêng từ phong tục tập quán, ngôn ngữ đến sinh hoạt cộng đồng… tạo nên những nét đẹp văn hóa.
Ngoài những di tích lịch sử nổi tiếng của huyện, các xã miền núi Ba Vì tự hào là địa danh gắn liền với truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, mang đậm nét văn hóa Việt cổ (văn hóa Việt – Mường). Việc đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – tâm linh, đặc biệt là cụm di tích Đền Thượng – Đền Trung – Đền Hạ và lễ hội Tản Viên Sơn, phát triển thành lễ hội vùng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích cũng như các lễ hội truyền thống để giữ gìn và phát huy những nét đặc trưng riêng có góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp và văn minh đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tình trạng phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc, ngày một diễn ra phổ biến và mạnh mẽ.
Không thể phủ định những công lao tìm hiểu, nghiên cứu, những công lao bảo tồn, phát triển và quảng bá của thời kỳ hiện đại. Cuộc cách mạng của chúng ta là cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, hai cuộc kháng chiến của chúng ta là tiếp tục chân lí độc lập dân tộc. Việc hướng về nguồn cội, hướng về Nhân dân như là một động thái tất yếu của vận động lịch sử. Ba Vì – Tản Viên với giá trị cội nguồn của nó, với tinh thần Nhân dân sâu thẳm của nó đã trở thành đối tượng nghiên cứu, sưu tầm và phát huy trong thời đại mới. Điều đó được ý thức là chủ trương, là nhiệm vụ, là trách nhiệm đồng thời là tình cảm tri ân uống nước nhớ nguồn.
Các chuyên luận nghiên cứu, các giáo trình đại học, các hội thảo khoa học đã góp phần thấu hiểu biểu tượng Ba Vì và giải mã những ý nghĩa, những giá trị xung quanh truyền thuyết Tản Viên Sơn thần với truyền ngôn dân gian là chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh. Những tranh luận là cần thiết để đi tới những tri nhận sâu sắc về số phận một huyền sử trong tiến trình văn hóa, tiến trình lịch sử của Thủ đô, của dân tộc, của quốc gia.
Nhưng chúng ta vẫn mang nợ Ba Vì một điều gì đó! Dù chúng ta đã không ngừng nghỉ. Tầng vỉa văn hóa của huyền tích Ba Vì – Tản Viên là quá dày dặn, quá rộng lớn. Đó chính là mồ hôi nước mắt và máu đào của Nhân dân bao đời không chỉ tụ cư, dựng xây, lao động. Đó còn là những sáng tạo thiêng liêng, là ý thức ái quốc, trách nhiệm quốc gia của họ. Vật đổi sao dời, sông núi đổi thay, chiến tranh tàn phá…, những số phận cá nhân có thể mất đi cùng những cuộc bể dâu, cái còn lại lại chính là những trầm tích văn hóa tinh thần, tưởng chừng mỏng manh, lại vô cùng bền bỉ nuôi sống tâm linh, ý thức nhiều triệu con người qua hàng trăm ngàn thế hệ.
Chúng ta đang nợ Ba Vì ở chính tính Biểu Tượng mà nó đã có, mà nó vốn dĩ đã chứa đựng: Một biểu tượng quan trọng tầm quốc gia chứ không chỉ riêng cho Thủ đô. Chính vì vậy, đã đến lúc TP Hà Nội nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung cần có những chiến lược để xây dựng Tản Viên sơn thành biểu tượng của quốc gia. Chúng ta cần bảo tồn, phát huy có định hướng bồi đắp tính biểu tượng dân tộc, quốc gia cho Ba Vì. Chúng ta cần thiết việc quảng bá biểu tượng đó ra tổng thể văn hóa thế giới, không chỉ vì một biểu hiệu Tổ quốc mà vì trách nhiệm đóng góp đặc sắc văn hóa Việt Nam cho cộng đồng văn hóa thế giới.