Xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”1.

Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố trên cơ sở hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Quan hệ thuyết thống và tình cảm (giữa vợ với chồng, cha mẹ với con, anh chị em với nhau…) là nét bản chất nhất của gia đình.

Trong thời đại hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của xã hội đã có nhiều vấn đề mới nảy sinh, trong đó vấn đề gia đình cũng xuất hiện những biến đổi rất phong phú. Năm 1993, Liên hợp Quốc đã lấy ngày 15/5 hàng năm là ngày Quốc tế Gia đình”, nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề gia đình trên toàn thế giới. Mỗi năm, Tổng thư ký Liên hợp quốc đều gửi thông điệp về một chủ đề riêng của ngày Quốc tế Gia đình, ví dụ: năm 2017, chủ đề là: “Gia đình, giáo dục và hạnh phúc”, năm 2021, chủ đề là: “Gia đình và các công nghệ mới”… đó là những ý tưởng tốt đẹp của cộng đồng quốc tế nhằm động viên các quốc gia cần chú ý hơn đến việc xây dựng và củng cố gia đình. Qua đó, một lần nữa cho thấy, gia đình đã trở thành một vấn đề thời sự được nhân loại quan tâm.

Nhận thức đúng vị trí, vai trò và chức năng của gia đình trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm 1981, Đảng và Nhà nước ta đã chính thức lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam và với phương châm: xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Từ đó yêu cầu các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội quán triệt thực hiện, thường xuyên quan tâm tuyên truyền, giáo dục cho mọi công dân nâng cao trách nhiệm trong xây dựng gia đình có đời sống mới là một trong những vấn đề quan trọng, thiết yếu ở nước ta.

Việt Nam đã và đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao…; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân…”2. Trong sự nghiệp chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của từng gia đình. Vì vậy, quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta tiếp tục xác định: “… thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”3. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách của mỗi cá nhân, nhất là thanh thiếu niên. Đây là một nhận thức, một phương hướng lớn quan trọng và chính xác trong xây dựng gia đình mới, góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị xã hội và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”4.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước có cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là từng gia đình ở cả trong công việc làm, học tập, sinh hoạt… không thể không tác động sâu sắc đến gia đình ở nước ta hiện nay. Để mỗi gia đình ở nước ta bền vững, là tế bào lành mạnh của xã hội và “… con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo bệ Tổ quốc”5, con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, cần có sự kết hợp giữa những giá trị của gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Nếp sống của gia đình truyền thống đòi hỏi mỗi người phải đặt tình cảm lên trên hết, con cháu có hiếu với cha mẹ, ông bà, kính trên nhường dưới; bên trong luôn đoàn tụ, thuỷ chung; bên ngoài luôn nhân hậu với người xung quanh, hàng xóm láng giềng… Với gia đình hiện đại, mọi người sống hoà thuận, bình đẳng dân chủ: vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em cùng bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng, đồng thời tôn trọng những sở thích riêng chính đáng của nhau. Mỗi người cần biết giữ gìn, phát huy và chọn lọc những giá trị của gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình của mình phù hợp với xã hội hiện nay. Đây là trách nhiệm tuyên truyền, vận động của toàn xã hội, nhưng trước hết là công việc giáo dục và thực hiện của từng gia đình, của mỗi người trực tiếp vun đắp cho tổ ấm của mình để hình thành nhân cách cho các công dân của xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, một trong những chức năng quan trọng hàng đầu của gia đình Việt Nam là chức năng giáo dục. Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm lo việc học tập và sự trưởng thành lành mạnh của con cả về thể chất và tinh thần. Nội dung giáo dục gia đình chính là những yếu tố của vấn đề văn hoá gia đình và văn hoá cộng đồng nhằm tạo lập và phát triển nhân cách của con người, như: đạo đức, lối sống, ứng xử, tri thức khoa học, lao động, học tập, dám dấn thân vì sự nghiệp chung của đất nước…

Giáo dục gia đình là một bộ phận của giáo dục xã hội; với chức năng giáo dục, gia đình thực sự góp phần lớn lao vào việc đào tạo thế hệ trẻ và xây dựng con người mới nói chung, vào việc duy trì, phát triển đạo đức, văn hoá dân tộc nhằm “xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”6. Với ý nghĩa đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”7. Đề cao trách nhiệm của gia đình và xã hội phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục thế hệ trẻ. Đây là việc kết hợp chặt chẽ giữa các môi trường giáo dục (gia đình – nhà trường – xã hội) để tiến tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để xây dựng gia đình mới ở nước ta hiện nay, phải ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, mạnh dạn lựa chọn và xử lý đúng đắn những yếu tố mới nảy sinh, trong đó quan trọng là tiếp thu có chọn lọc những nội dung tiến bộ của thời đại phù hợp với truyền thống, văn hoá dân tộc và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, Đảng ta xác định: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thể hệ trẻ”8. Trong chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, cần tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; thực hiện nghiêm chính sách và pháp luật về dân số, duy trì mức sinh hợp lý, quy mô gia đình ít con. Làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, giảm mạnh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số phấn đấu đạt mục tiêu “Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7”9. Bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, tạo môi trường lành mạnh đẻ trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực gia đình. Đẩy mạnh việc tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ, chức năng trong gia đình và xã hội.

Xây dựng gia đình Việt Nam là tế bào lành mạnh của xã hội là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, là nguyện vọng của tất cả mọi người. Một trong những biện pháp lớn để thực hiện chủ trương đó là “nâng cao nhận thức và thực hiện nghĩa vụ gia đình đối với mọi công dân”, xã hội hoá việc xây dựng gia đình dưới chủ nghĩa xã hội, thực hiện Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Chủ nghĩa xã hội phải thực hiện xây dựng gia đình mới khác về nhiều mặt so với gia đình truyền thống. Gia đình mới, hình thành phát triển gắn liền với sự phát triển toàn diện của chủ nghĩa xã hội; đây là sự cố gắng chung của từng thành viên, từng gia đình, của Nhà nước, địa phương và các tổ chức xã hội thì mới có thể có gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

Lịch sử xã hội loài người đã chứng minh gia đình luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia – dân tộc. Bởi chúng ta biết rằng gia đình là “hạt nhân” của xã hội. Tuy nhiên, trên thế giới không phải quốc gia nào, giai cấp cầm quyền nào cũng nhận thức đúng như vậy. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với bối cảnh “Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác”10 và toàn cầu hóa hiện nay, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người; coi xây dựng gia đình mới xã hội chủ nghĩa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030. Với tinh thần đó, mỗi chúng ta luôn tin tưởng rằng vị trí, vai trò của gia đình ở nước ta ngày càng được khẳng định và các gia đình Việt Nam ngày càng “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” hơn để giữ vững là hạt nhân xã hội, nâng cao chất lượng và cung cấp nguồn nhân lực, góp phần “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”11.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, tập 9, tr. 523.

2,3,4,5,7,9,10,11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2021, tr. 56, 69, 112, 116, 143, 144, 170, 217, 219.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 223.

Phạm Văn Nghĩa

TS, nguyên cán bộ Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng

Xổ số miền Bắc