Xây dựng gia đình văn hóa – góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho mỗi gia đình

 

 

Những năm qua, các cấp, các ngành trong huyện luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Phong trào đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho mỗi gia đình, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Không khí đầm ấm, hạnh phúc là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Tấn Dũng, sinh năm 1958, ngụ ấp 6B, xã Long Phú. Từ nhiều năm nay, gia đình ông không chỉ là một trong những gia đình tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa của địa phương mà còn là gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi; tích cực tham gia đi đầu trong các hoạt động xã hội, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Song song đó, ông Lê Tấn Dũng còn vận động mạnh thường quân đóng góp hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn, xây dựng cầu- đường giao thông nông thôn, quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,… Ông Dũng luôn tâm niệm rằng: “Gia đình là thành viên của xã hội, muốn xã hội tốt thì gia đình phải tốt. Điều quan trọng là gia đình phải gương mẫu, mẫu mực có trách nhiệm và chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Giáo dục nhắc nhở thành viên trong gia đình sống có mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống, từ đó thể hiện trách nhiệm với xã hội để tạo một xã hội tốt đẹp hơn”.

Gia đình là tế bào của xã hội, với vai trò quan trọng trong giáo dục con người, xã hội muốn phát triển tốt đẹp thì từng tế bào phải mạnh. Gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; gia đình “5 không, 3 sạch”; gia đình nông dân hạnh phúc; gia đình hội viên cựu chiến binh gương mẫu…  Để đạt được mục tiêu trên, các xã – thị trấn trong huyện đã tích cực tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa qua các buổi họp dân, sân khấu hóa, panô, áp phích, tờ rơi, phát thanh, với nội dung giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ trẻ em, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Song song đó, thực hiện quy ước về nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy tình làng, nghĩa xóm. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, tác động tích cực của xây dựng gia đình văn hóa đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Nhiều gia đình được vinh danh là tổ ấm hạnh phúc, nơi nuôi dạy con, cháu thành đạt, trở thành người có ích cho xã hội.

Tính đến cuối năm 2021, toàn huyện có 40.036/ 42.292 hộ đạt gia đình văn hóa, so với số liệu thống kê chiếm 94,67%, so với kế hoạch đạt 101,25%, so với cùng kỳ tăng 1.432 hộ. Từ thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỷ lệ hộ nghèo của huyện tính đến cuối năm 2021 trên địa bàn huyện giảm còn 0,76%, với 321 hộ. Đáng nói hơn, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên, người dân chủ động tự tháo dỡ cầu tiêu, chuồng trại trên sông; nhiều gia đình chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt Phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”. Ông Trần Công Khánh- Phó chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết: “Qua thực hiện các phong trào, đến nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học; ông, bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo; nuôi con khỏe dạy con ngoan, thực hiện tốt “bình đẳng giới”, từng bước thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ mọi người. Các gia đình chú trọng việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống đối với trẻ em”.

Phải khẳng định rằng, nhờ triển khai các hoạt động, mô hình thiết thực nên phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn huyện Tam Bình ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Nội dung của các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương, nhất là trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu hiện nay. Các gia đình văn hóa đều là những hạt nhân tích cực trong nhiều cuộc vận động, các phong trào thi đua, là những điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời, cũng là điểm tựa vững chắc trong việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội tại địa phương.

         Bài: K An