Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa: Nâng cao sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng lực của quốc gia
(PLVN) – Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là vấn đề hệ trọng đã được Đảng, Bác Hồ nhiều lần đề cập, khẳng định và có sự tiếp nối, bổ sung, hoàn thiện từng bước trong các văn kiện, nghị quyết…
Đến Đại hội XIII của Đảng, những vấn đề này đã được nâng lên tầm nhận thức mới, được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần tạo lập cơ sở vững chắc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng của đất nước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.
Cổ vũ, khích lệ những cá nhân đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống
Trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc Việt Nam lần thứ I năm 2022 diễn ra vào tháng 11 vừa qua, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp tổ chức Hội nghị gặp mặt, tôn vinh những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc.
Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung, nhiều năm qua, thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Bộ VH,TT&DL luôn coi trọng và phát huy vai trò của người dân, các nghệ nhân – chủ thể của hoạt động văn hóa trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc ở các làng, bản dân tộc thiểu số ở các địa phương, từ đó góp phần nâng cao thực hành và hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các dân tộc. Hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên chính là dịp để cổ vũ, khích lệ những cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích rất đáng tự hào về công tác lưu giữ, trao truyền các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.
Hội nghị cũng là dịp để các nghệ nhân, đại biểu đề xuất, góp ý các giải pháp thiết thực, phù hợp thực tế với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, Bộ VH,TT&DL xây dựng nội dung, đề xuất các giải pháp bảo tồn cụ thể, thiết thực, từng bước có cơ chế chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhằm giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc, tránh nguy cơ bị mai một, mất bản sắc.
Tại Hội nghị, Nghệ nhân ưu tú Cù Văn Chiến đến từ Quỳnh Nhai, Sơn La đề nghị hỗ trợ xây dựng sách giáo khoa bằng chữ của người Thái và phát huy giá trị Xòe Thái. Trong khi đó, Nghệ nhân Vì Văn Thoan (Điện Biên) bày tỏ mong muốn Bộ VH,TT&DL quan tâm hỗ trợ các nghệ nhân trong trao truyền văn hóa cho các thế hệ sau. Còn Nghệ nhân Lưu Văn Sơn (Cao Bằng) đề nghị chính sách hỗ trợ kinh phí trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông và cam kết phát huy uy tín của mình trong cộng đồng để lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc Mông trong giai đoạn hiện nay…
Đưa văn hóa truyền thống trở thành chuẩn mực đạo đức, giá trị của con người Việt Nam
Trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế về công tác trùng tu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể trong giai đoạn mới, khi đến thăm khu vực Đại Nội Huế vào tháng 8/2022, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh yêu cầu, đưa văn hóa truyền thống trở thành những chuẩn mực đạo đức, giá trị của con người Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, Đảng ta xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng, định hướng để đất nước ta tiếp tục phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam, nhằm xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.
Phó Chủ tịch nước đề nghị, tỉnh Thừa Thiên – Huế cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền niềm tự hào về văn hóa Huế, về những di sản vật thể và phi vật thể đang có để cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. “Địa phương không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống một cách đơn thuần mà cần biến văn hóa trở thành những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam trong giai đoạn mới” – Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.
Ngày 2/8/2022, Bộ VH,TT&DL có Quyết định số 1818 /QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Chương trình hành động trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch nhằm thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, cần xây dựng các chương trình, đề án, dự án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong đó tập trung rà soát, lồng ghép, sửa đổi, bổ sung các chính sách và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, tự hào về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức kiểm kê, lập danh mục kiểm kê và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số…
Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị
Qua một vài hoạt động trên có thể thấy tầm quan trọng của văn hóa trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới đang rất được quan tâm. Đây cũng chính là một trong những vấn đề trọng tâm tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ VH,TT&DL; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức cuối tháng 11/2022.
Tại phiên thảo luận với chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, các ý kiến đều đồng tình với những gợi ý trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về hệ giá trị quốc gia gồm các thành tố: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Hệ giá trị văn hóa gồm các thành tố: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị văn hóa chính là những giá trị cơ bản để tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thấm đẫm tính nhân văn, nền văn hóa truyền thống nhưng hiện đại, kết tinh những giá trị của khoa học. Hệ giá trị quốc là những giá trị cốt lõi, phản ánh khát vọng, mong cầu, mục tiêu chung của cả quốc gia. Những giá trị được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn đạo sự phát triển của đất nước. Việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao sự đồng thuận xã hội, tạo nên sức mạnh tổng lực của quốc gia.
Thực tiễn cho thấy các quốc gia phát triển thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến sự hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.
Chia sẻ những giải pháp trọng tâm góp phần xây dựng và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, PGS.TS Tạ Quang Đông cho biết, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là nền tảng để phát triển xã hội, phát huy sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Vì vậy, đầu tiên rất cần có vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý văn hóa. Trong thời gian qua Bộ VH,TT&DL đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, đẩy mạnh việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, như tuyên truyền cổ động trực quan… tạo được sự hưởng ứng của đông đảo các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân.
Đồng quan điểm với PGS.TS Tạ Quang Đông, GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia là một cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai một cách đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Công việc này phải được tiến hành bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, không chạy theo hình thức, phong trào.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng nhất để xây dựng và triển khai hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia trong cuộc sống là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức một cách thực chất, bài bản về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Nếu có thể thì nên biến thành một cuộc vận động sâu rộng, quy mô, mang tầm chiến lược, dài hơi như các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hay phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của các thiết chế xã hội quan trọng như: gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục, trau dồi các giá trị. Phải kết hợp giữa “xây” và “chống”. Xây dựng, bồi đắp và củng cố những giá trị tốt đẹp, chống lại những thói hư, tật xấu trong xã hội…