Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam làm cơ sở hoàn thiện chuẩn mực đạo đức công vụ
Mục lục bài viết
Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam làm cơ sở hoàn thiện chuẩn mực đạo đức công vụ
1. Quan điểm, định hướng của Đảng ta về xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam
Hệ giá trị văn hóa là sản phẩm của con người, của sự phát triển xã hội và văn hóa mỗi thời đại. Khi được hình thành, hệ giá trị ấy định hướng mục tiêu, phương thức, hành động của con người và tham gia điều tiết sự phát triển xã hội. Hệ giá trị quy định tập quán, thói quen, dư luận xã hội và tiến tới quy định cả giá trị luật pháp. Do đó, bất cứ một xã hội hay một dân tộc nào cũng cần phải xây dựng được một hệ giá trị văn hóa, con người của riêng mình. Nếu thiếu nó là thiếu đi công cụ điều tiết xã hội, dễ dẫn tới sự thiếu định hướng phát triển xã hội.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta xác định một trong ba nội dung lớn để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới… Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác”. Kiên quyết “loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI đánh giá, bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên, công chức có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng thì vẫn còn “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta nhấn mạnh: so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa, đạo đức chưa tương xứng, chưa đủ tầm để tác động có hiệu quả vào việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, tệ nạn xã hội và tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Sau hơn 30 năm đổi mới, đời sống văn hóa, tinh thần tuy đã có nhiều thay đổi, song những tàn dư lạc hậu, tâm lý, lối sống tiểu nông, sản xuất nhỏ, phong cách sống và làm việc của cơ chế cũ vẫn còn hằn sâu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều thói hư, tật xấu và những mặt vốn hạn chế của người Việt Nam vẫn tồn tại, trở thành lực cản quá trình sáng tạo văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam hiện nay phải lấy hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc làm cơ sở, nền tảng để tiếp thu những giá trị hiện đại. Bởi theo quan niệm biện chứng về sự phát triển, cái mới không phải được xây dựng từ cái hư vô mà phải dựa trên nền tảng những điểm tích cực, hợp lý của cái cũ. Tuy nhiên, không phải tất cả những gì thuộc về truyền thống văn hóa dân tộc cũng đều phù hợp với yêu cầu của xã hội công nghiệp hiện đại. Bởi lẽ, những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam vốn được hình thành trong bối cảnh nền nông nghiệp lúa nước, khép kín nên có những điểm không phù hợp với xã hội công nghiệp và toàn cầu hóa.
Mặt khác, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng cần phải học tập, tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại, phải không ngừng bổ sung các giá trị mới. Đảng ta khẳng định: cần phải “xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính”(1). Chính nhờ sự chủ động giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, phát huy những lợi thế so sánh của mình, chúng ta đã làm cho nhiều giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc được khẳng định, đồng thời qua đó học hỏi tiếp thu, bổ sung thêm nhiều giá trị mới, làm cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng hơn.
Việt Nam đang từng bước xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả; thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cán bộ, công chức có bổn phận phục vụ nhân dân: “Cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công vụ được giao”(2).
Tuy nhiên, trên thực tế, các giá trị đạo đức công vụ hiện nay mới chỉ mang tính thủ tục hoặc được thực thi theo tập quán, thói quen xã hội chứ chưa bảo đảm về căn cứ pháp lý để giám sát, điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Một khi những quy phạm về đạo đức công vụ không được hệ thống hóa thành những quy định mang tính bắt buộc thì tất yếu mọi hoạt động sẽ không được công khai, minh bạch và sẽ không thể là động lực cho quá trình xây dựng và phát triển xã hội. Bởi vậy, việc luật hóa đầy đủ trách nhiệm giải trình, trách nhiệm công vụ và hình thành một cơ chế giám sát chặt chẽ, có chế tài nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ và trách nhiệm công vụ sẽ góp phần nâng cao chất lượng công chức. Bên cạnh đó, phải rà soát lại những bất cập trong hệ thống các văn bản luật và dưới luật hiện hành để chuẩn hóa, tránh những kẽ hở dễ bị lợi dụng để “lách luật”. Xây dựng một chế độ công vụ thật sự minh bạch, công khai, dân chủ và luôn được giám sát từ nhiều khía cạnh khác nhau, qua đó góp phần làm giảm tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.
Cùng với việc thực hiện Luật cán bộ, công chức, mỗi bộ, ban, ngành cần ban hành và thực hiện quy chế đạo đức công chức chuyên ngành phù hợp, giúp công chức của ngành nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc rèn luyện đạo đức đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ cụ thể được giao và với nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong từng giai đoạn. Vì vậy, việc xây dựng quy chế đạo đức công vụ phải chặt chẽ, rõ ràng, thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tính chất công việc của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Đề cao trách nhiệm cá nhân, ý thức tổ chức kỷ luật, tự giác học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng phong cách quần chúng, công khai hóa, thực hiện đúng chế độ, chính sách. Chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu nhân dân, chống tham ô, lãng phí, chống chia rẽ bè phái, cục bộ, coi thường pháp luật.
Để từng bước giảm thiểu các tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường đến đạo đức công vụ cũng như phát huy các tác động tích cực, việc chuẩn hóa chuẩn mực đạo đức công vụ cần tập trung vào đội ngũ công chức – chủ thể đạo đức công vụ và các cơ quan nhà nước – nhân tố đảm bảo cho quá trình xây dựng và phát triển của đạo đức như quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Văn hóa công vụ.
Đối với cán bộ, công chức, trên cơ sở các giá trị chuẩn mực đạo đức đã được xác lập, cần xác lập các quy tắc ứng xử hành vi để bảo đảm việc thực thi đạo đức công vụ trong bối cảnh mới hiệu quả hơn. Nghĩa là, phải hình thành công cụ, thể chế để cán bộ, công chức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân, tính tự giác, sáng tạo, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước… một cách linh hoạt, hài hòa và đảm bảo hiệu quả hoạt động công vụ.
2. Một số nguyên tắc và chuẩn mực xây dựng đạo đức công vụ hiện nay
Một là, đối với Tổ quốc: trung thành phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuyệt đối tin tưởng vào lý tưởng cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, trung thành với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, kiên quyết chống lại những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, độc lập dân tộc, tích cực và sẵn sàng tham gia bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Hai là, đối với nhân dân phải gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, hiểu và phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Ba là, đối với công việc: hiểu biết, trách nhiệm, yêu ngành, yêu nghề, vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bốn là, đối với đồng nghiệp: đoàn kết, chân tình, thẳng thắn, hợp tác, giúp nhau cùng tiến bộ.
Năm là, đối với bản thân: cần, kiệm, liêm, chính, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sáu là, đối với Nhà nước và cơ quan nhà nước:
– Xây dựng và hoàn thiện quy chế công vụ, đạo đức công vụ cho từng lĩnh vực quản lý công chức chuyên ngành. Cụ thể hóa những giá trị đạo đức như lòng trung thành, cần, kiệm, liêm, chính… thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi thi hành công vụ.
– Phát huy dân chủ trên cơ sở những quy định và chuẩn mực pháp luật, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng và giám sát hoạt động thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước.
– Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đánh giá cán bộ, công chức (quy trình và nội dung đánh giá) theo hướng mở rộng hơn nữa việc công khai, dân chủ, có sự tham gia của các tổ chức xã hội và công dân.
– Đầu tư nghiên cứu về những giá trị lý tưởng đạo đức công vụ để từng bước cụ thể hóa thành những chuẩn mực pháp luật, đặc biệt là đẩy mạnh nghiên cứu đạo đức công vụ trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
TS. Nguyễn Thu Huyền, Học viện Hành chính Quốc gia
————————————
Ghi chú:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.40.
(2) Quốc hội, Pháp lệnh cán bộ, công chức (bổ sung năm 2003), Nxb CTQG, H.2006, tr.43.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Đình Bách và Trần Minh Đạo, Đặc trưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb CTQG, H.2006.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG-ST, H.2012.
4. Luật cán bộ, công chức năm 2008.
5. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, Nxb CTQG-ST, H.2011.
6. Trần Sỹ Phán, Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ công chức hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 10/2015.
7. Hứa Thị Kiều Hoa, Giáo dục đạo đức công vụ cho học viên các trường chính trị khu vực miền núi phía Bắc (2015), Luận án tiến sĩ giáo dục.
Nguồn: tcnn.vn