Xây dựng hệ thống nhà văn hóa thôn ở xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn: Cần sự đồng lòng vì lợi ích chung

Xây dựng hệ thống nhà văn hóa thôn ở xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn: Cần sự đồng lòng vì lợi ích chung

Ngay tại thị xã công nghiệp Nghi Sơn nhưng nhiều nhà văn hóa cấp thôn ở xã Thanh Sơn hiện xập xệ và nhỏ hẹp đến… không ngờ. Thị xã Nghi Sơn, xã Thanh Sơn cùng các thôn trong xã đã và đang có kế hoạch cải tạo và xây dựng mới 9 nhà văn hóa cũ để bảo đảm các điều kiện sinh hoạt cộng đồng, đồng thời đáp ứng các tiêu chí về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2023 theo kế hoạch. Tuy nhiên, còn một vài cá nhân cho rằng đó là sự lãng phí và chưa cần thiết. Chúng tôi đã tìm hiểu, ghi nhận ý kiến nhiều chiều để phản ánh cái nhìn khách quan nhất.

Xây dựng hệ thống nhà văn hóa thôn ở xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn: Cần sự đồng lòng vì lợi ích chungNhà văn hóa thôn Văn Phúc, xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn) nhỏ bé, xập xệ với phần mái brô – xi măng thủng từng mảng lớn, nước chảy vào trong mỗi khi trời mưa…

“Cám cảnh” những thiết chế văn hóa dột nát

Đằng sau cánh cửa gỗ cũ rích mà trưởng thôn Lường Hữu Tú vừa mở ra, một không gian chật hẹp, ẩm thấp của nhà văn hóa thôn Sơn Hạ, xã Thanh Sơn đã hiển hiện. Sau đợt mưa dầm dề, nước ngấm vẫn còn ướt nhẹm phần bờ tường khiến các bằng khen, giấy khen hay quyết định của xã được treo trên tường cũng bị thấm đẫm. Ngoài những mảng hồ vữa đã bong tróc, nấm mốc ố đen còn hiện rõ trên nền ve xanh đã nhạt nhòa vì thời gian. Đây là ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 2002 với diện tích lòng chỉ vỏn vẹn 34m2, không có phần bục và sân khấu cho các hoạt động văn hóa – văn nghệ.

Theo trưởng thôn Lường Hữu Tú, nhà văn hóa thôn chỉ bảo đảm cho khoảng 30 chỗ ngồi nên khi hội họp phải ngồi cả ngoài sân và hè. Nếu trời mưa thì việc họp hành không thể diễn ra, trời nắng thì bức bí nóng nực. Trong khi đó, toàn thôn Sơn Hạ hiện có 314 hộ dân với hơn 1.300 nhân khẩu, nên nhà văn hóa không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ở thôn Sơn Thượng kế bên, nhà văn hóa được xây dựng từ năm 1998 với diện tích khoảng 40m2, phần hè chỉ hẹp 1,5m nên có thể đặt thêm một hàng ghế ngồi nếu trời không mưa hoặc nắng to. Đây từng là nhà ở, được thôn mua lại của một hộ dân nên không được thiết kế đúng công năng của một công trình văn hóa công cộng. Theo trưởng thôn Hồ Sỹ Dành, căn nhà đã 2 lần sửa chữa, nay quá nhỏ hẹp nên không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, chưa nói đến tiêu chí NTM.

Nằm ven khu đồng còn ngập nước, nếu không có dòng chữ “Nhà văn hóa thôn Văn Phúc” thì người lạ khó tưởng tượng ngôi nhà cấp 4 xập xệ lại là một thiết chế văn hóa ở xã Thanh Sơn. Tuy mới tồn tại gần 15 năm nhưng công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, các cửa đều hư hỏng. Phía trên phần cửa chính từng mảng hồ lớn đã rơi tạo thành những khoảng lõm. Trong lòng nhà văn hóa chỉ để vừa 3 chiếc bàn kê dọc và hai hàng ghế nhựa xung quanh. Đáng nói, phần mái ngôi nhà bằng brô – xi măng đã bị thủng hoặc nứt vết dài khiến mỗi khi trời mưa nguy cơ sập mái bất cứ lúc nào.

Tại thôn Trung Thành cùng xã, nhà văn hóa xây dựng năm 2009 tọa lạc trên một khuôn viên khá rộng nhưng trũng thấp. Sau mỗi trận mưa người dân phải lội qua khu đất trũng lầy mới vào được công trình dành cho sinh hoạt cộng đồng. Cửa chính của nhà văn hóa đã hỏng, hiện được cán bộ thôn dùng các tấm ván đóng đinh định vị nên không thể mở. Phía trong, phần mái nhà bằng tấm brô – xi măng đã thủng vỡ nhiều đám như bàn tay xòe, tạo nên những khoảng sáng. Theo người dân địa phương, mỗi khi trời mưa nước chảy vào nhà ướt sũng. Bà Đậu Thị Hiếu, 73 tuổi – người dân trong thôn, bày tỏ: Nhà văn hóa thôn đã quá cũ và xuống cấp, phần sân trũng lầy. Rất mong được sửa chữa hoặc xây dựng nhà văn hóa mới ở một vị trí khác khang trang hơn.

Xã Thanh Sơn hiện có 11 thôn với nhà văn hóa, trong đó 9 công trình xuống cấp, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Trên cơ sở đề án hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa của thị xã Nghi Sơn mới được ban hành, địa phương cùng các thôn đã lên kế hoạch xây dựng mới 7 công trình, sửa chữa 2 nhà văn hóa ngay trong năm 2022.

Xây dựng mới để bảo đảm các tiêu chí

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân ở xã Thanh Sơn mong muốn và sẵn sàng chung tay để xây dựng mới các nhà văn hóa thôn. Theo trưởng thôn Sơn Hạ – Lường Hữu Tú, hiện các buổi họp, sinh hoạt của thanh, thiếu niên, sinh hoạt văn hóa… đều rất khó khăn. Việc xây dựng nhà văn hóa mới đã trở thành yêu cầu bức thiết ở địa phương. Chi bộ thôn đã thống nhất và thôn đã tổ chức họp dân, đa phần người dân ủng hộ. Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, không thể có 100% hộ đồng thuận mà một vài người sợ đóng góp nên còn ý kiến khác. Với chủ trương xây dựng mới nhà văn hóa thôn trị giá khoảng 1 tỷ đồng, thị xã Nghi Sơn đã có khảo sát, cam kết hỗ trợ 350 triệu đồng, xã Thanh Sơn hỗ trợ 350 triệu đồng theo chương trình xây dựng NTM, Nhân dân trong thôn chỉ phải đóng góp phần còn lại khoảng 300 triệu đồng, trong đó có cả phần kêu gọi con em xa quê.

“Chưa nói đến việc chưa bảo đảm các tiêu chí NTM, nhà văn hóa hiện tại của thôn Sơn Thượng rất khó khăn trong tổ chức các hội nghị và hoạt động cộng đồng. Nay được quy hoạch 700m2 ra khu mới, lại có sự hỗ trợ phần lớn kinh phí từ thị xã và xã, chúng tôi rất phấn khởi, mong sớm được triển khai theo kế hoạch của xã. Nguyện vọng của bà con cũng muốn có phần sân rộng để tổ chức các hoạt động thể dục – thể thao hằng ngày”, trưởng thôn Sơn Thượng – Hồ Sỹ Dành bày tỏ.

Nói về việc có kế hoạch xây dựng mới hàng loạt nhà văn hóa thôn, ông Hoàng Văn Quốc, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn, cho biết: “Trong 9 nhà văn hóa xuống cấp tại xã hiện nay có nhà xây dựng từ năm 1998, đến năm 2000 và 2001 một số nhà văn hóa do người dân nhặt đá núi và xây dựng bằng hồ vôi nên ngấm dột, nứt và xuống cấp. Qua nhiều kỳ hội nghị tiếp xúc cử tri, Nhân dân có kiến nghị được hỗ trợ để đóng góp thêm xây nhà văn hóa mới khang trang, đủ diện tích để bà con hội họp. Hiện nay có 4 nhà văn hóa đang thi công, có những thôn bà con đóng góp đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất bên trong”.

Tại thôn Thanh Châu, một nhà văn hóa mới đang được xây dựng kiên cố trên phần đất nhà văn hóa xập xệ trước kia. Công trình được sự hỗ trợ của ngân sách thị xã, ngân sách xã và đối ứng của người dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Trước công trình mới đang “chạy” tiến độ hằng ngày, anh Lê Công Phấn – công dân trong thôn, hồ hởi cho biết: “Nhà văn hóa cũ của chúng tôi xây dựng từ năm 2004 nên đã xuống cấp và chật hẹp. Khi được thị xã và xã hỗ trợ phần lớn kinh phí xây dựng, họp dân chúng tôi đồng thuận phá bỏ để xây dựng mới ngay. Theo tôi, xã hội ngày càng tiến lên, mọi nhu cầu cũng nâng cao, việc xây mới nhà văn hóa khang trang và tiện nghi hơn là phù hợp”.

Động lực để xã Thanh Sơn xây dựng và sửa chữa các nhà văn hóa chính là đề án “Hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa thôn, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn thị xã Nghi Sơn giai đoạn 2022-2025” mới được UBND thị xã Nghi Sơn ban hành. Theo đó, thị xã sẽ hỗ trợ theo các mức từ 200, 350 đến 500 triệu đồng cho 1 nhà văn hóa thôn, khu phố xây mới; 50, 70 đến 100 triệu đồng cho 1 nhà văn hóa cải tạo, tùy theo điều kiện từng địa phương. Đồng thời, thị xã đã thiết kế mẫu chung nên mỗi công trình tiết kiệm được gần 100 triệu đồng kinh phí thiết kế theo quy định. Xã Thanh Sơn cũng huy động các nguồn lực, hỗ trợ thêm 350 triệu đồng cho xây dựng mới mỗi nhà văn hóa để bảo đảm các tiêu chí cho lộ trình xây dựng NTM và xây dựng xã văn hóa, các làng văn hóa.

Bài và ảnh: Nhóm PV