Xây dựng hình ảnh thương hiệu Du lịch Việt Nam
Xây dựng hình ảnh thương hiệu Du lịch Việt Nam
(VTR) – Theo Michael Porter, một điểm đến – sản phẩm du lịch tổng thể cũng như những sản phẩm cụ thể có hai loại lợi thế cạnh tranh cơ bản là chi phí thấp và sự khác biệt sản phẩm. Tuy nhiên nếu duy trì chiến lược chi phí thấp trong dài hạn có thể dẫn tới những thiệt hại do tỷ lệ lợi nhuận thấp, không đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Làm khác biệt sản phẩm là chiến lược chung thứ hai. Làm khác biệt hình ảnh điểm đến mang lại sự bảo vệ nhất định trước các đối thủ cạnh tranh nhờ vào sự trung thành và ít nhạy cảm trước giá cả của khách hàng. Việt Nam đã lựa chọn thông điệp “Vietnam, timeless charm” và hình ảnh đóa hoa sen cách điệu. Vấn đề đặt ra là hình ảnh này cần phải cụ thể hóa như thế nào để tạo sự nhận biết rõ ràng và gây ấn tượng mạnh đối với công chúng?
Chiến lược tập trung hay chiến lược chuyên sâu là chiến lược chung thứ ba. Ở đây, điểm đến tập trung vào một nhóm người mua nhất định, một phân đoạn thị trường hay một loại hình du lịch. Trên thực tế, có hai dạng: tập trung vào sự khác biệt sản phẩm và tập trung vào chi phí. Với một chiến lược chuyên sâu, một điểm đến có thể trở thành “một con cá lớn trong một chiếc ao nhỏ”.
Theo đó, hình ảnh “vẻ đẹp bất tận” của Việt Nam phải được cụ thể hóa phù hợp với từng thị trường mục tiêu. Với khách du lịch Nga, đó sẽ là vẻ đẹp bất tận của các bãi biển, là sự hấp dẫn của ẩm thực thủy hải sản; với khách du lịch Pháp, đó sẽ là vẻ đẹp bất tận của các di sản văn hóa cũng như sự phong phú của văn hóa các dân tộc thiểu số; với khách du lịch Mỹ, đó sẽ là vẻ đẹp bất tận của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với sự đa dạng của các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá…
Để cụ thể hóa hình ảnh thương hiệu Du lịch Việt Nam, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam” đã thực hiện 1.000 cuộc điều tra phỏng vấn với 400 khách du lịch quốc tế, 400 khách du lịch nội địa, 140 cộng đồng dân cư, 30 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 30 doanh nghiệp lữ hành và khách sạn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và thu được một số kết quả cơ bản sau:
Thương hiệu Du lịch Việt Nam hiện nay đang được định vị tốt trong các yếu tố về: Con người Việt Nam; Cảnh quan thiên nhiên; Ẩm thực. Các địa danh được định vị tốt nhất trong thị trường là Hạ Long và Hà Nội. Trong đó, các giá trị liên quan đến con người Việt Nam: tính niềm nở, mến khách; văn hóa lối sống có định vị tốt nhưng không xác định rõ được địa bàn cụ thể; Ẩm thực có sự ghi nhận của thị trường nhưng không có tính khả thi do Thái Lan đã sử dụng chiến dịch định vị “Thailand – the kichen of the world” một thời gian dài cùng việc phát triển hệ thống nhà hàng, văn phòng đại diện ở các thị trường. Giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo mà biểu tượng là Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long gắn với cảnh quan trên biển, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm du lịch của chiến lược, quy hoạch giai đoạn tới, đã được định vị tốt ở thị trường.
+ Các yếu tố định vị chính
Bản chất thương hiệu – các yếu tố cốt lõi thương hiệu Du lịch Việt Nam định vị với các giá trị đa dạng sắc thái trong cả tự nhiên và văn hóa, tập trung chính vào các yếu tố sau: phong cảnh thiên nhiên đa dạng gắn với các dòng sản phẩm chính là du lịch biển, du lịch sinh thái; văn hóa đa sắc tộc, con người, lối sống, ẩm thực gắn với dòng sản phẩm du lịch văn hóa.
Các giá trị này là những giá trị thương hiệu chính của toàn bộ kiến trúc thương hiệu.
Tính cách thương hiệu được xác định là:Tính truyền thống; tính duyên dáng; tính mở – phát triển.
Xác lập cấu trúc thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam
Thương hiệu du lịch quốc gia cần được xác lập dựa trên các thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu du lịch địa phương, thương hiệu các sản phẩm du lịch, thương hiệu các doanh nghiệp du lịch. Trong các điều kiện của Du lịch Việt Nam hiện nay, có thể thực hiện theo hai cấu trúc thương hiệu chính là:
Cấu trúc 1: Thương hiệu Du lịch Việt Nam là thương hiệu bao trùm với các giá trị cốt lõi thương hiệu tập trung vào các dòng sản phẩm chính và giá trị cảm nhận. Các thương hiệu nhánh gồm: thương hiệu sản phẩm du lịch biển, đảo; thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa; thương hiệu sản phẩm du lịch sinh thái; thương hiệu sản phẩm du lịch đô thị. Dưới các thương hiệu nhánh này là hệ thống thương hiệu các sản phẩm du lịch trong từng dòng sản phẩm. Cấu trúc này khá tương đồng với đề xuất của chuyên gia quốc tế tại Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án ESRT). Cấu trúc này có thế mạnh về định hướng thị trường. Dưới đây là phác thảo ý tưởng xây dựng hình ảnh nhận diện cho ba dòng sản phẩm chính của Du lịch Việt Nam:
Hình ảnh chủ đạo chiếm diện tích lớn, nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu như sản phẩm du lịch biển là hình ảnh Hạ Long, sản phẩm du lịch văn hóa là sự đa dạng của văn hóa lối sống phong tục, sản phẩm du lịch sinh thái là thiên nhiên xanh.
Hình ảnh bổ trợ sử dụng nhiều hình ảnh cùng chủ điểm với kích thước nhỏ, sắp thành hình chữ S – bản đồ Việt Nam theo trục dọc, gắn kết với hình ảnh chủ đạo như:
Sản phẩm biển là các bãi tắm nghỉ dưỡng nổi bật tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc…
Sản phẩm du lịch văn hóa là nụ cười của đồng bào dân tộc, thể hiện tính mở, thân thiện, đầy bản sắc nhưng vô cùng năng động.
Sản phẩm du lịch sinh thái là sắc xanh đa dạng từ Hà Giang, Sapa đến đồng bằng sông Hồng, rừng khộp Tây Nguyên và miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long.
Biểu tượng và slogan Timeless Charm gắn với slogan của từng sản phẩm nhánh. Kết cấu thông điệp được xây dựng với cấu trúc:
Vế 1: tính từ + danh từ thể hiện giá trị cốt lõi như Blue ocean với sản phẩm du lịch biển, Diversity culture với sản phẩm du lịch văn hóa, Green nature với sản phẩm du lịch sinh thái.
Vế 2: tính từ cảm xúc thể hiện giá trị thu nhận của khách hàng với Cool feeling của sản phẩm biển, Warm feeling của sản phẩm văn hóa và Fresh feeling của sản phẩm sinh thái.
Cấu trúc 2: Thương hiệu Du lịch Việt Nam là thương hiệu bao trùm với các giá trị cốt lõi thương hiệu tập trung vào các vùng. Các thương hiệu nhánh gồm:
Thương hiệu đồng bằng Sông Hồng và duyên hải Đông Bắc có hình ảnh chủ đạo: thắng cảnh Hạ Long và đô thị cổ Hà Nội; Giá trị cốt lõi: thắng cảnh và sự kỳ bí của kiến tạo thiên nhiên – văn hóa đặctrưng của nền văn minh lúa nước; Sản phẩm: du lịch biển, du lịch văn hóa.
Thương hiệu duyên hải miền Trung có hình ảnh chủ đạo: Khánh Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng; Giá trị cốt lõi: các bãi biển dài, chất lượng nghỉ dưỡng cao; Sản phẩm: du lịch biển, du lịch văn hóa.
Thương hiệu trung du, miền núi Bắc Bộ có hình ảnh chủ đạo: núi cao, đa dạng sắc thái dân tộc thiểu số; Giá trị cốt lõi: các hoạt động, tập tục của dân tộc vùng cao; Sản phẩm: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Thương hiệu Bắc Trung Bộ có hình ảnh chủ đạo: cố đô Huế; Giá trị cốt lõi: Các nét văn hóa cung đình giữa các di tích cố đô Huế; Sản phẩm: du lịch văn hóa.
Thương hiệu Tây Nguyên có hình ảnh chủ đạo: người dân tộc Ê Đê trên lưng voi giữa núi rừng; Giá trị cốt lõi: nét văn hóa đặc trưng của dân tộc giữa núi rừng Tây Nguyên; Sản phẩm: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Thương hiệu Đông Nam Bộ có hình ảnh chủ đạo: sức sống hiện đại của TP. Hồ Chí Minh và các hoạt động đô thị, MICE; Giá trị cốt lõi: sự năng động của đô thị hiện đại với dáng dấp đầy quyến rũ; Sản phẩm: du lịch MICE;
Thương hiệu đồng bằng sông Cửu Long có hình ảnh chủ đạo: miệt vườn sông nước, đa dạng sinh học; Giá trị cốt lõi: Cuộc sống sông nước trong sự đa dạng sinh học đặc thù trên hệ thống kênh rạch; Sản phẩm: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Dưới các thương hiệu nhánh này là hệ thống thương hiệu các địa phương, các sản phẩm du lịch, các doanh nghiệp du lịch ở từng vùng. So với cấu trúc 1 thì cấu trúc này có thế mạnh về tổ chức, quản lý.
Thực tế là, khi xây dựng thương hiệu điểm đến, việc cụ thể hóa các hình ảnh chủ đạo và giá trị cốt lõi trên phương tiện truyền thông là rất cần thiết nhưng một nội dung cũng hết sức quan trọng là khách du lịch biết đến thương hiệu khi họ đến điểm đến. Thêm nữa, thương hiệu phải là sản phẩm kết tinh của thực tế; không bao giờ là lời hứa về khả năng trong tương lai hoặc chỉ là những điều mong muốn. Vì vậy, thách thức đối với điểm đến là xác định những lĩnh vực có thể đã không đáp ứng được mong đợi của khách và tìm cách khắc phục. Không có sự liên kết giữa lời hứa thương hiệu như đã cam kết trong truyền thông, và trải nghiệm của khách tại điểm đến sẽ làm mất niềm tin vào thương hiệu điểm đến. Du khách sẽ cảm nhận được giá trị thương hiệu thông qua trải nghiệm của mình tại điểm đến. Mỗi lần tiếp xúc với con người và địa điểm trong quá trình lưu trú tại điểm đến, từ khi bước xuống sân bay, thông qua chất lượng nơi ở đến sự chào đón của những người dân địa phương sẽ quyết định nhận diện điểm đến. Những điểm chính mà khách tương tác với điểm đến có thể làm họ hài lòng hoặc mất tinh thần, thường được gọi là “các điểm tiếp xúc khách hàng” hoặc “những thời điểm thích hợp”. Bộ phận chuyên trách về quản lý thương hiệu phải nhận biết được khi nào “những thời điểm thích hợp” có thể xảy ra và bảo đảm khách sẽ có trải nghiệm tích cực ở từng điểm “tiếp xúc khách hàng”. Khi hình ảnh một đất nước càng tuyệt vời thì càng có nhiều người muốn đến thăm đất nước ấy, và tiếp tục mở rộng, lan truyền đến các khách hàng tương lai khác.
Khi bàn về “Thương hiệu quốc gia”, tác giả Simon Anholt cho rằng “Danh tiếng của các quốc gia cũng giống như thương hiệu của các công ty và sản phẩm”. Hình ảnh và thương hiệu của một đất nước ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi và thái độ của các “đối tượng mục tiêu” như các nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch, người tiêu dùng, giới truyền thông, đối tác kinh doanh… Xây dựng thương hiệu vì thế là một nội dung vô cùng quan trọng giúp định vị hình ảnh về điểm đến trong tâm trí công chúng.
Tài liệu tham khảo:
- Cliff Shultz, Cạnh tranh và điểm đến du lịch, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright 2007-2008
- Porter, Michael E. (1980). Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors, New York: The Free Press.
- Simon Anholt, Brand New Justice: How branding places and products can help the developing world, Butterworth-Heinemann, 2005 (2nd edition)
- Đỗ Cẩm Thơ (Chủ trì) và cộng sự, Đề tài “Giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam”, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, Hà Nội, 2013
ThS. Nguyễn Thu Thủy
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)