Xây dựng quận Tây Hồ thành “Trung tâm văn hóa, du lịch của Thủ đô”
Từ những giá trị văn hóa tiềm tàng
Quận Tây Hồ chính thức thành lập ngày 27/12/1995, trên cơ sở sáp nhập 3 phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ của quận Ba Đình và 5 xã Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La của huyện Từ Liêm (cũ).
Hiện nay, toàn quận có 71 di tích lịch sử văn hóa, 42 di tích đã xếp hạng, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Đồng Cổ, chùa Vạn Niên, chùa Hoằng Ân… Cùng với đó là những làng nghề truyền thống cổ xưa như: Nghề trồng hoa, quất cảnh (Quảng Bá, Tứ Liên), nghề trồng đào truyền thống (Nhật Tân), nghề làm hương (Yên Phụ), nghề làm mứt kẹo (Xuân Đỉnh)… và nhiều sản vật nổi tiếng như: Bánh Tôm Hồ Tây, bún ốc phủ Tây Hồ, chè sen Tây Hồ, xôi chè Phú Thượng…
Hiện đại hơn có thể kể đến: Công viên nước Hồ Tây, không gian ẩm thực, nghệ thuật đường phố Trịnh Công Sơn, hệ thống các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng.
Một góc không gian quận Tây Hồ nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Từ những tiềm năng đó, trải qua quá trình phát triển, quận Tây Hồ tiếp tục duy trì và gìn giữ, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất, xây dựng thương hiệu các làng nghề truyền thống được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của quận.
Năm 2022, quận Tây Hồ đã trở thành “điểm đến” của nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao tầm cỡ: Phục vụ vụ thi đấu môn Teakwondo tại Đại hội thể thao Đông Nam Á – SEA Games 31 từ ngày 16 – 19/5/2022; Phối hợp với Hội Liên hiệp hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc tổ chức thành công Chương trình Giao lưu văn hóa Việt – Hàn 2022… Thông qua đó, đông đảo nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước đã có dịp hiểu hơn về đặc trưng văn hóa, du lịch của quận.
Trên bước đà ấy, những năm tới, quận tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, du lịch gắn với lợi thế của Hồ Tây và vùng phụ cận, phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ – du lịch văn hóa của Thủ đô.
Tạo “cú hích” từ phát triển các đề án
Mới đây, Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến 2045 của Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế văn hóa phát triển toàn diện, bền vững, trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Quy hoạch này hướng tới khuyến khích xây dựng không gian mới hiện đại, đồng thời, gìn giữ các công trình di tích lịch sử, mang đậm nét văn hóa dân tộc.
Vườn đào Nhật Tân (quận Tây Hồ) những ngày Tết đến Xuân về luôn là điểm đến yêu thích của giới trẻ. Ảnh: Giang Huy
Riêng tại quận Tây Hồ sẽ hình thành trục không gian chính mang ý nghĩa tâm linh – cảnh quan, kéo dài từ đường Đặng Thai Mai đến sát Hồ Tây. Điểm khởi đầu là khu vực quảng trường giao thông, giao giữa đường Đặng Thai Mai với đường có lộ giới 22m, tiếp đến là chuỗi công trình di sản văn hóa – tôn giáo kết hợp với khu vực cây xanh cảnh quan, điểm nhấn đặc trưng cho toàn khu vực.
Tiếp nối là không gian quảng trường nghệ thuật dẫn hướng đến mặt nước Hồ Đầm Trị và Hồ Tây. Kết thúc trục không gian là công trình điểm nhấn nhà hát thành phố và cảnh quan mặt nước Hồ Tây.
Nhằm sớm đưa quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ – du lịch, văn hóa của Thủ đô, quận đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế – xã hội của quận; kết hợp các biện pháp phục hồi du lịch văn hóa với nhiệm vụ phòng, chống dịch, xây dựng hình ảnh Tây Hồ là điểm đến an toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn.
Cụ thể, bên cạnh tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng là lợi thế riêng có, quận cũng chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án: “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận”; “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác nhà văn hóa phường, nhà sinh hoạt địa bàn dân cư, giai đoạn 2022-2023”; “Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa văn nghệ – thể dục thể thao quận, giai đoạn 2022-2025”…
Quận cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án trên địa bàn quận, đặc biệt là các dự án đầu tư ngoài ngân sách như dự án khu đô thị Tây Hồ Tây (giai đoạn 2), khu đô thị Nam Thăng Long (giai đoạn 3 – 104ha) để tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển. Phấn đấu đến năm 2025 quận Tây Hồ trở thành Trung tâm dịch vụ – du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Năm 2022, dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh của quận Tây Hồ đạt 1.002,254 tỷ đồng bằng 100,4 % so với kế hoạch năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách trên địa bàn Quận đạt 4.227,2 tỷ đồng, bằng 165% dự toán năm, trong đó thu ngoài quốc doanh 1.100,7 tỷ đồng, đạt 112% dự toán năm, thu loại trừ tiền sử dụng đất 2.194,2 tỷ đồng, đạt 118% dự toán năm, thu tiền sử dụng đất 1.968 tỷ đồng, đạt 284% dự toán năm.