Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc trưng, độc đáo của tỉnh Phú Yên

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung nghiên cứu các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng vốn có, độc đáo của di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh tỉnh Phú Yên; từ đó, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thương hiệu và sức cạnh tranh cho du lịch tỉnh Phú Yên đáp ứng nhu cầu của du khách, giúp ngành Du lịch của địa phương phát triển bền vững.

Từ khóa: sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch Phú Yên, di sản văn hóa, du lịch.

Đặt vấn đề

Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, góp phần tăng cường sự hợp tác, giao lưu quốc tế và quảng bá hình ảnh quốc gia đến thế giới. Nhu cầu về văn hóa trong du lịch đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong mọi hoạt động và phát triển du lịch của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Vì vậy, việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng sản phẩm đặc thù phục vụ phát triển du lịch là cần thiết và là giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo mục tiêu hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao.

2. Khái quát về tiềm năng di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc trưng, độc đáo để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên

Phú Yên, vùng đất sở hữu nhiều tiềm năng di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng, nhiều giá trị độc đáo, riêng có, với địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam, nhiều dãy đồi núi thấp ăn lan ra biển tạo nên nhiều thắng cảnh tự nhiên độc đáo như: Danh thắng quốc gia vịnh Xuân Đài là một vịnh đẹp gắn liền nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến vùng đất Phú Yên cũng như của cả nước. Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài là thương cảng của Phú Yên trong quá khứ, nơi diễn ra sự kiện ngoại giao đầu tiên Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 1832; Vịnh Vũng Rô gắn liền với huyền thoại về những con tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển; Thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan với các đặc sản nổi tiếng như: sò huyết, hàu, cua huỳnh đế, rau câu… Đặc biệt là danh thắng gành Đá Đĩa nổi tiếng bởi hiện tượng địa chất hết sức độc đáo, kỳ lạ có một không hai ở Việt Nam; Bãi Môn – Mũi Điện (mũi Đại Lãnh) nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam. Nhiều bãi tắm lý tưởng, nước biển trong xanh, cát trắng mịn thoai thoải, có thể phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng và thể thao trên biển, trên cát… tiêu biểu như: bãi Nồm, bãi Tràm, bãi Từ Nham, bãi Ôm, An Hải, bãi Súng, Long Thủy, Tuy Hòa, bãi Môn…; nhiều gành đá và đảo nhỏ ven bờ còn nguyên nét đẹp hoang sơ, quyến rũ như: Hòn Lao Mái Nhà, hòn Yến, hòn Chùa, hòn Nưa, Bãi Xép – gành Ông hình ảnh gắn liền với bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”…

Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Phú Yên còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Phú Yên có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Nhạn và Gành Đá Đĩa, 21 di tích quốc gia và 85 di tích cấp tỉnh. Một số di tích, địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử: Đá Bia gắn với truyền thuyết về hành trình mở cõi về phương Nam của vua Lê Thánh Tông; Đền thờ Lương Văn Chánh, vị khai quốc công thần của Phú Yên; Thành An Thổ, nơi sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nét đặc sắc trong văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau của 32 dân tộc cùng sinh sống, đã tạo nên những sắc thái văn hóa dân gian phong phú, với nhiều lễ hội như: Lễ hội Cầu ngư, lễ hội đua thuyền, Hội đua ngựa gò Thì thùng; các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc từ hát tuồng, bài chòi, hò bá trạo, hò kéo lưới đến trường ca, các nhạc cụ dân tộc trống đôi – cồng ba – chiêng năm của các đồng bào dân tộc vùng miền núi. Ẩm thực Phú Yên cũng rất phong phú, được xem là thế mạnh với nhiều đặc sản nổi tiếng như: cá ngừ đại dương, sò huyết Ô Loan, bò một nắng Sơn Hòa, ghè Sông Cầu, tôm Hùm Sông Cầu…

Phú Yên cũng là vùng đất các tôn giáo hình thành và phát triển khá sớm. Qua hơn 410 năm đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử vùng đất, Phật giáo đã để lại nơi đây một hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và cũng không kém phần đặc trưng, tạo nên một tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo, tiêu biểu như: Chùa Cổ Lâm – Hội Tôn một trong những ngôi chùa cổ đầu tiên của Phú Yên, chùa Đá Trắng, chùa Thanh Lương, chùa Bảo Lâm…; đối với công giáo ở Phú Yên, Nhà thờ Mằng Lăng có kiến trúc rất đặc trưng, đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên – “Phép giảng tám ngày” của Alexandre de Rhodes (còn gọi là cha Đắc Lộ) in năm 1651 tại Roma có giá trị để phục vụ phát triển du lịch.

3. Hiện trạng xây dựng sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù Phú Yên

Theo các định hướng tại Quy hoạch Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và thực trạng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch tại Phú Yên có thể đánh giá khái quát tình hình phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù của Tỉnh như sau:

– Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo: Do lợi thế về vị trí địa lý là tỉnh ven biển với nhiều bãi biển đẹp, nhiều đảo, vịnh hoang sơ với bờ cát trắng, nước biển trong xanh… dòng sản phẩm này được hình thành từ rất sớm, khai thác tại các địa phương miền biển và được xác định là sản phẩm du lịch mũi nhọn của Tỉnh. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng cho phát triển loại hình này thời gian gần đây được quan tâm đầu tư phát triển, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Mặt khác, sản phẩm du lịch này cũng bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ do bị chi phối bởi yếu tố khí hậu như hiện tượng mưa bão, chủ yếu phục vụ nhu cầu khách du lịch nghỉ dưỡng biển vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Bên cạnh các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo thuần túy như tắm biển, thăm đảo, vịnh, lặn biển ngắm san hô,… khá phổ biến, thời gian gần đây, với sự đầu tư của các tập đoàn lớn xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp thì sản phẩm nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp thu hút được một phân khúc thị trường khách quốc tế có thu nhập cao.

– Sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tham quan từng bước hình thành, thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan thông qua việc đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa như: Di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh; Di tích Thành An Thổ – nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú; khu di tích Tàu Không số Vũng Rô; Khu di tích Nhà thờ Bác Hồ ở Sơn Định, Nhà Bảo tàng tỉnh Phú Yên, khu di tích Núi Nhạn – Tháp Nhạn…; các lễ hội truyền thống đã được tổ chức với quy mô, chất lượng cao hơn như: Hội thơ Nguyên tiêu trên Núi Nhạn, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Lễ hội sông nước Tam Giang, Lễ hội sông nước Đà Nông, các lễ hội cầu ngư của cư dân ven biển, các lễ hội mừng sức khỏe, mừng lúa mới của đồng bào dân tộc miền núi…

– Sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng đang hình thành thông qua sự kết nối của một số đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành như: tham quan các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm từ chất liệu vỏ gáo dừa, vỏ ốc, mây tre đan, bẹ chuối, đá cảnh,…; tham quan làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng rau Ngọc Lãng, làng nước mắm gành Đỏ, làng rượu Quán Đế… tạo cho du khách hòa mình cùng đời sống ngư dân, nông dân,…

– Sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực đặc sản Phú Yên được nhiều đối tượng khách đánh giá cao như: ốc nhảy sông Cầu, ghẹ đầm Cù Mông, sò huyết và hàu đầm Ô Loan, bánh tráng thịt heo luộc Hòa Đa, cua huỳnh đế, cá ngừ đại dương, mực một nắng, bò một nắng, cà phê Tuy Hòa, các loại nước mắm, các loại bánh… Ngoài ra các sản phẩm dịch dịch vụ hỗ trợ đang phát triển như: dịch vụ vận chuyển, ngân hàng, vụ viễn thông, y tế,… góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch của Phú Yên.

– Ngoài ra, các sản phẩm dịch dịch vụ hỗ trợ đang phát triển như: Du lịch MICE, là loại hình du lịch kết hợp giữa hội thảo, hội nghị, khen thưởng, hội họp và triển lãm, du khách trải nghiệm, tham quan danh lam thắng cảnh sau khi dự hội nghị, sự kiện.

Có thể nhận thấy, sản phẩm du lịch Phú Yên chưa đa dạng, phong phú, chưa có sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao; giá trị phi vật chất trong sản phẩm du lịch Phú Yên còn thấp; các đơn vị cung cấp sản phẩm du lịch chưa có mối liên kết để hình thành những sản phẩm du lịch tổng hợp cao đáp ứng nhu cầu của khách khi đến Phú Yên; thiếu những tour du lịch trọn gói, tour du lịch đặc trưng liên kết những sản phẩm du lịch đơn lẻ.

4. Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng Phú Yên

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, có thể xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng Phú Yên phục vụ khách du lịch.

4.1. Sản phẩm du lịch văn hóa đá

Di sản văn hóa đá Phú Yên có những giá trị nổi bật về lịch sử – văn hóa và kinh tế du lịch. Sự phong phú, đa dạng về các loại hình di sản văn hóa đá đã phản ánh đặc điểm tự nhiên, cấu tạo địa chất, đặc trưng văn hóa xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc ở Phú Yên. Địa danh tiêu biểu cho nền văn hóa này là danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, đây là danh thắng có một không hai của Việt Nam. Xung quanh Gành Đá Đĩa còn có các sản phẩm được tạo ra từ đá như: giếng nước bằng đá, tường rào bằng đá, các ngôi nhà dựng bằng đá… Đặc biệt, nơi đây còn phát hiện ra bộ đàn đá có thang âm đầy đủ nhất Việt Nam hiện nay và bộ kèn đá độc nhất vô nhị có niên đại cách đây 2.500 năm.

Với những đặc trưng như vậy, tại khu vực này sẽ tổ chức cho du khách tham quan, chụp ảnh tại Gành Đá Đĩa và các công trình bằng đá. Sau đó, du khách sẽ được lắng nghe những âm thanh phát ra từ đá từ những nghệ sĩ trình bày. Để tạo cho du khách có những ấn tượng khó quên về vùng đất này, sau khi nghệ sĩ biểu diễn xong sẽ mời du khách thị phạm trên chính các công cụ để có những cảm nhận sâu sắc hơn. Ngoài ra, chúng ta có thể chế tác những sản phẩm lưu niệm từ đá và các món ăn nướng bằng đá… để phục vụ nhu cầu của du khách.

4.2. Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh phật giáo “về miền đất Phật”

Với tiềm năng về du lịch tâm linh, chúng ta có thể xây dựng các chương trình du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo theo những định hướng sau:

– Chương trình du lịch “về quê hương thiền sư Liễu Quán”

Huyện Tuy An – Phú Yên là quê hương Tổ sư Liễu Quán của dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông có sức lan tỏa khắp đàng trong và cũng là quê hương của nhiều ngôi chùa cổ có lịch sử hình thành hàng trăm năm. Đây là nét đặc trưng riêng có của Tuy An để xây dựng nên sản phẩm du lịch này. Có thể đưa du khách được đến quê hương của thiền sư Liễu Quán – làng Bạc Má – Đồng Xuân nay là xã An Thạch, Tuy An, nơi sinh ra một vị danh sư nổi tiếng, mở đầu thiền phái Lâm Tế; ghé thăm chùa Hội Tôn – nơi ông xuất gia học đạo (bây giờ là nhà thờ Mằng Lăng), chùa Châu Lâm – nơi dựng đài minh bia, dưới chân núi A Man. Kết hợp với chương trình này du khách có thể thăm những danh lam cổ tự khác, như chùa Thanh Lương xã An Chấn, huyện Tuy An, với ngôi điện thờ Quán Thế Âm được xây dựng khang trang và đã đưa bức tượng Quan Âm vớt ở vùng biển gần Hòn Chùa và Hòn Dứa vào thờ, đây là nơi để du khách thập phương, tín đồ phật tử đến để cầu nguyện, chiêm bái, gởi gắm niềm tin tâm linh của mình. Bên cạnh đó có thể thực hiện các khóa tu ngắn cho du khách.

– Chương trình du lịch tham quan các chùa kết hợp với các điểm du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa. Đây là mô hình khá thích hợp với Phú Yên, bởi ở đây có tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa lịch sử độc đáo. Trên tuyến này chúng ta có thể đưa du khách tham quan chùa Thanh Lương, Cổ Lâm, Từ Quang – Đá Trắng, kết hợp với tham quan các bãi biển, đầm, vịnh, gành đá như: hòn Chùa, bãi Xép, hòn Yến, đầm Ô Loan, gành Đá Dĩa… và một số di tích: đền Lê Thành Phương, di tích Thành An Thổ, nhà thờ Mằng Lăng,… Trong khi thực hiện các tour du lịch tâm linh cần phải chú trọng và nhấn mạnh đến việc phong phú hóa nội dung bằng các sản phẩm văn hóa Phật giáo, bởi vì chính các sản phẩm này sẽ làm thỏa mãn nhu cầu của du khách trong chuyến đi của họ. Sản phẩm văn hóa Phật giáo ở đây bao gồm: hệ thống chùa chiền với các kiểu kiến trúc đa dạng gắn liền với cảnh quan thiên nhiên; Nghệ thuật diễn xướng nhạc lễ mang âm hưởng đặc trưng của vùng xứ “Nẫu” – đây cũng là một loại hình nghệ thuật cần được khám phá, nghiên cứu; Ẩm thực chay gắn liền với hệ sinh thái ở vùng đất Phú Yên; Các sinh hoạt nghi lễ của chư tăng, tín đồ phật tử. Dựa trên những sản phẩm này, du khách có thể nhìn ngắm hoặc trải nghiệm bằng những thực hành tôn giáo tùy vào điều kiện của mỗi người.

– Chương trình du lịch thưởng thức các lễ hội Phật giáo. Lễ hội Phật giáo là một bộ phận của di sản văn hóa Phật giáo, đang được phát triển một cách mạnh mẽ, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, ước vọng của tín đồ, quần chúng. Qua lễ hội cũng thể hiện sự phát triển, sức sống của Phật giáo trong xu thế nhập thế với nhiều phương tiện khác nhau, đưa tín đồ, quần chúng đến với giáo lý giải thoát của Phật. Cho nên, phát triển du lịch gắn liền lễ hội Phật giáo là một hướng khai thác di sản văn hóa Phật giáo với tiềm năng phát triển du lịch tâm linh hấp dẫn và đa dạng, đồng thời qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Phật giáo trước những tác động của xu thế xã hội, cũng như trong mối quan hệ gắn kết: văn hóa – du lịch hay lễ hội Phật giáo – du lịch tâm linh trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Với tinh thần trên, lễ hội Phật giáo nổi bật với các lễ hội: Lễ Phật Thích Ca đản sanh, lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Vu Lan. Trong lễ hội diễn ra, du khách có thể nhận thấy những đặc trưng riêng có của lễ hội Phật giáo Phú Yên trên các mặt: Nghi lễ truyền thống Phật giáo; Giá trị diễn xướng nhạc lễ Phật giáo; Các sinh hoạt tôn giáo phong phú, đa dạng gắn liền với văn hóa dân gian của gia đình phật tử, khuôn hội/Niệm Phật đường và niềm tin tôn giáo của người tham dự lễ hội.

4.3. Sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng đặc thù

Tại khu vực Khu vực Gành Đá Đĩa, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, có thể định hướng xây dựng  một số sản phẩm du lịch, dịch vụ chính: Tắm biển, tham quan thắng cảnh, tìm hiểu đời sống dân cư bản địa; khám phá, nghiên cứu về địa chất; khu nghỉ dưỡng đặc thù gắn với đá..; Các khu chức năng chính: Khu công viên kỳ quan Đá Đĩa; Khu trung tâm dịch vụ; Khu bảo tồn văn hóa bản địa kết hợp du lịch; Khu tắm biển; Khu nghỉ dưỡng đá: Biệt thự nghỉ dưỡng, nhà nghỉ dưỡng, trung tâm trị liệu, chuẩn trị y học,… Điểm nhấn khu du lịch: Các công trình được xây dựng sử dụng vật liệu đá đặc thù: công viên kỳ quan đá; biệt thự, nhà nghỉ dưỡng bằng đá. Các công trình được xây dựng gắn kết với cây xanh, cảnh quan thiên nhiên, tạo khu du lịch độc đáo, khác biệt. 

4.4. Sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực

Phú Yên là một vùng nổi tiếng với những món ăn ngon, một số đặc sản đã được khách du lịch yêu thích đó là cá ngừ đại dương, sò huyết, hàu đầm Ô Loan, Bò một nắng Sơn Hòa,… Ngoài ra, Phú Yên còn nổi tiếng với đặc sản xoài chùa Đá Trắng “Xoài Đá Trắng, sắn Phường Lụa”. Dưới triều nhà Nguyễn, xoài Đá Trắng được tiến vua, nên có tên là “Xoài Ngự”, “Xoài Tiến” và được mang hiệu là “Bạch Thạch Yêm Ba”… Đây là một thuận lợi để Phú Yên xây dựng những sản phẩm ẩm thực đặc trưng mang thương hiệu riêng phục vụ khách du lịch. Để phát huy được lợi thế cần tổ chức xây dựng thương hiệu để nâng tầm sản phẩm, ví dụ có thể xây dựng thương hiệu xoài Đá Trắng thành sản phẩm “Ẩm thực tiến Vua”; thường xuyên tổ chức các hội thi về ẩm thực, nhằm làm phong phú thêm các món ăn của quê hương và quảng bá đến với du khách trong và ngoài nước. Ngoài việc chú trọng phát triển các nét độc đáo ẩm thực địa phương, cũng nên quan tâm đến các xu hướng ẩm thực đa dạng từ nhiều nền văn hóa trên thế giới trên cơ sở những thế mạnh ẩm thực của địa phương mình.

4.5. Sản phẩm du lịch gốm Quảng Đức

Quảng Đức là tên gọi một làng gốm ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cách đây hơn 300 năm, gốm Quảng Đức rất nổi tiếng không chỉ bởi kiểu dáng độc đáo mà còn do cách nung riêng biệt bằng vỏ sò đầm Ô Loan và đất sét An Định. Gốm Quảng Đức là di sản văn hóa rất độc đáo có mặt ở khắp nơi trong cả nước, nhưng nhiều nhất là ờ các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Giờ đây, gốm Quảng Đức đã thất truyền và sản phẩm chỉ còn lại trong các bộ sưu tập cá nhân. Chính vì vậy, lưu giữ, bảo tồn và quảng bá rộng rãi sản phẩm gốm Quảng Đức là việc cần phải làm ngay. Có thể sưu tầm hình thành một không gian gốm Quảng Đức để bảo tồn, triển lãm, quảng bá phục vụ nhu cầu khách du lịch dòng gốm quý này. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu việc khôi phục lại làng gốm Quảng Đức ở Tuy An, mặc dù việc này có thể nói là không dễ dàng. Bởi vì cho đến nay những nghệ nhân biết cách làm gốm Quảng Đức gần như đã không còn và quy trình sản xuất cũng bị mai một.

4.6. Sản phẩm về với cội nguồn chữ quốc ngữ đầu tiên

Nhà thờ Mằng Lăng được xem là giáo xứ đầu tiên, cũng là nhà thờ qui mô nhất và cổ nhất của tỉnh Phú Yên, thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng vào năm 1892. Đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của Alexandre de Rhodes (còn gọi là người cha Đắc Lộ) in năm 1651 tại Roma, Ý. Chính yếu tố ấy, đã hình thành nên một nét văn hóa rất đặc sắc, riêng biệt, là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm gần đây, điểm du lịch này ngày càng đón được nhiều lượng khách du lịch. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa đặc sắc của cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày”, giá trị nghệ thuật của nhà thờ – một nét văn hóa góp phần tạo nên hồn cốt chưa được phát huy đúng mức. Vì vậy, thời gian đến cần tập trung phát huy giá trị này để phục vụ du lịch. Có thể xây dựng chương trình “về với cội nguồn chữ quốc ngữ đầu tiên” để giới thiệu với khách du lịch, nhất là khách du lịch theo đạo thiên chúa.

4.7. Xây dựng Phú Yên thành phim trường để quảng bá thu hút khách du lịch

Phú Yên là vùng đất có nhiều điểm di tích, danh thắng có tiềm năng, phù hợp để nơi đây có thể trở thành phim trường trong tương lai. Thực tế chứng minh, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ ra rạp năm 2015 với rất nhiều cảnh quay trên địa bàn huyện Tuy An, nổi bật là khu vực Gành Ông – Bãi Xép. Bộ phim đã giúp Phú Yên trở thành điểm đến hấp dẫn đến tận bây giờ với cái tên thơ mộng “Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” và đã tác động tích cực đến nhiều điểm du lịch. Vì vậy, Phú Yên cũng nên định hướng xây dựng sản phẩm du lịch này để phát huy giá trị tiềm năng của khu vực cao nguyên Vân Hòa, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô,… nhằm thu hút khách.

4.8. Sản phẩm về nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam

Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh là di tích thắng cảnh có thể coi là độc đáo của cả nước. Để khai thác hiệu quả và làm nổi bật những nét độc đáo di tích này, chúng ta có thể xây dựng sản phẩm về nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam thông qua một số hoạt động như: Lễ chào cờ đầu năm mới và đón vị khách đầu tiên đến Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh; tổ chức hoạt động đón bình minh cho du khách theo định kỳ mỗi tháng 1 lần; Tổ chức giải Việt dã về nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam thu hút du khách tham gia; Tổ chức tuần lễ du lịch Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh với các hoạt động du lịch thể thao, cắm trại, những trò chơi tập thể kết hợp những hoạt động giới thiệu di tích Tàu không số Vũng Rô, di tích đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tác giả tin rằng trong thời gian tới, di sản văn hóa Phú Yên được bảo tồn và phát huy hiệu quả; du lịch Phú Yên sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, bền vững, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, định hướng phát triển, thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện để du khách được hòa mình vào dòng chảy cảm nhận, hiểu được cái hồn của văn hóa, của lịch sử và của con người Phú Yên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quy hoạch Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030.
  3. Tổng cục Du lịch (2014). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. NXB Dân trí, Hà Nội.
  4. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên (2003). Địa chí Phú Yên. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên (2012). Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
  6. Lê Thế Vịnh – Lê Thọ Quốc (2016). Văn hóa tâm linh Phật giáo Phú Yên với phát triển du lịch.
  7. Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Yên. Truy cập tại: www.phuyen.org.vn.
  8. Du lịch Phú Yên. Truy cập tại: www.phuyentourism.gov.vn.
  9. Thư viện Hải Phú. Truy cập tại: www.thuvienhaiphu.com.vn.

Developing specific tourism products for Phu Yen province based on the provincial strengths and unique cultural heritage and scenic spots

Master. Bui Thanh Toan1 – Cao Hồng Nguyên2

1Propaganda Department of Phu Yen Provincial Party Committee

2Phu Yen Department of Culture, Sports and Tourism

Abstract:

This paper focuses on researching the potentials, strengths, unique inherent and values ​​of the cultural heritage and scenic spots of Phu Yen province. Based on the paper’s findings, some orientations are proposed to help Phu Yen province’s tourism sector develop specific tourism products and enhance its competitiveness to meet the needs of visitors. This paper is expected to support the sustainable tourism development of Phu Yen province.

Keywords: specific tourism products, Phu Yen province’s tourism, cultural heritage, tourism.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2023]