Xây dựng thị trường trang thiết bị y tế công khai, minh bạch

(TBTCO) –

Việc đổi mới quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế là một nội dung rất quan trọng, cần được tiếp cận, nghiên cứu và đề ra các giải pháp phù hợp với mục tiêu xây dựng một thị trường trang thiết bị y tế (TTBYT) Việt Nam theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng, cùng có lợi trong đó lấy người bệnh là trung tâm, được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến.

Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Minh Lợi – Vụ Trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) tại tọa đàm “Phổ biến những chính sách mới trong lĩnh vực quản lý trang thiết bị y tế” chiều 12/5 tại Hà Nội.

Giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu trang thiết bị y tế

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Lợi cho biết, ở Việt Nam, hàng năm có khoảng trên 10 nghìn sản phẩm TTBYT được đăng ký cấp số lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu để phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Cùng với đó, Bộ Y tế đã gia hạn hiệu lực đến 31/12/2024 cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu TTBYT và giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu TTBYT.

Xây dựng thị trường trang thiết bị y tế công khai, minh bạch Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Văn Nam. Bộ Y tế cho biết, để kịp thời hướng dẫn các quy định liên quan đến TTBYT trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 trong tháng 9/2023; tiếp tục rà soát, đánh giá để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những vấn đề chưa phù hợp của Nghị định 98/2021/NĐ-CP và các văn bản liên quan trong thời gian chưa ban hành Luật Thiết bị y tế. Bộ Y tế đẩy nhanh việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao vai trò các cơ quan chuyên môn như các viện, hiệp hội…

Tính đến nay, cả nước đã có khoảng trên 1.000 đơn vị sản xuất TTBYT trong nước, hơn 2.500 đơn vị nhập khẩu với hàng trăm ngàn loại thiết bị khác nhau. Hàng năm, việc mua bán TTBYT chỉ tính riêng trong các cơ sở y tế công lập trên cả nước đã lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Theo ông Lợi, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều nghị định, thông tư và các văn bản về quản lý, hướng dẫn quản lý TTBYT như Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về quản lý TTBYT; Nghị định 98/2021/NĐ-CP quản lý TTBYT và mới đây nhất, để đảm bảo tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngày 3/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.

Như vậy, với việc ban hành các nghị định và các thông tư hướng dẫn về quản lý TTBYT, Chính phủ đã khẳng định vai trò của quản lý nhà nước, trong đó thể chế hóa về các nội dung phân loại TTBYT; sản xuất, nghiên cứu lâm sàng, lưu hành, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp dịch vụ TTBYT; thông tin, quảng cáo TTBYT; quản lý giá TTBYT và quản lý, sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế.

Hoàn thiện thể chế về trang thiết bị y tế

Chia sẻ giải pháp nâng cao quản lý nhà nước liên quan đến TTBYT, ông Lợi cho hay, về phát triển công nghiệp sản xuất TTBYT trong nước cần có chính sách ưu đãi phù hợp cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất TTBYT thuộc danh mục ưu tiên đầu tư; có chính sách thuế phù hợp đối với các TTBYT nhập khẩu nhằm tạo động lực và khuyến khích đối với các sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu, sản xuất TTBYT, nguyên liệu sản xuất; đào tạo chuyên đề và chuyên sâu về sản xuất TTBYT, nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trong chương trình đào tạo nhân lực về thiết bị y tế trình độ đại học, sau đại học.

Xây dựng thị trường trang thiết bị y tế công khai, minh bạch Xây dựng thị trường trang thiết bị y tế công khai, minh bạch. Ảnh: TL.

Về quản lý chất lượng TTBYT, thực hiện việc cấp phép lưu hành đối với thiết bị có nguy cơ cao trong quá trình sử dụng; đánh giá trên lâm sàng đối với TTBYT đối với thiết bị có nguy cơ cao trong quá trình sử dụng; thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị y tế trong quá trình sử dụng; thiết lập hệ thống theo dõi sự cố bất lợi của thiết bị y tế trên thị trường; cùng đó thiết lập hệ thống đánh giá và tăng cường công tác hậu kiểm chất lượng TTBYT trong quá trình lưu hành.

Về quản lý hoạt động mua bán, lưu hành, sử dụng TTBYT, thiết lập hệ thống quản lý theo vòng đời sản phẩm, cơ sở dữ liệu quốc gia về thiết bị y tế và quá trình mua bán, lưu hành, sử dụng TTBYT trên thị trường và tại các cơ sở y tế; hoàn thiện thể chế về tổ chức mua sắm, đấu thầu, quản lý giá, xã hội hoá, đối tác công tư; thuê, đặt thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập.

Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, thiết lập hệ thống và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng hậu kiểm các hoạt động mua bán, lưu hành, sử dụng TTBYT.

Về hoàn thiện thể chế, ông Lợi cho biết, Bộ Y tế đã và đang thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế như kịp thời có các hướng dẫn để tiếp tục thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP. Cụ thể, dự kiến trong tháng 5 này, Bộ Y tế sẽ hoàn thành, ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT; ban hành thông tư về danh mục thiết bị y tế phải kê khai giá và hướng dẫn thông tin kê khai giá, dự kiến ban hành trong quý III/2023.

Khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Bộ Y tế đang xây dựng các văn bản pháp quy để thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT, trong đó khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu và thực hiện đăng tải thông tin chào giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý II/2023.