Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc

Trải qua hàng chục năm hình thành và phát triển, với tinh thần kiên cường, tự chủ, sáng tạo, huyện Tiên Phước không chỉ gầy dựng được hình ảnh một địa phương anh hùng trong đấu tranh, năng động trong phát triển kinh tế xã hội mà còn giữ gìn và phát triển sinh động các sắc thái văn hóa bản địa.

          Vốn văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển qua bao đời trên mảnh đất Tiên Phước đã và đang góp phần không nhỏ tạo nền tảng vững chắc cũng như động lực tinh thần quan trọng giúp cán bộ, nhân dân Tiên Phước có thêm sức mạnh, tinh thần tự tôn, không ngừng phấn đấu học tập, lao động làm nên những thành quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn xã hội thời gian qua.

Văn hóa Tiên Phước nhìn chung có nét tương đồng với một số nơi trong khu vực do chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt nhưng có điểm khác biệt hơn quy định ở chính những giá trị văn hóa do những thế hệ người Tiên Phước làm nên qua các thế hệ. Văn hoá truyền thống nổi bật, dễ thấy ở mỗi người dân Tiên Phước trước hết là ở lối sống chân thật, thủy chung, hiếu học, lao động cần cù, sáng tạo và tinh thần yêu nước nồng nàn. Giá trị văn hóa cao đẹp ấy là cội nguồn làm nên sức mạnh lớn lao giúp quân và dân Tiên Phước dám chiến đấu, hy sinh và giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược cũng như năng động, sáng tạo trong công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.

 


Toàn cảnh Hội thảo khoa học về cụ Huỳnh Thúc Kháng

Toàn cảnh Hội thảo khoa học về cụ Huỳnh Thúc Kháng

 

Chiến thắng với nhiều mất mát, hy sinh tại các trận đánh Vượt Sông Tranh, Vượt Sông Tiên, các trận đánh ở núi Ngang, đồi Nỗng Phú, Dương Hội, Rừng Miếu và đỉnh cao là chiến dịch giải phóng huyện Tiên Phước 10/3/1975 lịch sử đã minh chứng sinh động cho truyền thống văn hóa yêu nước và ý chí cách mạng kiên cường, quật khởi của nhân dân Tiên Phước. Người dân nơi đây luôn tự hào về mảnh đất máu lửa, từng  được mệnh danh là vùng đất thánh của cách mạng, nơi vinh dự cùng với Buôn Mê Thuột nổ súng đầu tiên mở màng cuộc chiến giải phóng vùng duyên hải miền trung tiến đến giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước. Trên vùng đất này hiện nay còn lưu giữ nhiều chứng tích, di tích lịch sử, văn hóa, dân gian, công trình kiến trúc nghệ thuật giá trị, thể hiện đậm nét, chân thực truyền thống, tính cách và phong tục tập quán của người dân Tiên Phước.

Di tích cấp quốc gia Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, hiện lưu giữ nhiều di vật, tư liệu quý về thân thế, sự nghiệp người con ưu tú của quê hương Tiên Phước – nhà chí sĩ yêu nước, tài cao đức trọng, quyền Chủ tích nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Nghĩa trủng Tiên Phú Tây, Chứng tích Cây Cốc, Hầm Heo Đồng Trại, Gò Vàng và nhiều di tích lịch sử phơi bày tội ác man rợ của kẻ thù, đồng thời thể hiện khí phách, sự kiên trung, bất khuất cao độ của đồng bào, chiến sĩ, nhân dân Tiên Phước qua nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ cách mạng.

Chủ tịch nước trao Huân chương sao vàng cho gia tộc cụ Huỳnh

 Đặc biệt, mặc dù bị chiến tranh tàn phá và chịu nhiều tác động từ quá trình phát triển, đô thị hóa nhưng ở Tiên Phước hiện nay vẫn còn sở hữu những không gian văn hóa làng quê thuần Việt. Làng Lộc Yên – Tiên Cảnh, làng Hội Lâm – Tiên Châu, Tiên Phước là những điển hình về  đặc trưng  của Làng quê Việt từ không gian, địa thế nhà vườn đến kiến trúc nhà ở,  nghệ thuật chạm khắc và cách sống, sinh hoạt của người dân bản địa. Đó là không gian vườn nhà hài hòa với ngõ đá dài, sắp đặt công phu, tỉ mỉ; giếng nước trong, mát lành; vườn cây phong phú chủng loại, nhiều tầng lớp và những ngôi nhà cổ niên đại trên một trăm năm với lối kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ mộc Văn Hà độc đáo.

 

Cùng với các giá trị văn hóa vật chất, Tiên Phước còn giàu về những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, nghề thủ công truyền thống không lẫn trộn với các vùng miền khác. Trong đó, hệ thống tục ngữ, ca dao, câu đố, hò vè, thơ ca phát triển mạnh về số lượng với nội dung thâm thúy là những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Tiên Phước từ bao đời nay. Nhắc tới Tiên Phước không thể không nhắc tới các tục cúng Cầu Bông, cúng Đuổi Chuột, lễ hội Rước sắc, tế tiền hiền, hậu hiền, lễ hội Vây Cọp và tục ngữ, thơ ca, hò vè vừa phản ánh chân thực, sinh động đặc trưng tính cách gan lì, thông minh, tinh tế, thấu tình đạt lý cũng như phong tục, tập quán sinh hoạt, lao động, sản xuất phong phú của người dân Tiên Phước. Văn hóa ẩm thực của người Tiên Phước với những món ăn dân dã, khoái khẩu như Khoai sắn luộc muối đậu, nem lá liễu, canh ốc đá, mì gà, mít trộn, bánh gừng…cũng là đặc điểm đặc biệt níu chân du khách khi đến với mảnh đất trung du này. 

 

 

Bên cạnh vị trí địa chiến lược và đặc trưng vùng miền văn hóa tiêu biểu, vùng đất Tiên Phước còn tự hào vang danh là đất nhân kiệt, với văn hóa hiếu học, học giỏi.  Nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng nhiều danh nhân, bậc đại khoa lớn của dân tộc như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Lê Vĩnh Khanh, Lê Vĩnh Huy, Nguyễn Đình Tựu,… Nét văn hóa đặc trưng này đã và đang tạo nên một người Tiên Phước tự tôn, nhạy bén và đặc biệt cầu tiến, năng động trong phát triển kinh tế xã hội ngày nay.

 

           Nhận thức được tiềm năng, giá trị văn hóa to lớn của địa phương và vai trò, sức mạnh nội sinh quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt sau khi Nghị quyết tại Hội nghị lần thứ 5 của BCH Trung ương Đảng Khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ra đời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Phước đã có những nỗ lực tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch hướng dẫn, phát động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII trên tinh thần giữ gìn, phát huy, khai thác tốt bản sắc văn hóa địa phương, nhất là di tích văn hóa, lịch sử giá trị và đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đặc sắc của nhân dân Tiên Phước.

       Trong quá trình triển khai, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về chủ trương  xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ làm công tác văn hóa từ huyện đến cơ sở được quán triệt, tổ chức tập huấn cụ thể, sâu sát. Nhiều chỉ tiêu, biện pháp trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 của Tỉnh ủy Quảng Nam, của huyện được thông tin rộng rãi trên các diễn đàn, qua các phong trào và trên phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, nhân dân biết, đồng thuận, tự giác tham gia thực hiện sáng tạo, tích cực.

       Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không còn mang tính hình thức mà đã thực sự đi vào đời sống của người dân. Thông qua nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động; chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến và tập trung chỉ đạo trên từng nội dung xây dựng văn hóa một cách cụ thể, quyết liệt đã góp phần tạo nên những chuyển biến mới đối với phong trào. Nhân dân Tiên Phước hiện nay đã ý thức sâu sắc, rõ ràng hơn về tác động trực tiếp của phong trào đến đời sống gia đình và xã hội, nhất là vấn đề đoàn kết phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến học khuyến tài,sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường xanh, an toàn, lành mạnh không tệ nạn xã hội nên đã tham gia, vào cuộc một cách tự giác, tích cực. Số lượng, chất lượng gia đình, tộc họ, thôn, khối phố, cơ quan đạt danh hiệu văn hóa tăng  rõ rệt  qua các năm. Có đến 25 thôn duy trì danh hiệu văn hóa năm thứ 3 trở lên và nhiều thôn duy trì danh hiệu văn hóa 12 năm liên tục như thôn Phái Đông – Tiên Kỳ, thôn 5 Tiên Thọ.

       Công tác xây dựng thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư một cách đúng mức. Với phương châm có thiết chế sẽ có hoạt động, có phong trào nên mặc dù ngân sách hạn chế, huyện vẫn quyết tâm huy động, lồng ghép, vận dụng linh hoạt từ nhiều nguồn và đầu tư hợp lý, sát thực tế các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Đến nay, đã có 8/15 nhà văn hóa xã được xây dựng, 75% thôn, khối phố của huyện có nhà văn hóa thôn được trang bị cơ bản, trong đó có trên 65% đủ diện tích, một số thiết chế thể thao cấp huyện khác như sân bóng chuyền, cầu lông đã được xây dựng, đặc biệt Sân vận động huyện hoàn thành vào năm 2015 sẽ  đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của địa phương trong giai đoạn mới. Thư viện huyện từng bước được nâng cấp, trạng bị, bổ sung sách, báo, tạp chí phục vụ tốt hơn nhu cầu bạn đọc.

        Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ngày càng phong phú về hình thức và nâng dần về chất lượng, trở thành phương tiện tuyên truyền, chuyển tải thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân một cách sống động, dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất. Liên hoan, Hội thi, Hội diễn đã hướng mạnh về cơ sở, chú trọng văn hóa, văn nghệ dân gian và phục vụ, thu hút sự tham gia tích cực từ quần chúng nhân dân. Một số loại hình văn nghệ dân gian như  Dân ca bài chòi, hò vè, thơ đã được hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ. Các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa văn nghệ có năng khiếu ở cơ sở sớm được phát hiện, tạo điều kiện nuôi dưỡng đã  góp phần gầy dựng, phát triển mạnh phong trào văn hóa văn nghệ ở các địa phương. Đặc biệt, đã có hơn 30 ca khúc sáng tác về Tiên Phước, có tác dụng tích cực trong việc khơi dậy, khích lệ, cổ vũ tinh thần yêu mến, tự hào quê hương, qua đó cổ vũ tinh thần học tập, lao động của mỗi cán bộ, người dân Tiên Phước trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

       Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và tác động, ảnh hưởng lớn từ những gia đình, tộc họ, thôn, khối phố, cơ quan văn hóa thật sự tiên tiến đã tạo ra phong trào thi đua trên các mặt, góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần đẩy mạnh sự phát triển chung của huyện trong thời gian qua.

          Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương được xem là vấn đề căn cốt trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của BCH Trung ương Đảng và định hướng phát triển kinh tế xã hội bền vững của huyện Tiên Phước. Hiện nay, huyện Tiên Phước đã hoàn thành nghiên cứu, biên soạn, xuất bản những ấn phẩm quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá về văn hóa địa phương như sách Văn nghệ dân gian Tiên Phước,  Đề tài “ Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên, Tiên Cảnh”, tổ chức thành công các Hội thảo và đã xuất bản các kỷ yếu “Chiến dịch giải phóng Tiên Phước 10/3”, “Chiến dịch Vượt Sông Tiên giải phóng Sơn Cẩm Hà”, “Thân thế và Sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng” và đang tiến hành biên soạn Địa chí Tiên Phước, dự kiến hoàn thành vào năm 2016, chào mừng sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện.

      HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng trên địa bàn. Vì vậy, đã tăng cường sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tự giác của nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử bản địa. Các di tích văn hóa, lịch sử đã được khảo sát, hệ thống, đánh giá đúng thực trạng, giá trị, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích xứng tầm và từng bước đầu tư trùng tu, tôn tạo hợp lý.

     Thời gian qua, đã có 15 di tích được xếp hạng, trong có 02 di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp Tỉnh; nhiều di tích văn hóa, lịch sử quan trọng đã được tập trung đầu tư trùng tu như di tích cấp quốc gia Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, khu chứng tích Vụ thảm sát tại Gò Vàng – Tiên Sơn, Đồng Trại – Tiên Cẩm, di tích Nghĩa Trủng Tiên Phú Tây, Nhà cổ cụ Nguyễn Huỳnh Anh, chống xuống cấp tại Đình Làng Hội An Tiên Châu và triển khai nhiều hạng mục phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn không gian văn hóa tại Làng cổ Lộc Yên – Tiên Cảnh. Toàn huyện đã triển khai 7 đợt sưu tầm và thu được hơn 400 hiện vật, tư liệu lịch sử cách mạng, văn hóa dân gian giá trị ở cơ sở. Tranh ảnh, hiện vật, tư liệu được tổ chức trưng bày, triển lãm tại phòng truyền thống của huyện và các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương đã tạo hiệu ứng giáo dục cao  trong những năm qua.

          Công tác thông tin, truyền thanh truyền hình chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Chất lượng, số lượng các chương trình phát thanh, truyền hình và các hình thức thông tin tuyên truyền khác được nâng lên. Sóng phát thanh địa phương phủ sóng 13/15 xã, thị trấn, Đài huyện đã xây dựng được 12 chương trình thời sự, chuyên mục và 02 chương trình truyền hình địa phương trên một tuần; 9/15 xã có trạm truyền thanh FM và 100% thôn có cụm loa truyền thanh không dây. Sự phát triển của hệ thống truyền thanh địa phương thời gian qua đã góp phần không nhỏ đưa thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương kịp thời đến với nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn. Đặc biệt, Tiên Phước có chuyên trang trên Báo Quảng Nam và chuyên mục riêng trên Đài PT- TH tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tuyên truyền về thành tựu, định hướng phát triển cũng như đất và người Tiên Phước đến với nhân dân toàn tỉnh.

          Những nỗ lực, thành tựu từ việc xem trọng công tác xây dựng, giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa, quản lý phát triển văn hóa địa phương một cách đúng mức của cán bộ, nhân dân Tiên Phước trong thời gian qua đã góp phần làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc trong tỉnh Quảng Nam nói chung, đồng thời góp phần tích cực, quan trọng vào việc ổn định, phát triển kinh tế xã hội địa phương cũng như khẳng định, quảng bá một địa phương Tiên Phước giàu bản sắc đến với các vùng miền khác trong và ngoài tỉnh.

       Những giá trị văn hóa truyền thống mang lại trong cuộc sống hiện đại ngày nay đối với mỗi quốc gia, địa phương là hết sức to lớn không thể phủ nhận. Vì vậy, định hướng phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện Tiên Phước vẫn luôn xác định phát triển kinh tế xã hội song song với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa, bất kỳ nhiệm vụ nào cũng phải quan tâm đến văn hóa và văn hóa phải thâm nhập sâu vào các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của huyện.

       Nhiệm vụ tiên quyết, quan trọng là tiếp tục nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, con người của mỗi cán bộ, nhân dân địa phương theo tinh thần CTHĐ số 34 của Huyện uỷ Tiên Phước thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9/6/2014 của BCH TƯ Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước . Xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động chuyên đề cụ thể về giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc của từng loại hình văn hóa cụ thể của địa phương gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn và gắn với các phong trào xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên, tăng cường đầu tư cho văn  hóa, nhất là các chương trình mục tiêu quan trọng và cơ sở vật chất cơ bản, thiết yếu.

        Tập trung quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, loại hình văn hóa văn nghệ phi vật thể; khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa, phát triển kinh tế, du lịch đi đôi với khai thác, sử dụng hài hòa, hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống. Xem trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, tập hợp, tạo điều kiện để các nghệ nhân, tài năng văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền nghề, xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng một số mô hình điểm thật sự điển hình, gương mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới để nhân rộng trên địa bàn.

          Kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Tiên Phước, nhìn lại những thành tựu kinh tế, văn hóa, những giá trị nội sinh văn hóa quan trọng làm nên huyện Tiên Phước đổi mới hôm nay để mỗi cán bộ, người dân Tiên Phước thêm yêu quí, tự hào về mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng; qua đó tiếp thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực tiếp tục phấn đấu học tập tốt, lao động tốt, góp phần xây dựng quê hương Tiên Phước ngày một giàu đẹp. Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền địa phương; sự hưởng ứng, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và nhất là từ nền tảng văn hóa tinh thần phong phú, huyện Tiên Phước sẽ có những bước tiến xa, vững chắc hơn trong tương lai.

                          Phùng Văn Huy – Phó CT UBND huyện Tiên Phước