Xây dựng văn hóa, con người là nền tảng – nhân tố phát huy nội lực
(LĐ online) – Hiện nay, nói đến “sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh, thực chất là nói về sức mạnh của văn hóa, của yếu tố con người thông qua tư tưởng, đạo đức, ý chí, năng lực,… Đối với Việt Nam, sức mạnh ấy được hun đúc, bảo tồn, phát huy qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã trở thành vốn quý của dân tộc cần được phát huy.
(LĐ online) – Hiện nay, nói đến “Sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh, thực chất là nói về sức mạnh của văn hóa, của yếu tố con người thông qua tư tưởng, đạo đức, ý chí, năng lực, …Đối với Việt Nam, sức mạnh ấy được hun đúc, bảo tồn, phát huy qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã trở thành vốn quý của dân tộc cần được phát huy.
Thực tế lịch sử dân tộc ta chứng minh, chính từ nền văn hoá Việt Nam, từ con người Việt Nam với những đặc trưng cao quý đã tạo nên nguồn sức mạnh nội sinh chiến thắng quân xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vì vậy hơn bao giờ hết, khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, vấn đề xây dựng văn hoá, con người nhằm phát huy “sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh của dân tộc lại càng trở nên quan trọng và bức thiết.
Tuy nhiên, văn hoá, con người chỉ thực sự trở thành “sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh khi các yếu tố văn hoá, con người chứa đựng những giá trị đặc trưng tiêu biểu, nổi trội. Nhận thức đúng điều đó, nên từ trước đến nay Đảng ta luôn coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhằm hướng đến một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng, phát triển và hoàn thiện con người Việt Nam theo các chuẩn mực: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo…Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược trọng tâm, lâu dài.
Văn hóa, con người Việt Nam – những điểm mạnh, điểm yếu và phương hướng xây dựng, phát triển – đã được xác định trong các văn kiện của Đảng; là yêu cầu cấp thiết trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo quan điểm, tư tưởng của Đảng hiện nay đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; đó là:
(1)
Sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những cán bộ giữ vị trí lãnh đạo đang tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống của xã hội, nhất là tuổi trẻ; tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những nguy cơ mà Đảng ta đã đề cập, cảnh báo.
(2)
Nhiều nội dung trong hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa cũ không còn phù hợp, trong khi đó hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa mới chưa hình thành một cách đầy đủ. Do đó dẫn đến sự “đứt gãy” hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa giữa các thế hệ.
(3)
Sự trỗi dậy của những thói quen xấu như: Chủ nghĩa cơ hội, bè phái; hám danh; thiếu ý thức tuân thủ pháp luật; khả năng làm việc tập thể chưa cao…Hơn nữa, những năm qua, việc tạo dựng môi trường văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; “tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”, “Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận và xây dựng con người”…khiến cho việc giáo dục, hình thành những giá trị nhân cách tốt đẹp trong con người chưa hiệu quả.
Để tạo dựng hình ảnh Việt Nam có tình hình chính trị ổn định; con người thân thiện, lịch sự, mến khách; có bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời…, việc quan tâm chăm lo xây dựng văn hóa, con người – những chủ nhân của đất nước đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của chiến lược xây dựng, phát triển con người. Coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu đề ra, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng một số vấn đề sau đây:
Một là, chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, hướng tới chân – thiện – mỹ; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; có hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa dân tộc. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Hình thành, đề cao lối sống “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”; có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; biết kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; biết khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, phê phán cái xấu, cái bất công… Trên cơ sở đó, đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Hai là, đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Đồng thời, phải quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống…
Ba là, thay đổi một cách căn bản, có hệ thống từ khâu giáo dục trong gia đình, nhà trường, đến việc đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, quản lý xã hội…nhằm khắc phục triệt để những bất cập hiện nay. Bồi dưỡng, giáo dục những giá trị nhân văn cho con người, thông qua việc tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học – nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội…
Bốn là, nâng cao thể lực, sức khỏe, tuổi thọ cho con người, gắn với việc giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam mà con người là cốt lõi, là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công CNXH ở nước ta. Bởi như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn “muốn xây dựng CNXH thì trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa”. Vì thế, việc xây dựng, hình thành nên những người Việt Nam có phẩm chất, năng lực, “vừa hồng vừa chuyên” là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, vấn đề cốt yếu tạo thế và lực vững chắc để Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Có như vậy, văn hoá mới thực sự phát huy vai trò nền tảng của nội lực, con người mới thực sự là nhân tố quyết định của nội lực.
KHÁNH LINH