Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng để phát triển bền vững
(HNM) – Thành công của các doanh nghiệp (DN) hàng đầu ở Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy, văn hóa là tài sản lớn, là sức mạnh, là bộ “gen” quý của DN. Việc xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân Việt Nam làm nền tảng để hướng tới sự phát triển bền vững của DN trong bối cảnh hội nhập toàn cầu càng đóng vai trò quan trọng.
Bộ “gen” của doanh nghiệp
Tại hội thảo “Xây dựng văn hóa DN, doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ VH-TT&DL vừa tổ chức, đại diện các DN cho rằng, DN khó có thể phát triển bền vững nếu thiếu yếu tố nền tảng và cốt lõi là văn hóa.
Văn hóa công sở tạo nên sức mạnh của thương hiệu Viettel. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên Viettel trong giờ làm việc. Ảnh: Thanh Hải
Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho hay, văn hóa Vingroup là hệ thống các giá trị, niềm tin, các nguyên tắc mà 40.000 cán bộ, nhân viên của tập đoàn cùng tin tưởng, suy nghĩ và hành động. Trong đó, 6 chữ vàng “Tín – tâm – trí – tốc – tinh – nhân” là bộ “gen”, là tài sản lớn nhất của Vingroup. Nói cách khác, những giá trị cốt lõi của người Việt Nam là tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc được Vingroup thể hiện ở mục tiêu kinh doanh “vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt”.
Cùng với những yếu tố sẵn có, Vingroup đặc biệt đề cao tinh thần khởi nghiệp, ý thức thượng tôn kỷ luật trong mỗi con người. Tinh thần khởi nghiệp được Vingroup thực hiện với tinh thần làm việc như khi mới bắt đầu để có thể đạt được những mục tiêu xa hơn, bền vững hơn. Ý thức thượng tôn kỷ luật tại Vingroup chưa bao giờ thay đổi và được áp dụng cho tất cả mọi người, không ngoại trừ lãnh đạo cấp cao. “Áp dụng những quan điểm này trong kinh doanh, chúng tôi không chỉ thu hút được nhân sự giỏi, có tập thể đoàn kết, bộ máy quản lý gọn nhẹ, mà còn phát huy được tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, nhân viên”, bà Lê Mai Lan khẳng định.
Tương tự, bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc quan hệ công chúng (Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel) cho biết, văn hóa DN là sức mạnh của thương hiệu Viettel khi đầu tư ra nước ngoài. Viettel mang những yếu tố văn hóa Việt Nam đi chinh phục thị trường viễn thông quốc tế. Theo bà Nguyễn Hà Thành, khi ra nước ngoài, văn hóa DN là đại diện cho văn hóa quốc gia, dân tộc, chứ không phải là văn hóa DN đơn lẻ.
Vì thế, đại diện của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel luôn làm việc, ứng xử với các đối tác theo tinh thần tương thân, tương ái, trọng nghĩa, trọng tình, không “đầu hàng” trước những khó khăn, thử thách. Bằng cách này, Viettel nhanh chóng chiếm được phần lớn thị trường viễn thông Peru, Burundi… sau thời gian ngắn đầu tư; trở thành đối tác đầu tư của Chính phủ Haiti – điều chưa từng xảy ra ở đất nước này.
Ngoài Vingroup, Viettel, việc xây dựng văn hóa DN cũng là yếu tố quyết định sự thành công của nhiều DN lớn mạnh khác.
Xây dựng thế nào?
Những ví dụ trên phần nào cho thấy sự cần thiết phải xây dựng văn hóa DN, nhưng xây dựng văn hóa DN như thế nào, bằng cách nào, đó không phải là điều dễ dàng.
Từ kinh nghiệm thực tế, bà Lê Mai Lan khẳng định, văn hóa DN phải được xây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập DN. Quá trình xây dựng văn hóa DN rất vất vả, đòi hỏi mỗi thành viên phải liên tục tự học tập, tự hoàn thiện về mọi mặt. Văn hóa DN chỉ có thể “sống” khi DN đưa yếu tố văn hóa vào mọi hoạt động, chứ không phải để đánh bóng tên tuổi.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Lộc, Trưởng ban Văn hóa và Đoàn thể (Công ty cổ phần FPT) nhấn mạnh, con người là sức mạnh cốt lõi của DN, là chủ thể xây dựng văn hóa DN, đồng thời là đối tượng thực thi nên việc xây dựng văn hóa DN cần bắt đầu từ yếu tố con người. Đối với FPT, mọi hoạt động đều được tổ chức dưới dạng lễ hội hoặc sự kiện văn hóa, điển hình là “Hội làng FPT” – diễn ra trước Tết Nguyên đán hằng năm.
Thực chất, “Hội làng FPT” là hội nghị tổng kết năm cũ, triển khai kế hoạch năm mới, tôn vinh các tập thể, cá nhân xuất sắc. Nhưng, thay vì hội họp nhàm chán, FPT đưa hoạt động này trở thành sự kiện văn hóa sôi động, gắn liền với thương hiệu FPT từ khi thành lập đến nay.
Mở đầu lễ hội, lãnh đạo công ty làm lễ tế trời đất và cầu chúc cho mọi sự tốt lành trong năm mới. Tiếp đến là lễ rước Trạng FPT (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám Hoa) – 3 người đỗ đầu trong kỳ thi Trạng FPT… “Cách làm này mang lại nhiều lợi ích, vừa tạo ra sân chơi lý thú, vừa khuyến khích khả năng sáng tạo của nhân viên. Quan trọng hơn, các hoạt động văn hóa đã, đang và tiếp tục góp phần xây dựng tập thể FPT đoàn kết, vững mạnh”, ông Lê Đình Lộc chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương đánh giá: Lãnh đạo luôn là những người mà nhân viên sẽ nhìn vào. Việc lãnh đạo có tuân theo và làm đúng những gì họ đã cam kết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc nhân viên có tin vào lãnh đạo, tin vào văn hóa DN hay không. Vì thế, trước khi xây dựng văn hóa DN, người chủ DN nên bắt tay xây dựng văn hóa quản lý, văn hóa doanh nhân.
Dưới góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, rất cần được các cơ quan chức năng quan tâm. Thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ khung tiêu chí về văn hóa DN làm nền tảng cho các DN xây dựng tiêu chí văn hóa trong hoạt động kinh doanh, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.