Xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

76 năm qua, Tổng công ty May 10 đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, nhưng văn hoá của doanh nghiệp vẫn được xây dựng, vun đắp và tạo nên truyền thống, bản sắc riêng. Đội ngũ lãnh đạo cùng 12 nghìn người lao động luôn nỗ lực sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước, đồng thời đóng góp từ thiện, hỗ trợ phát triển cộng đồng, cũng như có chính sách ưu tiên sử dụng nhân sự, nguyên liệu, sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam. Văn hóa ứng xử, ý thức tiết kiệm luôn hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi, từ xưởng sản xuất cho tới văn phòng. Thí dụ như khi kết thúc buổi họp, những người tham dự tự xếp ghế lại ngay ngắn, chuyển cốc chén uống nước về phía đầu bàn, người rời phòng sau cùng tắt điện, tắt điều hòa… Từ thời bao cấp đến nay, May 10 vẫn duy trì mô hình “nhà trẻ trong xí nghiệp” để người lao động yên tâm gửi con, gắn bó với công việc.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thanh Long chia sẻ, văn hóa doanh nghiệp là chìa khoá để đơn vị có thể trụ vững qua nhiều khó khăn để phát triển. Văn hoá xuất phát từ truyền thống, sau đó, các thế hệ người lao động cùng trân trọng, phát huy những điểm mạnh, cùng nhau vượt qua thách thức rồi xác lập nên bản sắc riêng, nét văn hóa trong ứng xử và lao động của đơn vị mình. Nhìn chung, tính tự giác, lao động có trách nhiệm và tinh thần đoàn kết là những yếu tố quan trọng nhất để tạo dựng, nhân lên sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp…

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy, một doanh nghiệp xây dựng được văn hóa của riêng mình, các lãnh đạo và nhân viên đều có nhận thức, cách hành xử tương đồng và cùng hướng tới giá trị chung của tập thể. Ở MISA, doanh nghiệp luôn hướng toàn bộ cán bộ, nhân viên làm việc và sẵn sàng cống hiến một cách tự nguyện, cùng nhau tạo dựng niềm tin và gặt hái thành tựu. Doanh nghiệp như ngôi nhà thứ hai, nơi mọi người có thể chia sẻ và thông cảm với nhau bằng cả trách nhiệm và tình người.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thực tế quá trình hoạt động cho thấy, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh có vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức trong một thế giới thay đổi nhanh và khó dự đoán, là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, doanh nhân, với vai trò là người thủ lĩnh của doanh nghiệp, chính là chủ thể mang tính hạt nhân quyết định, thúc đẩy quá trình này. Tuy nhiên, hiện cũng có rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp chưa hiểu thấu đáo về văn hóa doanh nghiệp, không có lộ trình, kế hoạch bài bản để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, e ngại kinh phí hạn chế thì không xây dựng được văn hóa. Nhiều doanh nghiệp còn nặng tính hình thức, gây lãng phí.

Vậy làm thế nào để xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp? Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, văn hóa trong doanh nghiệp đầu tiên là việc làm ra sản phẩm tốt, có thị trường để tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ để kết nối giữa sản phẩm và khách hàng một cách bền vững. Từ đó, doanh nghiệp xây dựng mô hình quản trị, văn hóa nền tảng cho sản phẩm… Để xây dựng văn hóa, các doanh nhân, người lao động cần tuân thủ các giá trị đạo đức trong sản xuất, kinh doanh lành mạnh. “Để khuyến khích, động viên các doanh nghiệp chú trọng tới văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3508/QĐ-UBND về công nhận danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn. 78 doanh nghiệp tiêu biểu nhất đã được tôn vinh, khen thưởng. Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng chuỗi kinh tế khép kín, tuần hoàn, cùng với đó là việc xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.