Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và một số giải pháp góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và một số giải pháp góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững

Thứ hai – 15/03/2021 15:50

  •  
  •  
  •  

Mỗi doanh nghiệp đều có văn hoá của riêng mình nhưng để văn hóa doanh nghiệp đóng góp lớn vào hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh lại không phải điều đơn giản. Văn hóa doanh nghiệp có các giá trị cốt lõi không tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ XXI. 
 

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và một số giải pháp góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững

Cụm từ “văn hoá doanh nghiệp” đã được đưa ra luận bàn từ lâu trên thế giới, song cho đến nay vẫn còn khá nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng, văn hoá doanh nghiệp là văn hoá của một tổ chức, vì vậy nó không đơn thuần là
văn hoá giao tiếp hay văn hoá kinh doanh.Tại Việt Nam, cụm từ “văn hóa doanh nghiệp” được nhiều người để ý và biết đến nhiều hơn kể từ ngày 26/9/2016, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày10/11 hằng năm là “Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, để khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; Tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội; Tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; Góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Văn hóa doanh nghiệp là các hành vi ứng xử với khách hàng, cộng đồng, cách giao tiếp với đối tác, với xã hội. Văn hóa doanh nghiệp có các giá trị cốt lõi không tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ XXI. Văn hóa doanh nghiệp là việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào hoạt động kinh doanh, là cái mà các chủ thể kinh doanh áp dụng hoặc tạo ra trong quá trình hình thành nên những nền tảng có tính ổn định và đặc thù trong hoạt động kinh doanh của họ. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự chuyển đổi cơ chế kinh doanh, doanh nghiệp muốn đứng vững trong cạnh tranh thị trường gay gắt nhất thiết phải tiến hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Để tạo được đặc trưng riêng của văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trước hết doanh nghiệp cần chú trọng tới việc tôn trọng con người với tư cách là chủ thể hành vi, coi trọng tính tích cực và tính năng động của con người trong kinh doanh, công việc nâng cao tố chất của con người; Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần coi trọng chiến lược phát triển và mục tiêu cơ bản của doanh nghiệp để bồi dưỡng ý thức văn hóa doanh nghiệp cho toàn thể công nhân viên chức; Coi trọng việc quản lý môi trường vật chất và tinh thần của DN, tạo ra không gian văn hóa tốt đẹp, bồi dưỡng ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết nhằm cống hiến sức lực, trí tuệ cho doanh nghiệp và cần coi trọng vai trò tham gia quản lý của công nhân viên chức, khích lệ tinh thần trách nhiệm của tất cả các thành viên doanh nghiệp.
Do vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì trách nhiệm của từng cá nhân và lãnh đạo doanh nghiệp là phải chủ động tìm hiểu các quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh; Đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hướng tới thị trường. Việc các doanh nghiệp phải trở thành các doanh nghiệp tự chủ để phù hợp với kinh tế thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng hình thành quan niệm thị trường linh động, sát với thực tiễn. Tất cả đều phải hướng tới sức cạnh tranh, giành thị phần cho doanh nghiệp của mình. Cần phải coi nhu cầu của thị trường là điểm sản sinh và điểm xuất phát của văn hóa doanh nghiệp.
Thứ hai, xây dựng quan niệm khách hàng là trên hết. Theo đó, doanh nghiệp phải “thấu hiểu” nhu cầu nguyện vọng của khách hàng để khai thác sản phẩm mới và cung cấp dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hệ thống tư vấn cho người tiêu dùng, cố gắng ở mức cao nhất để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng phục vụ để tăng cường sức mua của khách hàng; Tiến hành khai thác văn hóa đối với môi trường sinh tồn của doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thân thiện với khách hàng.
Thứ ba, các hiệp hội ngành nghề hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường nhận thức về văn hóa doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các hội thảo, các chương trình đào tạo, tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở một số nước và tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên ngành cho tất cả mọi thành viên trong doanh nghiệp.
Thứ tư, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững; Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cả trong nước và nước ngoài…
    Thứ năm, xây dựng chiến lược đầu tư cho con người để phát huy tài năng và sức sáng tạo lao động của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
    Thứ sáu, tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn hóa và tìm hiểu pháp luật giữa các thành viên của các doanh nghiệp.
 

Nguồn tin: Tô Đình Sử, trích từ Bản tin KKT số Xuân 2021: