Xây dựng văn hóa đọc cho học sinh tiểu học – Báo Cao Bằng điện tử
Không ngừng sáng tạo, tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn lực để bổ sung trang thiết bị, nâng cấp hệ thống thư viện, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang thúc đẩy phong trào đọc sách trong trường học, góp phần rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng sống.
Thư viện Trường Tiểu học Hợp Giang (Thành phố) thu hút đông đảo học sinh đọc sách, truyện trong giờ ra chơi.
Đến thăm thư viện Trường Tiểu học Hợp Giang (Thành phố) vào giờ ra chơi, rất đông học sinh đến đọc sách tại đây. Mỗi em tự chọn cho mình một cuốn sách yêu thích và ngồi đọc ngay tại thư viện. Xung quanh vị trí các em ngồi là một không gian gần gũi, ấn tượng, từ giá sách đến các bức tường đều được trang trí đẹp mắt, thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học. Các loại sách, báo được sắp xếp gọn gàng, khoa học với nhiều thể loại sách khác nhau, như: truyện tranh, lịch sử, khám phá thế giới…
Em Nguyễn Đức Cường, lớp 4A, Trường Tiểu học Hợp Giang vui vẻ nói: Mỗi ngày đến trường, em thường dành một chút thời gian để đến phòng thư viện đọc sách, nơi đây có nhiều cuốn sách hay, bổ ích. Hy vọng sắp tới nhà trường sẽ có thêm nhiều cuốn sách mới, phù hợp để chúng em nắm bắt thêm nhiều điều hay trong cuộc sống thông qua việc đọc sách…
Hiện, thư viện Trường Tiểu học Hợp Giang có trên 10.000 đầu sách, truyện và các tài liệu nâng cao phục vụ công tác dạy học, được bố trí, sắp xếp khoa học theo từng chủ đề, chủ điểm. Đều đặn từng tháng và tùy theo chủ đề, chủ điểm, nhân viên thư viện của nhà trường thường lựa chọn những cuốn sách hay, phù hợp để giới thiệu cho học sinh. Cách giới thiệu này tạo sự mới mẻ, giúp học sinh hứng thú tìm hiểu và mượn sách để đọc. Thư viện của trường được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện nhằm khuyến khích học sinh đến với thư viện, tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách dễ dàng, thuận tiện hơn. Sách trưng bày trên kệ được phân loại theo trình độ đọc và dán mã màu giúp học sinh tìm được sách phù hợp với sở thích và khả năng đọc của mình. Kệ sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học, sơn theo từng mã màu tương ứng. Các đồ vật khác như thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp tạo môi trường đọc thân thiện, an toàn, hấp dẫn học sinh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Giang Ngô Tố Uyên cho biết: Hiện nay, nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động của thư viện cho cả năm học và từng tuần cụ thể. Thời gian hoạt động của thư viện chủ yếu tập trung vào buổi chiều, các tiết hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa hoặc sau buổi học, những giờ ra chơi… Nhìn chung, thư viện cơ bản đáp ứng cho học sinh có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, khoa học, hiệu quả.
Nằm ở vùng biên giới với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn khó khăn, tuy nhiên, nhờ huy động được nhiều nguồn lực, Trường Tiểu học và THCS thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc) đã xây dựng được thư viện khá khang trang, đáp ứng nhu cầu đọc sách của học sinh. Với quyết tâm nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, hằng năm, Trường Tiểu học và THCS Thượng Thôn (Hà Quảng) tích cực vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ sách cho thư viện. Nhờ vậy, nhà trường có hơn 6.000 đầu sách đa dạng về các lĩnh vực khoa học, văn hóa, danh nhân, lịch sử… Từ đầu năm 2022 – 2023 đến nay, thư viện thu hút gần 1.000 lượt học sinh đến đọc sách.
Theo cô Đinh Thị Hằng, nhân viên thư viện Trường Tiểu học và THCS thị trấn Bảo Lạc, những năm gần đây, nhà trường tập trung đầu tư mạnh vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị thêm những đầu sách mới để giúp học sinh có thể tìm hiểu được sâu rộng hơn về kiến thức, góp phần tích cực vào quá trình học tập của các em tại trường. Hy vọng rằng, các đơn vị cấp trên và nhà tài trợ sẽ quan tâm hơn nữa đến hoạt động của thư viện nhằm giúp học sinh có thêm nhiều cuốn sách hay, bổ ích, phù hợp với từng lứa tuổi để mở mang, nâng cao kiến thức hiểu biết để phục vụ sự phát triển về mọi mặt…
Hiện nay, toàn tỉnh có 127 trường tiểu học, 417 điểm trường lẻ. Tại các điểm trường chính, trên 90% trường có thư viện và 17 trường tiểu học đưa vào sử dụng mô hình “thư viện thân thiện”. Phát huy hiệu quả việc đọc sách trong trường học, thời gian qua, các trường không ngừng đổi mới về cách thức tổ chức, hoạt động của thư viện, như: tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách thông qua việc giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, thi vẽ tranh, sân khấu hóa nội dung về sách, về giáo viên và nhật ký ghi lại các hoạt động được trải nghiệm… Qua đó, các trường học nâng cao kiến thức, đặc biệt là trong giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh.