Xây dựng văn hóa giao thông trong học đường

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Đầu năm học, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; hướng dẫn HS chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển phương tiện giao thông để bảo đảm trật tự, ATGT. Trường THPT Tân Trụ (huyện Tân Trụ) phối hợp Công an huyện tuyên truyền về ATGT cho HS trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Theo đó, nội dung tuyên truyền là những quy định bắt buộc khi tham gia giao thông đường bộ, các biển báo giao thông, một số tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông, cách phòng tránh tai nạn giao thông (TNGT), những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, văn hóa khi tham gia giao thông, đặc biệt là những hậu quả của TNGT,… Nhờ vậy, HS được nhắc nhở, bổ sung kiến thức về ATGT, từ đó nâng cao ý thức và biết tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông.

Học sinh Trường THPT Tân Trụ xem nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông tại bảng thông báo của trường

Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trụ – Nguyễn Quang Phúc cho biết: “Ngoài mời công an tham gia tuyên truyền, trường còn thường xuyên tuyên truyền về ATGT cho HS thông qua tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ và lồng ghép trong các môn học. Trong tháng 9, trường dán những nội dung về ATGT tại bảng thông báo của trường để HS được nhắc nhở và tuân thủ các quy định về ATGT. Đồng thời, trường phối hợp công an địa phương kiểm tra việc sử dụng phương tiện xe máy của HS và xử lý những trường hợp vi phạm”.

Trường Tiểu học Bình Hòa Nam (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) xây dựng mô hình Cổng trường ATGT. Theo đó, trường phối hợp công an địa phương hướng dẫn phụ huynh (PH) đậu xe đúng nơi quy định theo 2 hàng sát lề đường trước cổng trường, không chen lấn, tập trung quá đông gần cổng trường.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa Nam – Nguyễn Phương Thanh chia sẻ: “Trước đây, PH thường đậu xe không theo hàng nên gây ùn tắc trước cổng trường, vừa gây nguy hiểm cho HS, vừa mất trật tự, ATGT. Khi thực hiện mô hình Cổng trường ATGT, PH tuân thủ các quy định của trường, giúp nâng cao ý thức về bảo đảm ATGT trước cổng trường; đồng thời, việc đậu xe theo hàng giúp đường đi thông thoáng, HS đi lại an toàn hơn”.

Xem giáo dục ATGT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Trường Tiểu học Gò Đen (huyện Bến Lức) có cách làm riêng và thu hút nhiều HS tham gia. Ngoài tuyên truyền thông qua tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ và lồng ghép trong các môn học, Trường Tiểu học Gò Đen còn thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật. Tham gia câu lạc bộ, HS được vẽ tranh theo chủ đề mỗi tháng. Trong tháng 9, HS tập trung vẽ tranh về ATGT. Mỗi tuần, hơn 20 thành viên tập hợp, thảo luận và tự sáng tạo nội dung về ATGT thông qua những bức tranh.

Theo thầy Lê Huỳnh – giáo viên môn Mỹ thuật, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật, Trường Tiểu học Gò Đen, trước khi lên ý tưởng vẽ tranh, HS phải tìm hiểu về chủ đề ATGT nên kiến thức sẽ được khắc sâu. Những bức tranh còn là công cụ tuyên truyền hiệu quả trong HS toàn trường. Nhờ vậy, HS nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng VHGT an toàn.

Không chỉ lan tỏa trong trường, những bức tranh về ATGT của Trường Tiểu học Gò Đen còn đoạt nhiều giải thưởng trong cuộc thi vẽ tranh về ATGT cấp huyện, tỉnh.

Trách nhiệm của học sinh và gia đình

Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục ATGT của nhà trường, HS, PH cũng nâng cao nhận thức và tự giác trong thực hiện các quy định khi tham gia giao thông, bảo đảm trật tự, ATGT và xây dựng VHGT.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS phường 5 (TP.Tân An) – Trần Minh Phước, ngay đầu năm học, trường cho HS và PH ký cam kết, trong đó có nội dung về ATGT. Theo đó, HS và PH thống nhất nội dung và tự nguyện ký cam kết. Nhờ vậy, HS và PH thực hiện đúng theo cam kết, đặc biệt PH thường xuyên nhắc nhở HS đội nón bảo hiểm, không tụ tập gây mất trật tự, ATGT trước cổng trường vào giờ tan trường,… góp phần không nhỏ vào việc xây dựng VHGT trong trường học của nhà trường.

Phụ huynh đội nón bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông

Cứ hơn 16 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, chị Nguyễn Ngọc Yến – PH của em Đinh Nguyễn Phú Quý, HS lớp 3/2, Trường Tiểu học Tân Khánh (TP.Tân An), có mặt trước cổng trường để đón con và chưa một lần đậu xe sai quy định của nhà trường. Thay vì vội vã và nôn đón con sớm thì chị Yến quan tâm việc tuân thủ quy định đậu xe 2 bên đường của nhà trường nhằm bảo đảm trật tự, ATGT trước cổng trường.

Chị Yến chia sẻ: “Nếu đến sớm thì đậu xe gần cổng, đến trễ thì đậu xa một chút cũng không sao, miễn giữ được lối đi thông thoáng cho các con ra về và dễ tìm kiếm cha mẹ. Mặc dù PH đậu xe 2 bên đường nhưng giờ cao điểm cũng không tránh khỏi việc nhiều xe di chuyển ra về, gây mất trật tự, ATGT trước cổng trường nên tôi luôn dặn con quan sát kỹ phía trước, 2 bên khi đi từ cổng ra, không chạy giỡn trước cổng trường”.

Chị Huỳnh Cẩm Quyên (phường Tân Khánh, TP.Tân An) bộc bạch: “Khi chở con bằng xe máy, tôi luôn cho con đội nón bảo hiểm. Đến các cột đèn giao thông, tôi nói con nghe các quy định trong tín hiệu đèn giao thông. Ngoài ra, khi gặp các biển báo giao thông, tôi cũng giải thích để con hiểu ý nghĩa. Nhờ vậy, con dần hình thành ý thức về ATGT”.

Nhờ sự quan tâm, tuyên truyền, giáo dục về ATGT, nhiều HS nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ. Sử dụng xe 50 phân khối để làm phương tiện đi học, Đinh Yến Linh – HS lớp 12A2, Trường THPT Tân Trụ, tìm hiểu kỹ các quy định về ATGT khi tham gia giao thông. Linh luôn đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, không chạy xe hàng đôi, hàng ba, không tụ tập trước cổng trường, hàng quán gây mất trật tự, ATGT, đặc biệt không chạy quá tốc độ và chú ý, tuân thủ các biển báo giao thông.

Linh thổ lộ: “Việc tuân thủ các quy định về ATGT khi tham gia giao thông là tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và những người xung quanh, không vì chủ quan, lơ là mà vi phạm luật giao thông để gây ra những hậu quả không mong muốn. Đặc biệt, khi xem, nghe thông tin về TNGT do những nguyên nhân chủ quan càng giúp em rút ra những bài học giá trị. Bởi những hậu quả, di chứng do TNGT để lại thật sự rất đáng sợ, làm thay đổi tương lai một người, đặc biệt là với HS. Trong khi đó, chỉ cần tuân thủ các quy định về ATGT thì giảm rất nhiều nguy cơ về TNGT khi tham gia giao thông”.

Với những nỗ lực đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng VHGT được lan tỏa rộng rãi trong học đường, góp phần giúp giảm TNGT và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường./.

An Nhiên