Xây dựng văn hóa học đường

Giờ học Toán tại Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

Giờ học Toán tại Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

Thời gian qua, mặc dù ngành giáo dục và đào tạo đã quan tâm xây dựng văn hóa học đường và đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử.

Tình trạng bạo lực học đường, mua bán, sử dụng ma túy gia tăng cả quy mô và tính chất. Một bộ phận học sinh có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, buông thả, thiếu trách nhiệm với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và với chính bản thân mình nên chây lười học tập, sa vào các thú vui không lành mạnh, trò chơi điện tử, sống trong thế giới ảo của mạng xã hội, khép mình với thực tiễn cuộc sống chung quanh…

Đây là những “điểm nóng” của ngành giáo dục và đào tạo, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực trạng yếu kém nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa học đường.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Đào Công Lợi, trước thực trạng nêu trên, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện các yêu cầu của Đề án: “Xây dựng văn hóa học đường trong trường học giai đoạn 2019-2025”; “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2022-2030”, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường; xây dựng văn hóa học đường bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện…

Với góc độ cơ sở giáo dục đại học, nhà giáo Phạm Mạnh Hùng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nhà trường thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để kiến tạo môi trường và xây dựng văn hóa, quy tắc ứng xử trong trường học một cách linh hoạt, chủ động, trong đó, đặc biệt chú trọng giáo dục văn hóa ứng xử cho người học thông qua các hoạt động như: Tuần sinh hoạt công dân, học tập chuyên đề, nội quy, khẩu hiệu trong phòng học, giảng đường, khuôn viên và các kênh thông tin với nội dung, thông điệp rõ ràng.

Bên cạnh đó, trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, lồng ghép nội dung giáo dục giá trị truyền thống, văn hóa ứng xử, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm cộng đồng để sinh viên có cơ hội giao lưu, rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử; kiểm tra định kỳ về mức độ nắm vững quy định, quy chế và hiểu biết pháp luật của sinh viên.

Để giải quyết các thách thức trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho sinh viên, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục triển khai các giải pháp đã đem lại các kết quả tốt; đổi mới các hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử; xây dựng hình ảnh cán bộ, giảng viên mẫu mực; tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tư vấn tâm lý, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên giải quyết các khó khăn trong học tập, cuộc sống.

PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cho rằng, để xây dựng thành công văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay, cần thống nhất nhận thức về văn hóa, vị trí, vai trò của văn hóa gắn chặt với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Trên cơ sở hệ giá trị chuẩn mực văn hóa học đường, cần kịp thời đổi mới, bổ sung, hoàn thiện nội dung, phương pháp trong chương trình giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân và đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức trong các hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội. Các trường cần bổ sung, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, xác định chuẩn mực ứng xử văn hóa lãnh đạo quản lý giáo dục trong dạy và học; rèn luyện của học sinh, sinh viên, hoạt động ngoại khóa.

Đối với cơ quan quản lý cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, thiết chế văn hóa trong nhà trường như: phòng thư viện, phòng truyền thống, phòng thông tin truyền thông, các câu lạc bộ văn nghệ, khu thể dục thể thao, cảnh quan trường học.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục và đào tạo xác định, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những người phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, luôn ý thức, trách nhiệm cao với đất nước, gia đình và bản thân.

Vì vậy, xây dựng văn hóa học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử học đường căn bản, lâu dài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quy định về xây dựng văn hóa học đường; xây dựng bổ sung các tài liệu, học liệu giáo dục kỹ năng ứng xử, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo lồng ghép, tích hợp các chương trình, đề án, kế hoạch đã ban hành bảo đảm việc triển khai đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả.

Bài và ảnh: QUÝ TÙNG