Xây dựng văn hóa học đường: Để mỗi ngày trẻ đến trường là niềm vui
Mỗi ngày con trẻ đi học về, bạn thường hỏi các con điều gì? Không ít người ngay từ cổng trường đã hỏi – “Hôm nay con được mấy điểm?”. Theo các chuyên gia, thay vì những câu hỏi này, cha mẹ nên bắt đầu bằng câu hỏi “Hôm nay con ở trường thế nào”, hoặc “Hôm nay có chuyện gì vui không con”. Bởi khi trẻ đến trường, điểm số không phải là yếu tố duy nhất cần quan tâm. Mối quan hệ giữa trẻ và bạn bè cùng trang lứa có tác động sâu sắc nhất tới con trẻ mỗi ngày. Niềm vui, nỗi buồn của trẻ xoay quanh những người bạn.
Tuổi học trò là quãng thời gian chứa đựng những kỷ niệm đẹp trong trẻo. Thế nhưng, trên thực tế, có những cô bé, cậu bé lại mang đầy thương tích trong tâm hồn bởi chính những người bạn cùng trường, cùng lớp.
Theo số liệu thống kê của UNICEF, 10 – 12% học sinh gặp các vấn đề về tâm lý và ở Việt Nam đa số các tổn thương xuất hiện trong các mối quan hệ bạn bè, sau mới là gia đình. Theo các chuyên gia giáo dục, những mâu thuẫn này chủ yếu chịu tác động bởi những quan niệm và định kiến từ người lớn hằn vào suy nghĩ của trẻ như: phân hóa giàu – nghèo, áp lực thắng – thua, cách ứng xử thiếu tôn trọng quyền riêng tư và sự khác biệt của người khác. Vì vậy, mọi mâu thuẫn trong giới học trò phải giải quyết từ cái gốc là văn hóa ứng xử của chính gia đình và nhà trường, đặc biệt, cần xây dựng cho học sinh giá trị tôn trọng và chia sẻ.
“Các bạn có mâu thuẫn với nhau cần được tôn trọng bằng cách lắng nghe một cách chi tiết. Bản thân khi lắng xong thì các vấn đề cũng đã được giải quyết rồi. Khi tôn trọng sở thích, đam mê của người khác thì sẽ không chuyện ép buộc bạn này phải thế này, bạn khác phải thế kia. Các giá trị môi trường trường học xây dựng như bình an, trách nhiệm, trung thực, lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt của nhau… Khi được ở trong môi trường có nhiều giá trị như vậy, có thể gọi đó là môi trường có văn hóa”, chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ.
Hướng dẫn các em kĩ năng để làm chủ cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn và biết cách tìm sự trợ giúp khi cần là trách nhiệm của thầy cô giáo và cha mẹ, thay vì việc chỉ chú trọng đến điểm số, thi cử, rồi để mặc các em đơn độc xoay sở với những vấn đề của riêng mình. Để xây dựng văn hóa học đường, cũng cần chú trọng vun đắp những giá trị tốt đẹp, hướng học sinh đến chân – thiện – mỹ. Khi đó, các em không chỉ là những người thụ hưởng mà đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo nên văn hóa học đường.
Có nhiều tấm gương giúp bạn vượt khó trong cuộc sống và trong học tập trên cả nước. Suốt 4 năm cõng bạn đến trường, cô bé Phạm Ngọc Trâm tại Quảng Bình đã tiếp thêm nhiều động lực cho Nguyễn Thị Trang trở nên lạc quan hơn trước số phận. Vì thương bạn, cô bé Ngọc Trâm đã trở thành đôi chân cho Trang. Năm 2020, câu chuyện của 2 cậu học trò Minh Hiếu – Tất Minh suốt 10 năm trời cõng nhau đi học, cuối cùng trở thành học sinh giỏi tỉnh và thi tốt nghiệp THPT trên 28 điểm đã truyền cảm hứng cho cả xã hội về một tình bạn trong sáng và đẹp đẽ của tuổi học trò.
“Khi bước vào một môi trường tràn ngập tình yêu thương, nơi đó có các học sinh và thầy cô giáo luôn tươi cười rạng rỡ, học trò có thể trao nhau những cái bắt tay, khoác vai rất đáng yêu” – chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thanh Hưng cho biết thêm – “Khi nói đến văn hóa học đường, ngoài việc nuôi dưỡng những giá trị của học sinh thì còn có thầy cô và phụ huynh, cùng sự chung tay của nhiều chủ thể, tạo ra một bầu không khí có văn hóa, cũng như những giá trị tốt đẹp đến từ nhà trường, gia đình và xã hội”.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu những giá trị cốt lõi để xây dựng hệ chuẩn mực con người Việt Nam. Đó là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Để xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực đó, nhà trường đóng vai trò quan trọng. Mỗi giáo viên phải là một tấm gương để học trò noi theo.
Như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng nhấn mạnh: “Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói tới các giá trị khác được”, xây dựng môi trường học đường có văn hóa, để mỗi ngày đến trường của trẻ sẽ là một ngày bát ngát niềm vui. Giáo dục thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng của mình, đó là sứ mệnh “trồng người”.
Từng bước thẩm thấu, hình thành và giữ gìn nét văn hóa học đường
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!