Xây dựng văn hóa học tập trong tổ chức
Xây dựng văn hóa học tập trong tổ chức
Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng học tập là yếu tố then chốt để gắn kết nhân viên cũng như thu hút nhân tài về cho tổ chức. Các tổ chức thành công thường có văn hóa học tập ngấm vào cách nghĩ của từng cá nhân trong tổ chức đó. Họ thường học từ những cá nhân khác hoặc những chuyên gia để dần làm chủ được kỹ năng mong muốn.Trên thực tế, cho dù có muốn hay không, tổ chức của chúng ta vẫn đã có một văn hóa học tập. Hoạt động học tập diễn ra mọi nơi bởi vì học là một trong những bản năng của con người. Câu hỏi đặt ra là liệu bạn có thể tác động để tạo ra văn hóa học tập tích cực giúp tổ chức thành công hay không.
Có nhiều tổ chức ít chú trọng đến việc phát triển con người, môi trường học tập không được nuôi dưỡng dẫn đến văn hóa học tập nghèo nàn và kết quả là sự ra đi của những nhân tài. Những tổ chức này rất vất vả để giữ được khách hàng của mình và dần dần tụt hậu phía sau các đối thủ cạnh tranh. Trong ngắn hạn, họ có thể tiết kiệm được 1 chút chi phí nhưng sau này chi phí nhân sự đội lên khiến họ thua lỗ và tụt hậu.
Những tổ chức tạo ra được văn hóa học tập tích cực không chỉ thành công mà còn có những bước nhảy vọt, vậy làm thể nào để tạo ra được điều đó. Tiến sĩ Britt Andreatta, CEO của 7th Mind Inc có đưa ra những điểm chúng ta có thể làm như sau:
Tôn trọng những yếu tố học tập hiện hữ trong tổ chức: Hoạt động học tập diễn ra hàng ngày ở tổ chức của chúng ta. Mọi người tự học thông qua trải nghiệm và khám phá, một số người học rất tốt thông qua việc quan sát những người giỏi khác. Mọi người giúp đỡ nhau hàng ngày qua những khoảnh khắc hướng dẫn, kèm cặp và phản hồi cho nhau. Hoạt động L&D không nhất thiết phải là những sự kiện được hoạch định trước và chịu trách nhiệm bởi 1 phòng ban. Hoạt động L&D phải là một tập thể có sự trao đổi, tạo nên một môi trường học tập nơi các hoạt động học hỏi được hỗ trợ và vinh danh.
Coi học tập là con đường dẫn đến sự thành thạo về chuyên môn: Quá trình học tập thường trải qua những giai đoạn như hỗn loạn, thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và đặc biệt là mắc lỗi. Không ai có thể đạt được đến cấp độ thành thạo mà không nếm trải thất bại hoặc sai lầm. Điều đó có nghĩa chúng ta phải tạo ra được một môi trường mà ở đó có sự an toàn để mọi người mạnh dạn thử nghiệm cái mới, chấp nhận rủi ro và thậm chí mắc lỗi. Việc này phải diễn ra ở tất cả các hoạt động không chỉ khi đang học tập mà ngay trong công việc của mỗi cá nhân. Điều đó có nghĩa là mỗi cá nhân phải đặt mục tiêu để có được những khoảnh khắc “AHA” trong công việc nhiều như việc họ đặt mục tiêu cho kết quả công việc của họ.
Đảm bảo các quản lý biết cách huấn luyện kèm cặp nhân viên một cách hiệu quả: Huấn luyện là một công cụ vô cùng mạnh trong quá trình học tập, bởi vì nó giúp người nhân viên có được khả năng và sự tự tin. Quản lý cần phải biết sự kết hợp giữa huấn luyện kỹ năng và hướng dẫn nghiệp vụ. Sẽ rất tốt nếu các quản lý có thể đưa ra được những câu hỏi truyền năng lượng tích cực để nhân viên tự tin thử nghiệm và khám phá, nó sẽ giúp nhân viên nhanh chóng tiến đến cấp độ thành thạo về chuyên môn.
Xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc có ghi nhận yếu tố học hỏi và phát triển: Nếu chúng ta chỉ đánh giá nhân viên làm việc có hiệu quả không thì chúng ta đã mất một cơ hội rất lớn để tạo ra văn hóa học tập tích cực cho tổ chức. Phần lớn các hệ thống đánh giá đều dựa trên kết quả công việc chứ không phải nỗ lực của nhân viên. Nhưng có 1 vài công trình nghiên cứu đã chỉ ra nếu hệ thống đánh giá có tính đến yếu tố học hỏi và phát triển, thì nhân viên của tổ chức đó giỏi lên một cách nhanh chóng. Chúng ta đều biết trong tổ chức có những người giỏi nhưng không tiến bộ. Họ thường thích làm những việc tốt và phù hợp với khả năng của họ nhất. Họ có thể làm tốt công việc nhưng không thể đạt được cấp độ cao nhất của năng lực. Cần phải có một hệ thống đánh giá sự phát triển của nhân viên thông qua 3 tiêu chí sau:
– Động lực phát triển cá nhân
– Nỗ lực bỏ ra cho các hoạt động học tập
– Đo lường sự tiến bộ của kỹ năng
Những yếu tố này có thể chiếm từ 25% – 30% tỷ trọng đánh giá hiệu quả công việc. Có nghĩa là những người có kết quả công việc tốt nhất được ghi nhận thì người có kết quả học tập tốt nhất cũng cần được ghi nhận. Một văn hóa học tập tích cực cần phải ghi nhận và tưởng thưởng cho tất cả các hoạt động học hỏi và phát triển.
Tạo điều kiện để việc học tập được truy cập dễ dàng: Học tập theo nhu cầu đang là xu hướng của các tổ chức, nó sẽ giúp nhân viên tìm kiếm câu trả lời cho một vấn đề khi họ thực sự cần đến nó. Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng hình thức này đạt được kết quả cao gấp nhiều lần so với việc học thông qua cách họ được chỉ dẫn phải làm như thế nào. Và nó cũng là cách học hiệu quả nhất trong các nguyên tắc học của người lớn. Còn gì tuyệt vời hơn khi tôi có thể tìm được 1 video ngắn tôi đang cần và tôi có thể truy cập vào đó 24h/7 ngày ở bất cứ thiết bị nào của tôi.
Tất cả các hoạt động học tập tạo ra giá trị cần phải được truy cập dễ dàng đối với nhân viên, và công nghệ là phần không thể thiếu được trong chiến lược L&D của mỗi tổ chức.
Sử dụng hiệu quả hình thức học tập kết hợp (blended learning): Hãy nhớ không có 1 hình thực học tập nào hiệu quả với tất cả mọi người trong mọi tình huống. Ví dụ 1 kèm 1 có thể giúp cho việc hiểu và làm được 1 kỹ năng tác nghiệp cụ thể. Học online hoặc đào tạo trên lớp có thể giúp một cá nhân có những bước tiến quan trọng về mặt nhận thức hoặc là một bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc 1 kèm 1.
Các hoạt động học tập kết hợp cần có những mục tiêu được xác định rõ ràng và lựa chọn hình thức học tập hiệu quả so nhất với nguồn lực bỏ ra ở mỗi mục tiêu.
Thực sự, hoạt động L&D là một mỏ vàng và nó đang đợi chúng ta khai thác. Nhân viên của chúng ta đang sở hữu một tiềm năng vô cùng lớn để đưa tổ chức lên 1 tầm cao mới. Nếu có thể tạo ra một văn hóa học tập tích cực, chúng ta có thể gặt hái được rất nhiều lợi ích để giúp tổ chức đi đến thành công.
Tác giả: Nguyễn Anh Đức
Giám đốc điều hành – MCG Talent Gene
Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp tại Việt Nam