Xây dựng văn hoá người Hà Nội từ “lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” của TP. Hà Nội – Ảnh: VGP/Gia Huy
Mục lục bài viết
Hội tụ, tiếp biến và sáng tạo văn hóa
Tại hội thảo khoa học phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” tổ chức hôm nay (21/3), bàn về văn hiến Thăng Long, giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hiến Thăng Long, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên nêu, ngay từ xa xưa, Thăng Long đã là một điểm đến lý tưởng cho cộng đồng các cư dân từ mọi vùng xung quanh.
Sự tụ hội của các dòng cư dân về mảnh đất này diễn ra cùng với sư phát triển của lịch sử dân tộc, đặc biệt là từ phía Tây, nơi vùng đồi núi hiểm trở ven sông Đà và núi Ba Vì cũng như ở phía Bắc nơi các triền núi Sóc Sơn, Tam Đảo chuyển đến.
Cho đến thế kỷ thứ XX, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra 275 di tích văn hóa Đông Sơn trên một vùng lãnh thổ từ biên giới Việt Trung đến đèo Ngang, trong đó vùng Thăng Long – Hà Nội trước đây luôn là tâm điểm của các di tích này đã có tới 20 điểm. Ngay từ những ngày dựng nước đầu tiên, với đặc điểm tự nhiên của mình Thăng Long – Hà Nội đã là mảnh đất trung tâm.
Như phân tích của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tính trung tâm và tụ hội của Thăng Long – Hà Nội tạo nên một trong những đặc trưng xuyên suốt lịch sử của mảnh đất này là nó không chỉ đón những người từ các vùng lân cận tới sinh sống mà còn tiếp thu văn hóa, văn minh của các vùng khác nhau. Thăng Long – Hà Nội không chỉ là điểm đến nhiều hứa hẹn, cuốn hút đối với những cư dân có năng lực và tài năng trong khắp đất nước mà còn cả tinh hoa văn hóa của quê hương họ.
Thăng Long bách nghệ, Thăng Long văn minh là còn nhờ ở sự góp sức của người dân tứ phương. Họ còn là đại diện cho con người của toàn quốc. Văn hóa, lối sống nhân cách của Thăng Long – Hà Nội là biểu trưng cho văn hóa, lối sống nhân cách từ các vùng khác. Về điểm này những nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội đã cho thấy bản thân văn hóa Thăng Long – Hà Nội không phải chỉ là sự phản ánh lại những đặc điểm chung trong cuộc sống, lao động sinh hoạt của vùng này mà còn chính là tinh hoa của văn minh chung.
Thăng Long-Hà Nội, một mặt là nơi tiếp thu, chắt lọc, lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của các vùng khác, nhưng một mặt khác lại ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa của toàn khu vực.
Tính chất hội tụ, tiếp biến và sáng tạo văn hóa cũng khiến cho văn hóa Thăng Long- Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước, Thăng Long-Hà Nội cũng là nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa. Nó thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những nhân tài cho đất nước.
Về phương diện này, chính môi trường Thăng Long- Hà Nội cũng tạo cho con người sống tại Thăng Long -Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn những khu vực khác trong học tập và sáng tạo.
Văn hiến Thăng Long-Hà Nội là sự hợp lưu của con người ở nhiều vùng miền là tinh hoa của góp lại mà có. Nhà Lý quê ở Kinh Bắc, đã đưa văn hóa phật giáo về góp mặt với Thăng Long. Nhà Trần quê ở Tức Mặc đã góp thiên tài về tổ chức quân sự ở đất Thiên Trường cho Thăng Long…Tất cả đã bổ sung cho Thăng Long, góp phần làm nên thành tựu đa dạng của văn hóa Thăng Long Hà Nội trong văn hóa Việt Nam.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh chia sẻ, đã hơn một nghìn năm trôi qua rồi, kể từ khi tổ tiên chúng ta chọn Thăng Long làm Thủ đô của đất nước. Sự phát triển của Thăng Long cũng là biểu trưng cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta cần quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long không phải chỉ cho các thế hệ tương lại của Thủ đô mà còn cho cả đất nước.
Hội thảo khoa học phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” – Ảnh: VGP/Gia Huy
Xây dựng đời sống văn hoá từ trong gia đình, cơ quan
Định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội nêu ý kiến, Hà Nội hiện nay với tính chất đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cơ chế thị trường đã và sẽ dẫn đến sự di cư lao động, sự phân hóa-phân tầng xã hội và hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa các tầng lớp dân cư cũng như giữa các địa bàn đô thị (trung tâm, vệ tinh, thành thị, nông thôn), nhất là về mức sống, chất lượng sống, lối sống.
Điều này đòi hỏi Hà Nội không chỉ phải phát huy các giá trị truyền thống mà còn phải hướng xây dựng các giá trị mới phù hợp với cơ cấu có tính chất mở về dân cư, kinh tế, văn hoá xã hội, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Vấn đề này yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, chuyển thành niềm tin hành động hàng ngày. Cần hướng vào các khía cạnh chủ yếu nhằm định hướng sự vận động, phát triển đúng đắn của văn hóa và con người Thủ đô Hà Nội; cụ thể là định hướng vào các giá trị chuẩn có tính nền tảng là giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại và tiêu biểu cho cả nước.
Về thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ cho rằng Thành phố cần tiếp tục việc xây dựng hoàn thiện, ban hành và triển khai đồng bộ, kiên trì trên toàn Thành phố những quy định, quy ước, quy chế cụ thể liên quan đến văn hiến, văn minh, hiện đại. Nêu cao vai trò gương mẫu về văn hoá của cán bộ, đảng viên.
Đóng góp ý kiến để phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc hoặc tới Thủ đô công tác, tham quan du lịch chấp hành những quy chế về nếp sống văn hoá của Thủ đô.
Xây dựng đời sống văn hoá từ trong gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, trường học, doanh nghiệp và mọi giai tầng xã hội. Đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” phát triển thiết thực, đi vào chiều sâu.
Tiếp tục cụ thể hoá các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng văn hoá người Hà Nội từ “lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”. Tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương “người tốt, việc tốt”; đồng thời có chế tài để ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn hoá, không phù hợp với truyền thống thanh lịch của người Hà Nội. Khơi dậy phong trào xã hội sâu rộng, tinh thần trách nhiệm cao của các bậc ông, bà, cha, mẹ, anh, chị và những người lớn tuổi nói chung đối với việc giáo dục, đào tạo, vun đắp tương lai cho thế hệ trẻ Thủ đô.
Đẩy mạnh các phong trào, hoạt động văn hoá – xã hội mang tính chất nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Tuyên truyền, khen thưởng những gia đình có truyền thống văn hoá, hiếu học ở Thủ đô. Định hướng văn hoá tâm linh. Xây dựng môi trường văn hoá phải đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục con người ứng xử văn hoá.
Củng cố, hoàn thiện, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá từ Thành phố tới cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống các nhà văn hoá quận, huyện, đoàn thể, trường đại học. Chú trọng phát triển nhà văn hoá thôn, làng, thị trấn, phường theo mô hình đa năng, sáng tạo những nội dung, hình thức phù hợp với các đối tượng. Phát triển các hoạt động, dịch vụ văn hoá hợp lý tại những di tích, danh thắng, vườn hoa, công viên, quảng trường.
Giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hoá góp phần giáo dục truyền thống và thu hút khách du lịch. Đầu tư nhiều hơn cho việc tôn tạo, phân cấp quản lý hệ thống các di tích ở Thủ đô.
Ngoài ra, nâng tầm văn hoá kinh doanh. Văn hoá trong kinh doanh là làm ăn có hiệu quả, đúng pháp luật, minh bạch trung thực trọng chữ tín, khắc phục hành vi gian lận thương mại làm giả hàng hoá, trốn lậu thuế, lừa đảo, phô trương, lãng phí… Văn hoá kinh doanh phải được xây dựng thành truyền thống gắn với thương hiệu, được xuyên suốt trong sản xuất, kinh doanh, trong hành vi ứng xử.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thông tin, triển lãm, báo chí, xuất bản, biểu diễn văn học nghệ thuật. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp quản lý, phát huy tiềm năng của các cơ quan, trí thức văn nghệ sĩ ở Trung ương, các tỉnh bạn đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hoá nghệ thuật ở Thủ đô. Mở rộng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, mở rộng địa bàn giao lưu và hợp tác văn hoá quốc tế.
Gia Huy