Xe máy nhái kiểu dáng tái xuất
Nhiều người tiêu dùng cảm thấy khó chịu với những chiếc xe nhái kiểu dáng nhưng vẫn mua vì quá rẻ.
Sau một thời gian dài vắng bóng, gần đây thị trường xe máy, xe điện lại xuất hiện nhiều mẫu nhái kiểu dáng của những hãng nổi tiếng như Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio…
Mục lục bài viết
Dễ gây nhầm lẫn
Dạo quanh khu chợ xe máy ở quận 5, TP.HCM, dễ bắt gặp các cửa hàng đang trưng bày rất nhiều mẫu xe có kiểu dáng giống chiếc Super Cub 125 cc mà hãng Honda ra mắt hồi năm ngoái cũng với tên Cub 50 cc, Cub 81… và gắn kèm với tên đơn vị sản xuất, lắp hoặc phân phối phía sau chứ không kèm chữ Honda như xe thật.
Tuy nhiên, trong khi mẫu xe chính hãng của Honda có xuất xứ từ Nhật, có giá bán lên tới 90 triệu đồng thì những mẫu xe có kiểu dáng tương tự giá chỉ từ 14-22 triệu đồng/chiếc và có dung tích dưới 50 phân khối, phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên do không yêu cầu bằng lái.
Trong khi mẫu xe chính hãng của Honda có giá bán lên tới 90 triệu đồng thì những mẫu xe có kiểu dáng tương tự giá chỉ từ 14-22 triệu đồng/chiếc.
Ngoài ra, còn có nhiều mẫu xe khác nhái kiểu dáng của Honda Wave, Yamaha Sirius, Piaggio Vespa… được giới thiệu như xe Cub, Wave… sử dụng động cơ xăng 4 kỳ, xi-lanh làm mát bằng không khí; dung tích 49,5 cm3 và đạt tốc độ tối đa là 50 km/giờ. Xe có kích thước nhỏ gọn, trọng lượng 70 kg và dung tích bình xăng 3,8 lít, tiết kiệm nhiên liệu… Còn xe tay ga có dung tích xi-lanh 49,5 cc, vận tốc tối đa không quá 50 km/giờ, đạt tiêu chuẩn khí thải Eu3.
Khi phóng viên thắc mắc về việc kiểu dáng giống các hãng xe khác thì liệu có được đăng ký biển số hay không, hầu hết cửa hàng đều nói rất dễ vì xe sản xuất trong nước nên được ưu tiên về thủ tục.
Còn về kiểu dáng tuy có giống mẫu xe của các hãng lớn nhưng vì là 50 phân khối, khác hoàn toàn với loại 100 phân khối, 125 phân khối của các hãng nên không ai bắt bẻ được. Khách hàng nào lo lắng, cửa hàng bao luôn phần thủ tục, ra biển số.
Bà Đỗ Kim Ngọc ở quận 1, TP.HCM, khá bức xúc kể với phóng viên về việc bà vừa mua một chiếc Cub hơn 15 triệu đồng cho con gái đi học vì ban đầu khi nghe tư vấn cứ tưởng là xe của Honda, đến lúc làm nhận giấy tờ mới biết không phải mà xe do một hãng nào đó “lạ hoắc” ở ngoài Bắc lắp ráp và phân phối. Không chỉ bà Ngọc mà nhiều người khác cũng lầm tưởng xe của thương hiệu lớn.
Không có cơ sở để xử lý
Tìm đến đại lý chính hãng của các doanh nghiệp phân phối những mẫu xe máy nói trên ở TP.HCM, phóng viên được nhân viên ở đây quảng cáo xe do liên doanh Việt – Nhật, Việt – Thái, Việt – Hàn lắp ráp, phân phối nên khách hàng có thể yên tâm về chất lượng, xe được bảo hành 2-3 năm…
Trong khi đó, nhân viên tư vấn của một công ty V. đang phân phối mẫu xe máy tay ga có kiểu dáng khá giống với mẫu xe Vespa từ hình thức đến tem dán thật thà thừa nhận xe được một số công ty ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn nhập linh kiện, phụ tùng, máy móc từ Trung Quốc về lắp ráp rồi bán ra thị trường.
Cũng theo nhân viên này, dù mẫu xe này giống Vespa nhưng vẫn có giấy chứng nhận chất lượng từ cơ quan đăng kiểm. Vì xe khi bán phải có giấy này mới được làm hồ sơ tại cơ quan công an để đăng ký xe và ra biển số. “Xe được cơ quan chức năng cấp giấy tờ thì không ai có quyền bắt bớ vì cho là hàng nhái kiểu dáng được” – người này quả quyết như vậy.
Ông Ngô Thiên Mạnh, dân kinh doanh xe máy lâu năm ở TP.HCM, cũng xác nhận những mẫu xe nhái kiểu dáng trên hầu hết được các cơ sở nhập linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp, có khi còn đặt hàng sản xuất từ Trung Quốc rồi đem về Việt Nam tiêu thụ.
Cũng theo ông Mạnh, cửa hàng thường chỉ chọn những kiểu mà các hãng đã bỏ mẫu như Cub, Chaly đời cũ để trưng bày… còn những mẫu xe mà hãng vẫn còn kinh doanh như Wave, Sirius hay Vespa chỉ để nơi khuất, khi có khách hỏi mới giới thiệu để cơ quan chức năng không chú ý.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam, cho rằng các mẫu xe máy của hãng đều được đăng ký đầy đủ thủ tục tại Việt Nam, bao gồm cả kiểu dáng công nghiệp của từng mẫu.
Honda Việt Nam biết tình trạng những mẫu xe của mình bị nhái và đã làm việc với cơ quan công an, quản lý thị trường nhưng vẫn chưa có kết quả. “Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng về tình trạng này vì nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của hãng mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng” – ông Phúc nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM, muốn kiểm tra xe máy nhái kiểu dáng trên thị trường thì chính hãng xe bị làm nhái phải làm đơn gửi đến cục kèm theo chứng cứ vi phạm cụ thể, cục mới có cơ sở tiến hành kiểm tra.
Khi đó, tùy theo mức độ vi phạm, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nhái có thể xử phạt hành chính hoặc bị lập biên bản tịch thu hàng hóa cũng như buộc phải tiêu hủy nếu vi phạm nặng, gây thiệt hại lớn.
Liên quan đến việc cấp giấy kiểm định chất lượng cho các mẫu xe nhái kiểu dáng, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết cục không chịu trách nhiệm về bảo hộ kiểu dáng sở hữu công nghiệp mà lo về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường… Khi nào có khiếu kiện về kiểu dáng thì Cục Đăng kiểm mới kết hợp với Cục Sở hữu trí tuệ xem xét có cấp giấy chứng nhận tiếp hay không.