Xơ gan: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) năm 2017, Việt Nam có hơn 51.000 trường hợp bị xơ gan. Trong đó, viêm gan B mạn tính là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan.
Mục lục bài viết
Tổng quan về bệnh xơ gan #
Bệnh xơ gan là giai đoạn muộn của quá trình xơ hóa (tạo sẹo) ở gan dẫn đến sự biến dạng cấu trúc gan lan rộng. Xơ gan được đặc trưng bởi các nốt tái sinh được bao quanh bởi các mô sợi dày đặc.
Bệnh xơ gan là gì? #
Xơ gan (tên tiếng Anh: cirrhosis) là tình trạng các mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng chất xơ do tổn thương nghiêm trọng, liên tục, kéo dài ở gan. Các chất xơ được tạo ra ngày càng nhiều sẽ làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc bình thường của gan, khi đó người bệnh được chẩn đoán là bệnh xơ gan. Xơ gan là giai đoạn cuối của các bệnh lý gan mạn tính.
Xơ gan là tình trạng gan bị xơ sẹo không thể phục hồi được. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Vai trò của gan là gì? #
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, nằm ở hạ sườn phải, với vai trò thực hiện các chức năng quan trọng như:
- Sản xuất mật: Gan là nơi sản sinh dịch mật và dự trữ chúng trong các túi mật. Dịch mật theo đường ống mật đi xuống tá tràng để hòa trộn vào thức ăn, giúp hấp thụ chất béo, cholesterol và vitamin A, D, E và K.
- Chuyển hóa và lưu trữ các chất: Gan lưu trữ carbohydrate dưới dạng glycogen và chuyển hóa chúng thành glucose khi cơ thể cần để hấp thu vào máu, cân bằng lượng đường huyết, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động. Ngoài ra, gan là nơi dự trữ rất nhiều vitamin và khoáng chất.
- Đào thải độc tố: Đây là chức năng quan trọng nhất của gan. Những độc tố tan trong mỡ sẽ được tế bào gan phân giải thành những chất kém nguy hiểm hơn hoặc dễ tan trong nước.
- Gan tổng hợp các protein đông máu.
- Gan có thể tự phục hồi khi bị tổn thương như khi uống quá nhiều rượu hay do nguyên nhân khác. Trong quá trình này, từng đám tế bào gan còn lại sẽ tăng sinh để bù đắp cho phần gan đã bị “chết” và tạo nên các nốt tái sinh và mô sẹo sẽ hình thành. Khi gan bị hư hoại nặng và lâu ngày, các phần xơ được tạo ra ngày càng nhiều sẽ làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc bình thường của gan và người ta gọi đó là xơ gan.
- Xơ gan giai đoạn cuối nguy hiểm đến tính mạng và có tiên lượng xấu do không đảo ngược được quá trình bệnh lý của xơ gan đồng thời bệnh xơ gan tiến triển ngày càng nặng với nhiều biến chứng có thể gây tử vong. Nhưng nếu xơ gan được chẩn đoán sớm và điều trị nguyên nhân thì có thể hạn chế được những tổn thương thêm và một số trường hợp có thể hồi phục.
Gan bình thường (trái) và gan bị xơ (phải)
Các giai đoạn của bệnh xơ gan #
Xơ gan thường được chia thành xơ gan còn bù và xơ gan mất bù vì có tiên lượng khác nhau giữa hai giai đoạn
Xơ gan còn bù
Gan là một cơ quan có khả năng bù trừ tốt. Khi một phần gan bị tổn thương thì các phần còn lại của gan sẽ bù trừ công việc cho các phần gan bị hư hại vì vậy ít khi có biểu hiện của suy giảm chức năng gan trong giai đoạn đầu. Do đó, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì rõ rệt và người ta gọi đó là thời kì xơ gan còn bù tức là phần gan còn lại vẫn bù đắp lại được vai trò của phần gan bị hư tổn.
Quá trình xơ hóa gan có thể diễn ra âm thầm trong nhiều năm, thời kì đầu hầu như không biểu hiện triệu chứng gì. Nếu có triệu chứng thì chỉ là các biểu hiện mơ hồ như:
- Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và sợ một số thức ăn đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Sau khi ăn thường có cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
- Đau tức vùng dưới sườn bên phải
- Xuất hiện sao mạch – là những đốm đỏ hình giống như hình con nhện có nhiều chân đỏ trên da vùng ngực, lưng và cổ của bệnh nhân.
- Lòng bàn tay son – là biểu hiện lòng bàn tay có thể bị đỏ ở vùng mô bàn tay ngón cái và ngón út.
Việc phát hiện bệnh trong giai đoạn ban đầu này thường là tình cờ khi đi khám sức khỏe định kì, khi làm xét nghiệm tổng quát về chức năng gan, hoặc tình cờ phát hiện qua siêu âm bụng. Các xét nghiệm để đánh giá tình trạng xơ gan ở giai đoạn này bao gồm: XN chức năng gan chưa rối loạn, nội soi có thể thấy dãn tĩnh mạch thực quản. Đo độ đàn hồi gan (Fibroscan) có thể giúp chẩn đoán xơ gan. Sinh thiết gan là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xơ gan giai đoạn còn bù.
Xơ gan mất bù
Tỉ lệ chuyển từ xơ gan còn bù sang xơ gan mất bù là 10% số bệnh nhân mỗi năm. Đây là giai đoạn mà gan bị tổn thương nhiều quá nên bắt đầu xuất hiện sự suy giảm chức năng và không thể thực hiện các vai trò như sản xuất yếu tố đông máu, chuyển hóa bilirubin, chuyển hóa NH3,…
Lúc này, biến chứng của xơ gan sẽ xuất hiện và bệnh nhân thường đến khám vì có các biểu hiện của xơ gan mất bù:
- Cổ trướng hoặc báng bụng – là tình trạng bụng ngày càng to ra do ứ nước trong bụng kèm theo vùng mắt cá chân có thể bị sưng lên, đè vào thì hơi bị lõm.
- Tình trạng mệt mỏi, chán ăn, cảm giác bị suy nhược, sụt cân … biểu hiện rõ rệt hơn.
- Vàng da và vàng mắt
- Rối loạn đông máu với biểu hiện dễ bị bầm ở những chỗ tiêm chích, chảy máu răng, chảy máu cam.
- Phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, đàn ông có thể bị bất lực.
- Dưới bờ sườn bên phải có thể sờ thấy gan hơi cứng chắc và dưới bờ sườn bên trái có thể sờ thấy lá lách lớn.
- Bệnh nhân có thể có những rối loạn về tinh thần như mất khả năng tập trung (ngay cả khi làm những công việc rất yêu thích), cảm thấy dễ mệt nhưng lại ngủ không ngon. Nặng hơn nữa, bệnh nhân sẽ bị kích động, vật vã rồi dần dần bị hôn mê hoặc có thể ói ra máu rất nhiều và tử vong.
Xơ gan còn bù 50% sống còn sau 10 năm, trong khi xơ gan mất bù 50% sống còn sau 18 tháng.
Các giai đoạn của bệnh xơ gan. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh xơ gan #
Nguyên nhân xơ gan có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân hoặc do nhiều nguyên nhân cùng phối hợp gây tổn thương gan. Trong đó, nguyên nhân phổ biến gây bệnh xơ gan là do viêm gan B, C, xơ gan do rượu và một số bệnh lý mạn tính ở gan.
Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan và ung thư gan. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nguyên nhân gây bệnh xơ gan là gì? #
Xơ gan là kết quả của tổn thương gan trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân gây xơ gan phổ biến, bao gồm:
- Viêm gan: virus viêm gan B và virus viêm gan C là nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh xơ gan, đặc biệt là viêm gan B. Theo thống kê của Hiệp hội Nghiên cứu các bệnh gan Việt Nam (VASLD) năm 2017, có khoảng 104.460 trường hợp xơ gan mất bù do nhiễm virus viêm gan B và C. Ngoài ra, virus viêm gan D cũng có khả năng gây xơ gan.
- Lạm dụng rượu lâu năm: xơ gan do rượu là tình trạng thường xuyên uống rượu với nồng độ cao khiến gan làm việc quá tải dẫn đến gan bị tổn thương. Những người uống rượu nặng, thường xuyên, trong thời gian dài có nguy cơ bị xơ gan cao hơn nhiều so với những người khỏe mạnh khác. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, uống nhiều rượu bia kéo dài trên10 năm có thể phát triển bệnh xơ gan. Bệnh gan do rượu có 3 giai đoạn chính là Gan nhiễm mỡ (tích tụ chất béo trong gan), Viêm gan do rượu (các tế bào gan bị sưng viêm) và Xơ gan. Hiện nay có khoảng 10 – 15% người nghiện rượu nặng có nguy cơ mắc bệnh xơ gan.
- Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH): gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ nhiều trong gan gây nên viêm gan và tạo thành các mô sẹo khiến gan bị xơ hóa. Người béo phì, đái tháo đường, lượng mỡ trong máu cao và cao huyết áp,… có nguy cơ cao mắc bệnh NASH.
- Viêm gan tự miễn: cơ thể tạo ra kháng thể chống lại chính các tế bào gan, gây tổn thương viêm gan lâu ngày dẫn tới xơ gan.
- Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa: bệnh Wilson (bệnh do tích lũy đồng trong cơ thể), bệnh Hemochromatosis (do tích lũy sắt), thiếu alpha 1- antitrypcin.
- Ứ máu ở gan kéo dài: suy tim phải nặng kéo dài (bệnh lý gan – tim), hội chứng Budd-Chiari (tắc tĩnh mạch trên gan).
- Xơ gan do ứ mật: tình trạng tắc mật lâu ngày.
- Xơ gan do độc chất: Aflatoxin (là một tác nhân quan trọng, do một loại nấm tên gọi là Aspergillus flavus tạo ra, chất này thường bị nhiễm trong thức ăn, đặc biệt là ngũ cốc để lâu ngày. Vai trò của aflatoxin đối với gan ra sao thì hiện đang được quan tâm nghiên cứu, nhưng người ta cho rằng đây có thể là tác nhân gây xơ gan. ung thư gan.)
- Tác dụng phụ của thuốc: một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm dùng lâu ngày có thể dẫn tới xơ gan.
Một số bệnh lý khác có thể dẫn đến bệnh xơ gan như:
- Bệnh xơ nang.
- Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát hoặc xơ cứng và sẹo đường mật.
- Bệnh Galactosemia hoặc không có khả năng xử lý đường trong sữa.
- Bệnh sán máng, một loại ký sinh trùng thường thấy ở một số nước đang phát triển.
- Teo đường mật bẩm sinh (biliary atresia).
- Rối loạn dự trữ glycogen (glycogen storage diseases).
- Một số bệnh nhiễm trùng như bệnh giang mai, bệnh brucella.
Những yếu tố nguy cơ của bệnh xơ gan là gì? #
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ gan, bao gồm:
- Uống quá nhiều rượu bia.
- Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh có thể dẫn đến xơ gan như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Viêm gan siêu vi: không phải tất cả người bệnh viêm gan mạn tính cũng phát triển thành xơ gan, nhưng đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu trên thế giới gây ra bệnh gan.
Sinh lý bệnh xơ gan #
Cơ chế bệnh sinh xơ gan có 2 phần chính là:
- Xơ gan
- Tái tạo tế bào gan
Cơ chế bệnh sinh xơ gan là do gan phản ứng lại với các yếu tố gây hại. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Các yếu tố có hại tác động lâu dài đến gan khiến cho nhu mô gan bị hoại tử, gan tự phản ứng lại hiện tượng này bằng cách tăng cường tái sinh tế bào (tạo ra các nốt tái sinh) và đồng thời tăng sinh động mạch. Insulin, glucagon và các mô hình của dòng máu trong gan xác định cách thức và vị trí các nốt phát triển.
Tăng sinh mạch tạo ra các mạch máu mới trong lớp vỏ bọc sợi xung quanh các nốt. Các mạch này kết nối động mạch gan và tĩnh mạch cửa với tĩnh mạch gan, phục hồi các đường tuần hoàn trong gan. Các mạch nối như vậy cung cấp hệ thống thoát máu tĩnh mạch tương đối thấp, áp lực cao, gây thiếu máu tế bào gan. Kết quả là áp lực tĩnh mạch cửa tăng lên. Rối loạn lưu thông tĩnh mạch cửa và gan hoặc các nốt tái tạo chèn ép làm hẹp các tĩnh mạch gan là nguyên nhân dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch cửa mà không gây suy giảm chức năng tế bào gan.
Khi cấu trúc hệ thống mạch máu của gan bị đảo lộn thì khả năng nuôi dưỡng tế bào gan ngày càng giảm, tình trạng hoại tử và xơ hoá cũng ngày một tăng. Quá trình này tiếp diễn cho đến khi các biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy gan khiến bệnh nhân tử vong.
Tốc độ tiến triển từ xơ hóa đến xơ gan và hình thái của xơ gan sẽ khác nhau ở mỗi người bệnh. Nguyên nhân có thể do mức độ phơi nhiễm với kích thích gây tổn thương và đáp ứng của mỗi cá nhân là khác nhau.
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh xơ gan #
Dấu hiệu và triệu chứng xơ gan phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn đầu hay còn gọi là giai đoạn xơ gan còn bù thì hầu như không có triệu chứng điển hình. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn xơ gan mất bù, lúc này gan bị tổn thương nghiêm trọng sẽ xuất hiện các triệu chứng như cổ trướng, vàng da, dễ bị chảy máu hoặc bầm tím,…
Triệu chứng xơ gan cổ trướng là tình trạng bụng ngày càng to ra do tụ dịch trong khoang bụng. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Các triệu chứng xơ gan thường gặp #
Các triệu chứng ban đầu của bệnh xơ gan thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, khi mô sẹo tích tụ, chức năng của gan bị suy giảm có thể dẫn đến các triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Chán ăn, sợ những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ
- Sụt cân
- Buồn nôn
- Chướng bụng, khó tiêu
- Đau tức vùng dưới sườn bên phải
- Trên da vùng ngực, lưng và cổ xuất hiện những nốt giãn mạch màu đỏ, còn gọi là sao mạch
- Lòng bàn tay có thể bị ửng đỏ
Các triệu chứng xơ gan khi bệnh tiến triển như:
- Cổ trướng
- Sưng (phù) ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân, mắt cá chân đè vào thì hơi bị lõm
- Mệt mỏi, chán ăn, suy nhược, sụt cân
- Vàng da
- Dễ bị chảy máu răng, chảy máu cam hoặc bầm tím
- Nữ giới có thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh
- Nam giới giảm ham muốn tình dục, phì đại tuyến vú (nữ hóa tuyến vú) hoặc teo tinh hoàn
- Sờ thấy gan hơi cứng chắc và lá lách lớn
- Rối loạn về thần kinh và tâm thần: mất khả năng tập trung, mất ngủ, lú lẫn, giảm trí nhớ, thay đổi tính cách, nói lắp (bệnh não gan)
- Đi ngoài ra máu hoặc tiêu ra phân đen
- Ói ra máu
- Nước tiểu sẫm màu
- Sốt
- Khó thở
- Chuột rút
Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám? #
Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu xơ gan kể trên, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Cô Bác, Anh Chị không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì bệnh lý này kéo dài gây ra rất nhiều biến chứng khác và có thể dẫn đến ung thư gan.
Phương pháp chẩn đoán bệnh xơ gan #
Để chẩn đoán xơ gan, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra kết quả chính xác nhất. Khi có kết quả chẩn đoán mắc bệnh xơ gan, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra liệu trình điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
Khám lâm sàng #
Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ hiểu rõ tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị. Cô Bác, Anh Chị cần phải nêu rõ tình trạng, dấu hiệu bệnh lý hiện tại cho bác sĩ nắm rõ. Một số câu hỏi Cô Bác, Anh Chị cần trả lời như:
- Các triệu chứng diễn ra như thế nào? Đã xuất hiện trong thời gian bao lâu và Cô Bác, Anh Chị cảm thấy như thế nào?
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng? Chúng xuất hiện thỉnh thoảng hay liên tục?
- Những yếu tố giúp cải thiện hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng?
- Cô Bác, Anh Chị có thường xuyên uống chất có cồn không?
- Cô Bác, Anh Chị đã từng tiếp xúc hoặc uống các loại thuốc độc hại chưa?
- Tiền sử gia đình bị bệnh gan, bệnh huyết sắc tố hoặc béo phì không?
- Cô Bác, Anh Chị có tiền sử bệnh viêm gan siêu vi, vàng da không?
- Cô Bác, Anh Chị đã từng truyền máu, sử dụng thuốc tiêm hoặc xăm hình không?
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh xơ gan như vàng da, khối u ở bụng, đau bụng, nốt giãn mạch màu đỏ trên da, lòng bàn tay đỏ,…
Cận lâm sàng chẩn đoán #
Thông thường, xơ gan được phát hiện đầu tiên thông qua xét nghiệm máu hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Để giúp xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.
Xét nghiệm máu chẩn đoán xơ gan. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Xét nghiệm xơ gan
Bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện xét nghiệm máu giúp gợi ý chẩn đoán xơ gan như:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần: xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng, viêm, loét, thiếu máu,…
- Xét nghiệm chức năng gan: giúp định lượng bilirubin, albumin, men gan (phosphatase kiềm, xét nghiệm AST và ALT, chỉ số GGT) trong máu. Nồng độ các chất này trong máu cao có thể gợi ý bệnh viêm gan.
- Xét nghiệm chức năng thận giúp định lượng creatinine.
- Xét nghiệm đông máu.
- Tìm kiếm nguyên nhân gây xơ gan: quan trọng nhất là xét nghiệm tầm soát siêu vi viêm gan B, xét nghiệm chẩn đoán virus viêm gan C và các xét nghiệm đặc hiệu khác trong các bệnh chuyển hóa.
- Xét nghiệm AFP (alpha fetoprotein) có thể cho thấy sự hiện diện của ung thư gan.
- Nếu bụng có nước, có thể phải chọc hút một ít dịch trong ổ bụng để làm xét nghiệm
Dựa trên kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân cơ bản của bệnh xơ gan. Ngoài ra, các chỉ số đánh giá xơ gan giúp bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh cho thấy kích thước, hình dạng và kết cấu của gan, đồng thời giúp xác định tình trạng sẹo gan, lượng chất béo trong gan và lượng dịch tích tụ trong ổ bụng. Các xét nghiệm hình ảnh xơ gan có thể bao gồm:
- Chụp đàn hồi cộng hưởng từ (MRE).
- Siêu âm bụng: kỹ thuật giúp đánh giá kích thước, hình dạng của gan, cũng như lưu lượng máu qua gan và quan trọng là giúp tầm soát phát hiện ung thư gan.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Siêu âm đàn hồi, Fibroscan, fibrotest: là những kĩ thuật không xâm lấn, không gây hại, giúp đánh giá “độ cứng” của gan, nghĩa là đánh giá mức độ xơ hóa của gan.
Nội soi
Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán bệnh giãn tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.
- Nội soi thực quản giúp bác sĩ quan sát toàn bộ thực quản, xác định vị trí tĩnh mạch bị giãn, kiểm tra các vệt đỏ và chấm đỏ gợi ý nguy cơ xuất huyết.
- Nội soi viên nang.
Sinh thiết gan
Sinh thiết gan là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác bệnh xơ gan, ngoài ra phương pháp này còn được sử dụng để đánh giá mức độ xơ hóa ở gan, nguyên nhân gây bệnh và phát hiện ung thư gan.
Bác sĩ dùng một loại kim nhỏ đặc biệt (chuyên dùng cho sinh thiết gan) để chích qua da, vào gan và lấy ra một mảnh mô gan rất nhỏ, nhằm quan sát dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp đánh giá mức độ hư hoại và mức độ xơ hóa ở gan. Đôi khi, sinh thiết gan còn giúp xác định được nguyên nhân dẫn đến xơ gan.
Nếu được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán định kỳ để theo dõi các dấu hiệu tiến triển hoặc biến chứng của bệnh, đặc biệt là giãn tĩnh mạch thực quản và ung thư gan.
Biến chứng bệnh xơ gan #
Xơ gan có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Mô sẹo ở gan ngăn cản dòng chảy của máu trong tĩnh mạch cửa – tĩnh mạch chính dẫn máu từ dạ dày và ruột về gan. Xơ gan có thể làm tăng huyết áp ở tĩnh mạch cửa, gây xuất huyết tiêu hóa và dẫn tới tử vong.
- Cổ trướng, phù nề: Tăng áp lực tĩnh mạch cửa có thể gây tích tụ chất lỏng ở chân (phù nề) và ở bụng (cổ trướng). Triệu chứng phù nề, cổ trướng cũng có thể do gan không có khả năng tạo đủ một số protein trong máu, chẳng hạn như albumin.
- Lách to (cường lách trong xơ gan): Tăng áp lực tĩnh mạch cửa cũng có thể gây ra những thay đổi và sưng lá lách, đồng thời gây tắc nghẽn các tế bào bạch cầu và tiểu cầu. Các tế bào bạch cầu và tiểu cầu trong máu giảm có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh xơ gan.
- Xuất huyết tiêu hóa: Tăng áp lực tĩnh mạch cửa đẩy máu vào các mạch máu nhỏ hơn, như những tĩnh mạch ở phần dưới của thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày. Các mạch máu này có thành mỏng và nằm sát bề mặt. Theo thời gian, tăng áp lực tĩnh mạch cửa tạo ra các tuần hoàn bàng hệ cửa chủ. Tuần hoàn bàng hệ cửa chủ làm giảm nhẹ áp lực tĩnh mạch cửa nhưng có thể gây ra các biến chứng như giãn tĩnh mạch thực quản, sưng lên và vỡ gây xuất huyết.
- Nhiễm trùng: Người bệnh xơ gan thường bị suy giảm hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Cổ trướng có thể dẫn đến viêm phúc mạc do vi khuẩn, một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Suy dinh dưỡng: Bệnh có thể khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng, dẫn đến suy nhược và sụt cân.
- Bệnh não gan: Chức năng đào thải chất độc của gan bị suy giảm, các chất độc có thể tích tụ trong não và gây ra tình trạng rối loạn tinh thần và khó tập trung. Theo thời gian, bệnh não gan có thể tiến triển đến không đáp ứng điều trị hoặc dấn đến hôn mê.
- Vàng da: Vàng da xảy ra khi gan không loại bỏ đủ bilirubin, một chất thải trong máu. Vàng da khiến da và lòng trắng mắt vàng và nước tiểu sẫm màu.
- Vấn đề xương khớp: Bệnh xơ gan gây suy giảm chức năng xương và có nguy cơ cao bị gãy xương.
- Hội chứng gan – thận (HRS): Bệnh nhân đi tiểu ít dần rồi không đi tiểu được nữa, có thể dẫn tới tử vong.
- Ung thư gan: Xơ gan là yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ ung thư gan.
- Suy gan: Một số bệnh nhân cuối cùng bị suy đa cơ quan. Các nhà nghiên cứu hiện tin rằng đây là một biến chứng riêng biệt ở một số người bị xơ gan, nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.
Ung thư gan là bệnh lý ác tính đứng đầu về số ca mới mắc và tử vong trong tất cả các loại bệnh ung thư ở Việt Nam. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Phương pháp điều trị bệnh xơ gan #
Điều trị xơ gan phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương gan của người bệnh. Mục tiêu của việc điều trị là làm chậm sự tiến triển của mô sẹo trong gan, kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa hoặc điều trị các biến chứng của bệnh. Người bệnh có thể phải nhập viện nếu bị tổn thương gan nặng.
Kết quả điều trị bệnh xơ gan phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì điều trị mang lại hiệu quả cao, hạn chế được các biến chứng của xơ gan. Khi xơ gan mất bù, tiến triển bệnh thường nặng và có nhiều biến chứng, thường đáp ứng rất kém với điều trị.
Tầm soát ung thư gan giúp phát hiện bệnh xơ gan ở giai đoạn sớm, nâng cao hiệu quả điều trị. (Ảnh minh họa sưu tầm)Nguyên nhânChẩn đoán nguyên nhânĐiều trịViêm gan virus B, CHBsAg,HBV-DNA, antiHCV, HCV-RNAĐiều trị kháng virusRượuBệnh sử và tiền cănCai rượuViêm gan nhiễm mỡ không do rượuCtscan, Sinh thiết ganGiảm cân, kiểm soát HC chuyển hóaChuyển hóa: Hiếm gặpTùy nguyên nhânTùy nguyên nhânXơ gan ứ mật nguyên phátMitochondrial antibody, IgM tăng.Xem xét ghép gan Xơ hóa đường mật nguyên phát P-ANCA (peripheral antineutrophil cytoplasmic antibody), chụp đường mậtXem xét ghép ganTắc dòng chảy TM gan :
– HC Budd-Chiari
– Suy timSiêu âm doppler TM gan
Siêu âm timGiảm tắc nghẽn TM gan
Điều trị nguyên nhân gây suy timViêm gan tự miễnANA, SMA, IgG tăng, LKM1Liệu pháp ức chế miễn dịchThuốc: Methotrexate, AmiodaronBệnh sử và tiền cănNhận ra và ngưng thuốc
Để điều trị xơ gan, cần cắt đứt quá trình tổn thương và thành lập nốt xơ, cụ thể là tìm được nguyên nhân và điều trị triệt để nguyên nhân xơ gan. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu điều trị được nguyên nhân thì có thể làm chậm lại hoặc chặn đứng quá trình tiến triển của bệnh.
- Những nguyên nhân có thể điều trị được thể hiện trong bảng trên.
- Những nguyên nhân khác mà hiện nay y học lại chưa thể điều trị được như các rối loạn bẩm sinh của cơ thể.
Kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Phát hiện càng sớm thì điều trị càng hiệu quả, càng hạn chế được các biến chứng của xơ gan. Khi xơ gan mất bù, tiến triển bệnh thường nặng và có nhiều biến chứng, thường đáp ứng rất kém với điều trị.
Điều trị xơ gan theo nguyên nhân #
Trong giai đoạn đầu, điều trị nguyên nhân cơ bản có thể giảm tổn thương gan. Một số phương pháp điều trị bao gồm:
- Ngưng uống rượu hoàn toàn nếu xơ gan do rượu và ngay cả xơ gan do nguyên nhân khác. Bỏ rượu bia hoàn toàn sẽ hạn chế bớt yếu tố gây tổn thương gan, nhờ đó làm chậm tiến trình xơ hóa gan.
- Giảm cân: Những người bị xơ gan do bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có thể trở nên khỏe mạnh hơn nếu họ giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu.
- Sử dụng thuốc để kiểm soát viêm gan siêu vi: Thuốc có thể hạn chế tổn thương thêm các tế bào gan do viêm gan B hoặc C gây ra thông qua việc điều trị cụ thể các loại virus này.
- Sử dụng thuốc kiểm soát các nguyên nhân và triệu chứng khác của xơ gan: thuốc trị xơ gan có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Trường hợp xơ gan mật nguyên phát được chẩn đoán sớm, sử dụng thuốc có thể làm chậm đáng kể sự tiến triển thành xơ gan.
- Một số loại thuốc để làm giảm triệu chứng xơ gan như ngứa da, mệt mỏi và đau bụng. Các chất bổ sung dinh dưỡng có thể được kê đơn để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng liên quan đến xơ gan và ngăn ngừa loãng xương.
- Điều trị xơ gan do bệnh Wilson (tích lũy đồng) theo phác đồ dành riêng cho bệnh Wilson (D-penicillamin, kẽm,…).
Điều trị các biến chứng của xơ gan #
Trường hợp xơ gan đã phát triển các biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị cụ thể tùy vào loại biến chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng.
- Điều trị biến chứng cổ trướng, phù nề: Chế độ ăn ít muối (natri) và sử dụng các loại thuốc có tác dụng lợi tiểu, truyền albumin,… có thể giúp kiểm soát triệu chứng. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể cần thực hiện các thủ thuật để dẫn lưu dịch ổ bụng hoặc giảm áp lực tĩnh mạch cửa bằng kỹ thuật thông nối tĩnh mạch cửa của gan và tĩnh mạch chủ trên.
- Điều trị biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Một số loại thuốc huyết áp có thể giúp kiểm soát tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa và ngăn ngừa xuất huyết tiêu hóa. Bác sĩ có thể chỉ định nội soi tiêu hóa trên định kỳ để phát hiện sớm các tĩnh mạch giãn trong thực quản hoặc dạ dày có thể chảy máu.
- Điều trị biến chứng nhiễm trùng: Thuốc kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị nhiễm trùng khác sẽ được bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, người bệnh nên tiêm phòng cúm, viêm phổi và viêm gan.
- Phòng ngừa ung thư gan: Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tầm soát ung thư gan định kỳ để phát hiện các dấu hiệu ung thư gan.
- Bệnh não gan: Một số loại thuốc kê đơn có tác dụng giảm tình trạng tích tụ chất độc trong máu do chức năng gan kém.
Phẫu thuật cấy ghép gan #
Trong những trường hợp xơ gan tiến triển khiến gan mất khả năng hoạt động, ghép gan là lựa chọn điều trị duy nhất của người bệnh xơ gan mất bù nặng. Ghép gan cho người bị xơ gan là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ gan và thay thế bằng gan người hiến tặng.
Tại Việt Nam, ghép gan đã được tiến hành cho bệnh nhân tại một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Quan trọng của phương pháp ghép gan là tìm được nguồn gan cho (ghép một phần gan của người thân cho hoặc ghép gan nhận từ bệnh nhân chết não hiến tặng).
Thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà #
Một số phương pháp giúp hạn chế tổn thương gan và cải thiện triệu chứng ở người bệnh xơ gan như:
- Ngừng uống rượu.
- Ăn lạt, nên sử dụng các loại thảo mộc để làm gia vị thay vì dùng muối.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: bổ sung chất xơ từ rau củ, trái cây, ăn nhiều chất đạm dễ tiêu có trong các loại đậu, thịt gia cầm hoặc cá, hạn chế ăn hải sản sống.
- Hạn chế bị nhiễm trùng.
- Sử dụng thuốc không kê đơn theo chỉ định của bác sĩ: người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc, phác đồ điều trị xơ gan nào.
Những điểm cần lưu ý #
Phương pháp phòng ngừa bệnh xơ gan #
Để ngăn ngừa bệnh xơ gan mọi người nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, thói quen sinh hoạt khoa học cũng như chủ động phòng tránh các nguyên nhân có thể gây xơ gan:
- Hạn chế sử dụng rượu: Kiểm soát lượng rượu tiêu thụ và tần suất sử dụng rượu bia phù hợp để không gây hại cho sức khỏe. Trường hợp đã mắc bệnh về gan, người bệnh cần kiêng hoàn toàn rượu bia.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tránh các hành vi nguy cơ cao làm lây nhiễm viêm gan B hoặc C, chẳng hạn như tiêm chích ma túy hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan A và B (đặc biệt là viêm gan B).
- Kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ.
Hạn chế uống rượu bia giúp ngăn ngừa bệnh xơ gan. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Những điều cần lưu ý về bệnh xơ gan #
- Xơ gan là giai đoạn cuối của sẹo (xơ hóa) gan do nhiều bệnh lý và tình trạng ở gan gây ra như viêm gan và lạm dụng rượu.
- Xơ gan thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng. Triệu chứng xơ gan tiến triển có thể xuất hiện như cổ trướng, vàng da, xuất huyết tĩnh mạch, bệnh não gan,…
- Chẩn đoán xơ gan mất bù chính xác, dễ dàng thông qua hỏi tiền sử bệnh, khám sức khỏe tổng quát và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Xơ gan còn bù thường không được phát hiện sớm do bệnh xơ gan không gây ra triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn này.
- Tiên lượng sống của người bệnh xơ gan phụ thuộc vào mức độ tổn thương ở gan. Một nghiên cứu theo dõi kéo dài 15 năm ở Na Uy, hơn 100 người bị xơ gan do rượu nặng cho thấy 71% số người trong nghiên cứu đã tử vong trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán. Tỷ lệ tử vong trong 15 năm sau khi được chẩn đoán là 90%.
- Uống rượu thường xuyên và người cao tuổi có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn ở những người bị xơ gan.
- Đây là một nghiên cứu hạn chế, nhưng nó cho thấy rằng xơ gan là một tình trạng nghiêm trọng, làm giảm nghiêm trọng tuổi thọ và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Bệnh xơ gan có lây nhiễm không? #
Xơ gan có thể lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Khi người bị nhiễm virus viêm gan từ người bệnh xơ gan thì khả năng tiến triển thành viêm gan virus mạn tính và nguy cơ xơ gan là rất cao.
Bệnh xơ gan có rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân do viêm gan B và C lây truyền qua đường máu như sử dụng chung bơm kim tiêm, từ mẹ sang con hay qua đường tình dục không an toàn.