Xử trí vết thương trầy xước, ngã xe

Rửa oxy già hoặc cồn trực tiếp vào vết thương có thể để lại sẹo xấu; nên rửa bằng muối sinh lý hoặc kết hợp với Povidine pha loãng.

Nhiều trường hợp tai nạn giao thông ngã xe cày chân xuống đường gây ra vết thương, xây xát da vùng gối, bàn chân, cổ chân, bàn tay… Thường những vết thương này bạn không cần phải vào bệnh viện điều trị mà có thể tự chăm sóc tại nhà.

Không ít bệnh nhân đến khám vết xây xát da sau 2-4 tuần trong tình trạng đau nhức, bàn chân sưng nề viêm tấy mủ, bề mặt vết thương khô đóng cứng, đau đớn không đi lại được… Nguyên nhân đôi khi là do cách xử trí sai lầm ban đầu như đổ oxy già lên vết thương, rắc thuốc kháng sinh, đắp lá thuốc, bôi povidine đậm đặc… và quan niệm “để hở vết thương cho vết thương mau khô lành”.

Ảnh minh họa.

Vết thương trầy xước nếu không xử trí đúng cách có thể gây sưng nề, sẹo xấu… Ảnh minh họa.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết, thông thường sau khi bị tai nạn, có vết thương xây xát da dơ, nên xử trí theo các bước như sau:

– Mở vòi nước sinh hoạt ở nhà cho chảy liên tục lên vết thương vừa giúp giảm đau và dòng chảy nước sẽ làm trôi đất cát dơ. Có thể làm sạch tạm thời vết thương dưới dòng nước chảy bằng xà phòng tắm.

– Rửa lại vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc kết hợp với Povidine pha loãng.

– Đắp gạc Urgotul, hoặc bôi kem Silvirin, hoặc bôi dầu mù u, hoặc kem có kháng sinh (Fucidine, Tetra…).

– Sau đó đắp gạc vô trùng lên vết thương, dán băng keo (không băng quấn vết thương quá kỹ). Mục đích là tạo một lớp ẩm trên bề mặt vết xây xát da, giúp không đau, vết thương mềm mại không đóng mày khô, mau lành, hạn chế sẹo xấu.

“Chú ý nếu rửa oxy già hoặc cồn hay Povdine trực tiếp lên vết thương sẽ làm tổn thương các mô hạt, tế bào da… làm vết thương lâu lành sẹo xấu. Ngoài ra nếu để đóng mày khô, dịch viêm không thoát ra được dễ làm viêm nhiễm vết thương, nhiễm trùng nặng nề…”, bác sĩ Xuân Anh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Xuân Anh, nên thay băng ngày một lần, có thể đổ nước muối hoặc nước máy lên vết thương trước khi thay băng giúp gạc không dính vào vết thương lúc tháo băng ra. Nếu vết thương dơ, viêm đỏ nên đi khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng, uống kháng sinh, kháng viêm.

Trường hợp vết thương đóng mày khô không cần phải tiểu phẩu, bạn có thể tự xử lý để vết thương tróc hết mày khô và không gây đau nhức. Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý pha Povdine ngày một lần, bôi kem Biafine hoặc Silvirin dày lên vết thương, băng kín vết thương sạch. Sau vài ngày vết thương sẽ mềm ra và tróc hết mày khô. Sau đó tiếp tục thay băng bôi kem hoặc đắp gạc Urgotul, băng vết thương lại, giữ vết thương trong môi trường ẩm sẽ mau lành và sẹo đẹp.

Lê Phương