Xuân Quý Mão tìm lại thú chơi tranh Tết của người xưa
Thứ Sáu 20/01/2023 , 11:25 (GMT+7)
Xuân Quý Mão dù con người đã sốt ruột với những tiện nghi, vẫn còn nguyên ý niệm ‘dù ai buôn bán trăm nghề, nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh’.
Tranh Tết dân gian.
Xuân Quý Mão, đúng như các cụ xưa ta không chỉ nói “Ăn Tết”, mà còn nói “Chơi Tết”. Xuân Quý Mão, cái thú chơi Tết đầu tiên vẫn theo quan niệm “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”. Cái tinh của đời xưa dồn tụ vào hai cái thú đầu tiên đó là tranh kèm chữ 12 con giáp. Ai hợp tuổi nào thì chơi tranh và chữ con đó. Kẻ chợ làng nào cũng nhắn nhau vội vã vào xuân rằng: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh”
Thực ra buôn bán tranh con giáp ngày tết chẳng mấy lời lãi. Nhưng đem lại sự giầu có về tinh thần cho mọi người là niềm an ủi lớn nhất trong mỗi phiên chợ. Bức tranh con giáp nào cũng có chữ chia sẻ chúc tụng sự sung túc và cầu được ước thấy cho bất cứ ai. Cùng những người bán tranh ở chợ quê bao giờ cũng có những ông đồ ngồi kế bên. Họ cùng giảng giải những con chữ bên hình con Giáp. Những ai tới xin chữ, ông đồ lại hồi hởi mài mực khởi bút tạo nên đường nét như rồng bay phượng múa. Yêu nhất là bọn trẻ cứ xúm xít chọn tranh, chọn chữ cùng những lời răn trên tranh. Mà chữ cũng là tranh tượng hình ẩn chứa những niềm vui trong từng đường nét.
Chữ trong tranh con Giáp thường là thơ, câu đối hay tục ngữ với ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống. Đắt hàng nhất là tranh chúc phúc, tiến tài tiến lộc và vinh hoa phú quý. Mà tranh con Giáp của những làng tranh như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng (phía bắc) hay Làng Sình (Huế)…mỗi nơi một vẻ. Cùng một hình tượng con Giáp nhưng lại có sự biểu tượng hay cách điệu với đường nét độc đáo.
Từ xuân Quý Mão nhìn lại quá khứ, càng hiểu vì sao người xưa chơi tranh là phải chơi từ cổng vào nhà lên tới bàn thờ. Nghĩa là cổng cũng có tranh con giống mang ý nghĩa Tiến tài, Tiến lộc với mong muốn đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ. Trong nhà thường chơi tranh trâu bò, lợn gà với các đề tài như: “Mèo và đám cưới chuột”, “Mẹ con đàn gà”, “Mẹ con đàn lợn”, “Chăn trâu thổi sáo”. “Mã đáo thành công”…
Mỗi con Giáp đều có những hình tượng khác nhau và có thể yêu cầu viết chữ theo sự cầu mong của từng người trong gia đình. Những người chơi tranh gà không thể không nhắc tới bức tranh rất nổi tiếng: Bộ đôi “Gà dạ xướng”. Tranh gà luôn xuất hiện trên các dòng tranh ở các vùng miền khác nhau. Vế trái vẽ một chú gà trống đứng co chân với nét cách điệu từ lông tới cánh, đuôi và mào gà đều rất đẹp. Phụ đề chữ bên cạnh bằng chữ nôm thảo bay bướm: “Dạ xướng ngũ canh hòa” (Đêm gáy 5 canh đều đặn). Bên vế phải cũng chú gà trống đó in đối xứng và có phụ đề: “Nhật minh tam tác thụy” (Ngày mang tới ba điều lành).
Chơi tranh con giáp không chỉ là chuyện cho vui cửa vui nhà mà còn là những ước vọng và triết lý sống toát lên sau một nét vẽ và con chữ kèm theo. Trong số con giáp khó vẽ nhất là con rắn và con chuột vậy mà tranh dân gian xưa lấy ý tả hình và lấy hình dẫn chuyện tạo nên bức tranh đẹp kỳ thú. Bức tranh cổ “Mèo và Đám cưới chuột” được tồn tại và ai cũng thấu được câu chuyện và ý nghĩa của nó về nhân tình thế thái. Lấy đó mà suy tư mà ứng xử. Nhìn tranh mà thấm sự tình sau những tiếng kèn tiếng trống rầm rĩ mừng vui là nỗi đời nhân quả truyền tụng: “Khôn khổn khồn khôn đã có đuôi/ Đỗ cao cưới vợ tiếng rầm trời/ Chú mèo vừa mới nghiêng đầu ngó/ Lễ cá sai quân đệ tới nơi”.
Tranh Tết của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Ngoài dòng tranh dân gian giấy điệp về con giáp. Không ít họa sĩ đã tiếp thu truyền thống ông cha tạo dựng những hình tượng con giáp hàng năm góp phần cho thú chơi tranh tết thêm phong phú. Có thể nói đây là những dòng tranh con giáp mang dáng dấp thị thành độc đáo. Người thưởng thức không bị ước lệ ràng buộc như dòng tranh dân gian. Hình tượng và sắc màu của những họa sĩ tạo hình rất huyền ảo và giầu cảm xúc.
Đầu tiên phải nói tới họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông là người khởi xướng ra dòng tranh con giáp chơi tết ở Hà Nội. Vào giữa thập niên 50 thế kỷ trước họa sĩ Bùi Xuân Phái chỉ vẽ chơi trên bưu thiếp để tặng bạn đến chúc tết. Năm con giáp nào thì ông vẽ con đó. Nhiều khi rảnh ông vẽ cả xấp con giáp năm tới và cất trong ngăn kéo. Bất cứ ai tới thăm chúc tết là ông tặng làm quà mừng lại.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng ngại vẽ chuột hay rắn hoặc cả rồng có lẽ hình vẽ trong một tấm bưu thiếp bằng bàn tay rất khó đẹp. Nên vào những năm đó như Tỵ, Thìn, Tý là ông lại biến tấu thành hoa và cô gái. Độc đáo vào năm Thìn có lần ông vẽ cô gái khỏa thân ôm hoa, hoặc lại có khi vẽ tĩnh vật và đề lời chúc tết. Thậm chí có vài cái tết họa sĩ Bùi Xuân Phái còn vẽ họa theo bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên. Có lẽ chính vì sự biến tấu này mà nhiều họa sĩ khác ngoài kế thừa ý tưởng vẽ con giáp của ông họ còn vẽ thêm hình bóng người đẹp bên hoa hoăc đi chợ hoa ngày trong những xuân.
Mấy năm sau người chơi tranh tết rất vui khi biết họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cũng trình làng bộ tranh 12 con giáp rất độc đáo. Trong đó ông có một số bức tranh mèo (Mão) rất ấn tượng. Nếu ở họa sĩ Bùi Xuân Phái chỉ vẽ 12 con giáp trong bưu thiếp xinh xinh thì ở Nguyễn Tư Nghiêm lại có sự đầu tư mạnh dạn hơn. Những bức tranh con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm đẹp và tạo hình sâu sắc đem lại cho người chơi thật sự rung động. Đáng chú ý ông đã vẽ con giáp trên giấy dó tạo nên nét phóng khoáng và gần với hội họa truyền thống. Ông thương vẽ hình tượng con giáp tràn lấp trong khung hình tạo nên cảm giác chuyển động như những nét điêu khắc dân gian trong các đình chùa. Sắc thái miêu tả con giáp khi thì dũng mạnh (hổ), uyển chuyển (rồng) hoặc ngộ nghĩnh (gà, lợn)…
Ai cũng thú vị và nhớ đến bức tranh năm Tuất của Nguyễn Tư Nghiêm với bức tranh chú chó. Đây là hình chú chó với tư thế đứng canh vững chãi với bốn chân đứng thẳng dựng cao. Riêng đôi mắt lại khuất trong bóng tối. Bố cục tạo hình có sự cách điệu và tạo nên các khối phân lập chuyển động toát lên một không khí rình rập bao trùm khung cảnh. Vì thế người xem cũng bị cuốn hút bởi không gian ẩn giấu kịch tính phía sau. Đó chính là không gian nhiệm mầu “Vô ngôn- Vô hình” qua những bức tranh con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm.
Tranh Tết của họa sĩ Nguyễn Sáng.
Bên cạnh họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm còn có những họa sĩ nổi tiếng khác cũng vẽ tranh con giáp rất thành công với phong cách khác nhau có thể kể đến những cái tên như Nguyễn Sáng, Nguyễn Bích, Sĩ Ngọc. Đặc biệt phải kể đến bác tranh “Đôi mèo” của Nguyễn Sáng. Bằng nghệ thuật trừu tượng nhưng hình tượng mèo của ông lại ám ảnh người xem qua phong vị dân gian sơn mài truyền thống. Kế tiếp lớp trước không ít họa sĩ đã dấn thân với dòng tranh 12 con giáp hàng năm như họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng, Khổng Đỗ Duy, Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Phạm An Hải…
Nổi bật trong số đó hai họa sĩ Thành Chương và Lê Trí Dũng có những thành công đáng kể. Họ đã dành nhiều thời gian vẽ tranh 12 con giáp. Họa sĩ Thành Chương thật sự xuất sắc với hình tượng con Trâu (Sửu) với những bố cục và ý tưởng bất ngờ. Ngược lại Lê Trí Dũng lại thể hiện tài năng sáng tạo qua hình tượng con ngựa (Ngọ). Hình tượng trâu của Thành Chương thể hiện qua phong cách hiện đại. Thành Chương khám phá ở nhiều góc độ rất kỳ lạ đầy biểu cảm thâm trầm, thấm đẫm sắc thái thiền tự phiêu linh.
Trong khi đó Lê Trí Dũng lại bay bổng, rạo rực nội lực qua những thế ngựa phi nước đại. Tranh của Lê Trí Dũng gần với nét chuyển động của tranh dân gian ở nhiều góc độ rộng mở. Họa sĩ Thành Chương và Lê Trí Dũng thật sự tài hoa trong bộ tranh con Ggáp của mình. Hai anh cùng với những đồng nghiệp luôn có những sự đổi mới với dòng tranh 12 con giáp.
Xuân Quý Mão, thú chơi tranh tết càng phổ biến sâu rộng trong đời sống xã hội. Giờ đây những người sưu tầm có nhiều sự lựa chọn phù hợp với sở thích và tuổi mỗi năm. Nghệ thuật tranh 12 con giáp luôn hấp dẫn đối với người chơi bởi yếu tố tâm linh và và các phong cách nghệ thuật đa dạng. Mỗi bức tranh con giáp đều mang lại sự may mắn và lấp lánh khát vọng “Một năm một gánh trường sinh đến nhà” (Lời ghi trên tranh Đông Hồ).