Xung quanh việc “xóa tên” Bảo tàng Văn hóa Huế

Bảo tàng Văn hóa (BTVH) Huế, tại số 23-25 Lê Lợi, TP Huế, đã được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Tuy nhiên, bảo tàng này đã bị xóa mất tên gọi sau khi sáp nhập…

Được thành lập từ năm 2012, trụ sở là 2 ngôi nhà cổ có kiến trúc kiểu Pháp độc đáo, BTVH Huế là nơi trưng bày nhiều hiện vật giàu giá trị văn hóa lịch sử gắn liền với vùng đất Huế, trong đó có hệ thống văn bản Hán – Nôm, hiện vật văn hóa Chăm, đồ đồng, đồ gốm… cùng rất nhiều tư liệu ảnh, hiện vật thuộc nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. 

Đến ngày 12/3/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VHTT&TT) TP Huế trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị, gồm: Đài Truyền thanh TP Huế; BTVH Huế và Trung tâm VH&TT TP Huế. Việc sáp nhập này đồng nghĩa BTVH Huế bị xóa tên, chỉ còn lại một tổ chuyên ngành thực hiện công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật trực thuộc Trung tâm VHTT&TT TP Huế.

Bảo tàng Văn hóa Huế bị “xóa tên” sau 8 năm hoạt động.

Hoạt động trong 8 năm (từ năm 2012 đến 2020), BTVH Huế đã thực hiện trưng bày các chuyên đề đặc sắc, độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa vùng đất Cố đô, với các chủ đề, như Tết Huế, Tinh hoa Đông y Huế, Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế, Đám cưới truyền thống Huế. Đặc biệt, nơi đây từng diễn ra đêm Văn hóa “Tịnh Yến: Quyền năng phụ nữ và bản sắc văn hóa”, là hoạt động bên lề song hành cùng Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 tổ chức tại TP Huế… 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng, việc “bỏ tên” BTVH Huế để trở thành một bộ phận nghiệp vụ trưng bày triển lãm trực thuộc Trung tâm VHTT&TT TP Huế có thể là do quy định về tổ chức bộ máy của một thành phố thuộc tỉnh thì không thể có Bảo tàng. Tuy nhiên, đây là cách làm máy móc, bởi lẽ những đơn vị tư nhân, cá nhân nếu có đầy đủ bộ sư tập có giá trị thì họ vẫn được quyền thành lập bảo tàng tư nhân, nói gì đến một thành phố, vốn là Cố đô và vùng đất di sản. 

“Dù đã xóa tên BTVH Huế thì UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn nên là đơn vị quyết định thành lập BTVH Huế trực thuộc tỉnh; có thể chọn giải pháp chuyển BTVH Huế về Sở VH&TT tỉnh quản lý. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho Bảo tàng phát huy giá trị, hoàn toàn phù hợp với định hướng của Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành Đô thị Di sản cấp quốc gia trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế”, ông Hoa nói.

Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho hay, dù không còn tên gọi BTVH Huế, nhưng trong thời gian tới, các hoạt động của bộ phận trưng bày, triển lãm vẫn được tiếp tục thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát huy các hoạt động trước đây của Bảo tàng. Các bộ sưu tập hiện có của Trung tâm VHTT&TT TP Huế liên quan đến văn hóa dân gian Huế với mục đích giới thiệu về văn hóa, con người Huế sẽ được tiếp tục lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đưa vào trưng bày, triển lãm theo từng chuyên đề khác nhau nhằm tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, lịch sử.