Ý nghĩa của phong tục tảo mộ ngày cuối năm của người Việt

Phương Thảo

  –  

Thứ bảy, 29/01/2022 15:56 (GMT+7)

Tảo mộ là phong tục để thể hiện sự thành kính, lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên vào dịp cuối năm.

Ý nghĩa của phong tục tảo mộ ngày cuối năm của người Việt
Ý nghĩa của phong tục tảo mộ trước Tết. Ảnh LĐO

Cứ vào những ngày cuối năm, các gia đình lại chuẩn bị cùng nhau đi làm lễ tảo mộ.

Tảo mộ hay còn được gọi là chạp mả, là việc dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên vào ngày trước Tết. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ xong, con cháu sẽ đem hương hoa, lễ vật đến và thắp hương để mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng gia đình.

Đây chính là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, sum vầy và giãi bầy những tâm tư, tình cảm với những người đã khuất trong một năm vừa qua.

 Tảo mộ có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà.

Tảo mộ còn có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông”.

Lâu dần, tảo mộ đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đặc trưng riêng của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Vì vậy dù có đi xa nhưng vào mỗi dịp Tết, người dân Việt Nam đều dành thời gian trở về quê hương để thăm viếng phần mộ của người đã khuất

Khi đi tảo mộ cần chuẩn bị: Nến, trà, rượu, nước, tiền vàng, trầu cau, nhang và trái cây. Các gia đình có thể chuẩn bị lễ chay hoặc lễ mặn. Đối với lễ chay, cần chuẩn bị thêm bánh, gạo, muối, chén mật, xôi chè. Lễ mặn sẽ có thêm chân giò, gà luộc hoặc giò.

Lễ vật đem đi tảo mộ không cần quá cầu kỳ nhưng cần phải thể hiện được sự thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Ngày tảo mộ thường diễn ra từ ngày 20 tháng Chạp đến tối 30 Tết tùy theo truyền thống của từng gia đình.

Khi đi tảo mộ, cần lưu ý: Không được giẫm đạp lên mộ, không làm xáo trộn phần mộ, không được nói tục, chửi bậy,…

Xổ số miền Bắc