Ý nghĩa, nguồn gốc ngày Tết Nguyên đán ít người biết
Mục lục bài viết
Vì sao gọi là Tết Nguyên đán?
Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Tết đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Bên cạnh đó là khao khát sự trường tồn cuộc sống, sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân, sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Nguyên đán còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp.
Tết Nguyên đán còn được gọi với nhiều tên khác nhau như Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới hay chỉ đơn giản là Tết. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như “Tết Táo Quân” (23 tháng Chạp âm lịch) và “Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng Chạp âm lịch).
Vì sao gọi là Tết Nguyên đán là thắc mắc của nhiều người. Có thể hiểu đơn giản rằng nguyên nghĩa của chữ “Tết” chính là “tiết”. Hai chữ “nguyên đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên đán”.
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Tết Nguyên đán được người Việt Nam gọi với cái tên rất thân thương “Tết Ta”, là để phân biệt với “Tết Tây” (Tết Dương lịch). Còn người Trung Quốc gọi Tết Nguyên đán ngày nay là Xuân tiết, Tân niên hoặc Nông lịch tân niên.
Bên cạnh đó cũng có những thuyết cho rằng: Văn hóa Việt – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong 1 năm thành 24 tiết khác nhau và ứng với mỗi tiết này đều có một thời khắc “giao thời” trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, chính là Tiết Nguyên đán.
Rồi về sau, do sự phát triển vượt bậc của ngôn ngữ nên chữ “tiết” được Việt hóa thành “Tết” và hình thành nên tên gọi Tết Nguyên đán như ngày nay.
Nguồn gốc Tết Nguyên đán
Cho tới thời điểm này, Tết Nguyên đán có nguồn gốc thế nào vẫn còn là vấn đề có nhiều kiến giải khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là quan niệm khẳng định nguồn gốc thuần Việt của Tết Nguyên đán – trước khi chính tên gọi này được du nhập và sử dụng để gọi tên cho ngày Tết Việt.
Theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì kể từ trước thời các Vua Hùng, người Việt Nam đã có tập tục ăn Tết, tức là trước cả thời Bắc thuộc.
Khổng Tử là bậc “thánh nhân” của lịch sử Trung Quốc từng đề cập tới trong cuốn Kinh Lễ rằng “Ta không biết Tết là gì chỉ nghe là đây là tên của 1 lễ hội lớn của người Man. Vào những ngày đó, họ thường nhảy múa, uống rượu và ăn chơi”.
Ngoài ra, trong sách Giao Chỉ Chí cũng chép lại rằng “Người Giao Quận thường tập trung thành từng hội nhóm nhảy múa, hát ca, ăn uống vui chơi trong nhiều ngày liền để mừng 1 mùa cấy trồng mới. Không chỉ có người làm nông, cả những người của Chúa động, Quan lang đều tham gia vào lễ hội này”.
Từ những tài liệu sử sách này có thể thấy, thực chất Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam. Do cùng sử dụng lịch âm (còn gọi là lịch âm dương, lịch mặt trăng) nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam và Trung Quốc có điểm tương đồng, nhưng vẫn có nhiều nét riêng của từng quốc gia.
Ý nghĩa sâu xa của Tết Nguyên đán
Trong quan niệm của người Việt nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung, thời điểm Tết Nguyên đán không những thể hiện sự giao thoa giữa trời đất và con người với thần linh mà đây cũng chính là thời điểm đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi dịp Tết đến xuân về, câu hát “Dù đi đâu ai cũng nhớ/Về chung vui bên gia đình” lại vang lên trong lòng những người con xa xứ.
Vào dịp này, mặc dù làm bất cứ nghề nghiệp nào, bất cứ nơi đâu, mọi người đều mong muốn được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong những ngày Tết. “Về quê ăn Tết” không còn là khái niệm gì xa xôi với những người đi làm ăn xa, đây còn là cuộc hành hương để tìm về với nguồn cội, nơi mà mình đã chôn rau cắt rốn.
Tết Nguyên đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng liêng trang trọng, nhằm tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, với những lời cầu chúc về một năm mạnh khỏe, sinh sôi, mưa thuận gió hòa… là sự khởi đầu về ý thức hệ nông nghiệp và lan rộng trong đời sống tâm linh người Việt.
Cũng theo người Việt, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trọng những giá trị về nguồn cội. Trong đời sống tâm linh người Việt, có niềm tin bất diệt rằng vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ nhằm chứng kiến lòng thành của con cháu, từ đó phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và an khang trong một năm.
Trong những ngày Tết, con người trở nên gần gũi với nhau hơn, ai cũng muốn vui vẻ, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới. Đây cũng là thời điểm hòa giải lý tưởng cho những bất đồng mâu thuẫn giữa người với người trong cuộc sống.