Ý nghĩa những món ăn truyền thống ngày Tết Nguyên đán
Điều này không chỉ thể hiện sự no ấm, thịnh vượng mà còn hàm chứa mong ước về một năm mới đầy đủ, phát đạt. Những món ăn ngày Tết tuy đơn giản nhưng lại được ông cha ta gửi gắm vào đó biết bao ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Mục lục bài viết
Bánh chưng, bánh tét: Biết ơn tổ tiên, nguồn cội
Nhắc đến ý nghĩa của các món ăn Việt Nam không thể không nhắc đến bánh chưng, bánh tét. Bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Mâm cỗ ngày Tết ở cả 3 miền đều không thể thiếu món này. Được ví như linh hồn của bữa cơm ngày Tết, gói ghém cả nền văn minh nông nghiệp lúa nước”, bởi nguyên liệu của bánh chưng, bánh tét là từ gạo nếp, thịt lợn và đỗ xanh. Đây đều là những nguyên liệu sẵn có của mọi nhà, thể hiện lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho con người.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, câu chuyện về sự ra đời của bánh chưng còn thể hiện chữ hiếu của người con với cha mẹ, tổ tiên. Vì vậy, bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết có ý nghĩa mang đến lời chúc sung túc và may mắn trong năm mới.
Gà luộc: Cầu gì được nấy, phúc đức đủ đầy
Mâm cỗ truyền thống của người Việt Nam không thể thiếu gà luộc và mâm cỗ Tết cũng vậy. Không chỉ là lễ vật bắt buộc khi dâng cúng, đĩa gà luộc còn tăng vẻ trang trọng cho bữa ăn, nhất là khi nhà có khách. Đặc biệt, ý nghĩa của món gà luộc còn tượng trưng cho cuộc sống ấm no, an khang.
Ảnh minh họa
Thông thường gà sẽ được luộc nguyên con trước là để cúng tổ tiên, sau cũng là để đoán vận mệnh qua chân gà luộc. Gà sau khi cúng được chặt miếng thật đẹp, ăn cùng lá chanh, muối tiêu.. Đây được coi là món ăn “phải có” trong ngày Tết của người miền Bắc nói riêng và người Việt nói chung. Người ta tin rằng, đầu năm mới khi ăn gà luộc sẽ giúp gia đình bạn có một năm mới thuận buồm, xuôi gió.
Thịt đông: Trong trẻo an lành, tình duyên tốt đẹp
Thịt đông là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình Việt Nam trong dịp Tết, đặc biệt là người dân vùng Bắc Bộ. Trong cái se lạnh của tiết trời Bắc Bộ, miếng thịt đông nhừ tươm cùng dưa hành là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết. Món thịt đông thường bao gồm thịt lợn, bì, chân giò hoặc có thể là thịt gà. Sau khi nấu, muốn nồi thịt đông ngon, người nấu bắt buộc phải đậy kín vung, đem phơi sương cho nồi thịt hấp thụ tinh hoa đất trời, như thế mới làm nên hương vị đặc biệt của nồi thịt đông.
Ảnh minh họa
Trong đó, phần thịt trong như thạch thể hiện cho sự an lành và trong trẻo suốt cả một năm mới. Sự hòa quyện, gắn kết giữa thành phần của món ăn một cách tự nhiên, đẹp mắt như một lời chúc may mắn cho những ai đang và sẽ yêu.
Giò, chả: Trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà
Giò chả là món ăn thường xuyên góp mặt vào mâm cỗ ngày Tết. Giò chả thường được cắt miếng bày thành hoa rất đẹp mắt. Giò chả chính là biểu tượng của phúc lộc. Có 3 loại giò đặc trưng và phổ biến là giò lụa, giò bò và giò xào. Mỗi loại giò mang đến hương vị riêng nhưng điều quan trọng để món giò chả thực sự hấp dẫn là mùi thơm của lá chuối, vị nước mắm ngon hòa quyện trong miếng giò.
Ảnh minh họa
Ông cha ta quan niệm rằng miếng giò tượng trưng cho sự phú quý và giàu sang. Một miếng giò hòa quyện cùng nước mắm nhĩ điểm thêm miếng dưa hành là những hương vị truyền thống khó quên trong dịp Tết Nguyên đán.