Yên Bái: Triển khai hiệu quả các đề án bảo tồn giá trị di sản văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch

dt-3092022810-vong-xoe1-1668870926.jpg
Ảnh minh họa/Nguồn: Báo Yên Bái

Hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh được chú trọng bảo tồn, phát huy. Xây dựng, triển khai hiệu quả các đề án bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đã tiến hành bảo tồn 04 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; một số di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, bước đầu khai thác, phát huy hiệu quả gắn với phát triển du lịch địa phương.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ban Văn nghệ – Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phim tài liệu “Xòe Thái – Vũ khúc của núi rừng”. Phim đã được phát sóng trên kênh VTV1 vào tháng 5/2022 với những hình ảnh chân thực giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Nghệ thuật xòe Thái, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc và nêu bật những giải pháp để bảo tồn và phát huy di sản trong xã hội đương đại.

Với vai trò là Trưởng nhóm xây dựng Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình Unesco, tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 tại thị xã Nghĩa Lộ. Bên cạnh đó, các chuỗi hoạt động hưởng ứng đã được tổ chức rộng khắp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ thuật Xòe Thái.

Các di sản văn hóa được sưu tầm, nghiên cứu quảng bá, giới thiệu phổ biến rộng rãi, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, bước đầu hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa các tộc người, thu hút du khách trong vào ngoài nước đến với tỉnh Yên Bái, thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương. Các địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng, giới thiệu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa các dân tộc để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Phát huy các kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh sẽ giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hoá với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hoá tiêu biểu trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch xanh. Triển khai các đề án trọng tâm: Đề án “Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”; triển khai kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái…. gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng và từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa dành cho khách quốc tế, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của các di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với chuỗi sản phẩm du lịch trong vùng Tây Bắc, tạo nên hình ảnh, điểm đến đặc thù “Yên Bái – Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.

Xổ số miền Bắc