Ấm áp nồi bánh tét đêm giao thừa của ba
Hôm rồi nghe được câu chuyện quặn lòng của bác Sáu ở quê kể rằng từ mấy năm nay không còn nấu bánh tét nữa và năm nay cũng thế, tự dưng tôi thấy lo, cứ hỏi dò ba vì sợ đêm giao thừa nồi bánh tét của ba sẽ không đỏ lửa như các năm. Không biết có phải vì khí trời ở quê ngày cuối năm cứ se lạnh hay vì phải có mùi bánh tét phảng phất để cảm nhận rõ vị tết, như ba vẫn thường bảo khi chúng tôi còn nhỏ, mà thấy thèm nồi bánh tét cuối năm của ba đỏ lửa đến như vậy.
Câu chuyện quặn lòng về nồi bánh tét nhiều năm không đỏ lửa của bác Sáu bắt đầu từ một buổi cà phê sớm. Nhà tôi có quán cà phê nhỏ, chỉ để mỗi sáng ba cùng các bác, các chú ngồi nhâm nhi, xem thời sự sáng và bàn từ chuyện thế giới, đến chuyện trong nước và về gần hơn là chuyện của từng thửa ruộng, đám rau hôm qua mưa lớn thế nào, nắng hạn thiếu nước ra sao… Những ngày cuối năm, dẫu công việc bề bộn đến đâu, cứ 5 giờ sáng, các bác, các chú lại tranh thủ ghé đến uống cà phê sớm rồi mới về tất bật lo việc đồng áng cho hoàn tất.
Còn đang say giấc ngủ, nhưng tôi phải tỉnh giấc khi nghe bác Sáu kể năm nay cũng không nấu bánh tét vì mấy năm nay đã như thế rồi. Trong lời kể của bác Sáu tôi nghe sao xót xa: “Nấu ra mấy đứa có ăn nữa đâu, xong tết chỉ biết mang cho gà ăn. Không nấu bánh nhưng thấy nhớ, khi nhiều năm trước cứ tối cuối năm 2 vợ chồng trải chiếu nằm canh bên nồi bánh, cứ người ngủ, người thức rồi thay phiên nhau để xem nồi bánh. Nhưng ngày đó giờ xa quá rồi…”.
Có lẽ tuổi thơ của mỗi người ở miền quê đều lớn lên bên hương vị thân quen của mùi lá, mùi nếp trong từng đòn bánh tét được ba gói chặt với nhân bên trong là đậu xanh và thịt heo mỡ. Những lúc canh nồi bánh khói lửa cay xè mắt nhưng sao mấy anh em tôi cứ tranh nhau, vì trong nồi bánh ấy có thành quả của mấy anh em.
Cứ mỗi lần ba gói bánh là 2 anh em xúm lại rồi xin ba vài miếng lá, miếng nếp và nhân còn thừa ra để gói mỗi đứa cái bánh ú rồi bỏ chung vào nồi bánh tét của ba. Mỗi lần ba vớt bánh ra là cứ háo hức xem thành quả của mình thế nào. Cầm cái bánh nóng hổi trên tay, liên tục thổi và xuýt xoa, nghĩ lại vẫn thấy vị tết như đang phảng phất.
Bác Sáu còn nhiều kỷ niệm hơn chúng tôi, vì gần như 2/3 đời người đã gắn liền với vị tết thân thương đó. Sao mà không nhớ, không xót xa.
Câu chuyện của bác Sáu cũng như nhiều gia đình ở quê khiến tôi cứ lo. Nhưng hôm nay, đêm giao thừa, nồi bánh tét của ba đã đỏ lửa. Mùi lá ấy, mùi nếp quyện với thịt heo và đậu xanh ấy đã phảng phất khắp nhà tôi, mấy anh em tôi lại quây quần bên bếp, cảm nhận vị tết ấm đến nhường nào.
Trải qua một năm nhiều lo âu, ba mẹ chỉ mong ngóng ngày con cái trở về, để rồi nồi bánh của ba lại đỏ lửa. Dẫu mấy ngày tết chúng tôi không ăn nhiều bánh ba nấu nhưng đó lại là món ăn tuyệt đỉnh sau tết để ba mẹ gói ghém làm quà cho mấy anh em tôi mang đi thành phố.
Lọ mọ phơi, lau từng miếng lá gói bánh rồi lại nhóm bếp lửa, ba còn cẩn thận dặn chúng tôi thường xuyên canh nồi bánh để chêm thêm nước vào đúng lúc. Bánh phải nấu đủ thời gian, đủ lửa mới thơm ngon và để được lâu hơn, có như thế sau tết mới còn ngon như mới nấu để chúng tôi mang đi. Ba lại bảo: “Dẫu thế nào, dẫu ít hay nhiều thì tết vẫn phải gói và nấu bánh tét. Đó mới là vị tết các con ạ”.
Chúng con cảm ơn ba, vì nồi bánh tét đêm giao thừa của ba lại đỏ lửa, để tụi con cảm nhận rõ hơn vị tết. Một năm có khó khăn thế nào, được trở về quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm, cùng nhìn ba gói bánh rồi phụ ba canh nồi bánh, đó là niềm hạnh phúc rất lớn và là nguồn động lực mà chúng con luôn nghĩ về mỗi khi bôn ba với bộn bề nơi xứ người.