Ẩm Thực Ấn Độ Và Những Điều Chưa Biết
Một quốc gia đông dân và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo, ẩm thực Ấn Độ phản ảnh chân thật hiện thực đời sống xã hội. Món ăn đa dạng, phong phú, sử dụng nhiều hương liệu, màu sắc sặc sỡ, thói quen thưởng thức ẩm thực theo nghi lễ tôn giáo… đã tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với các tín đồ yêu thích ẩm thực trên thế giới đam mê, khám phá.
Lãnh thổ Ấn Độ sở hữu nhiều dạng địa hình từ đồng bằng cho đến đồi núi cùng nhiều miền khí hậu khác nhau đã làm nên sự đa dạng trong ẩm thực. Ở Ấn Độ, sự phân hóa về văn hóa ẩm thực diễn ra mạnh mẽ giữa Bắc Ấn và Nam Ấn. Hầu hết nguyên liệu sử dụng trong chế biến món ăn thể hiện bản sắc dân tộc, những kiêng kị theo từng tôn giáo khác nhau. Thực phẩm chính trong bữa ăn của người Ấn Độ là gạo và bột mì. Ngoài ra, còn có đậu lăng (hình dẹt, có nhiều loại: đỏ, vàng, đen) sử dụng cùng với cơm và bánh mì trong ít nhất hai bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Ấn Độ vừa là nước sản xuất vừa là nước tiêu thụ đậu lăng lớn nhất thế giới.
Mục lục bài viết
Ấn Độ – thiên đường của các loại gia vị
Ấn Độ sản xuất khoảng 2.5 triệu tấn gia vị và xuất khẩu khoảng 200.000 tấn mỗi năm. Ngoài được mệnh danh là xứ sở của tôn giáo, xứ sở của tâm linh, Ấn Độ còn được biết đến như thiên đường của các loại gia vị.
Ấn Độ là thiên đường của các loại gia vị và hương liệu
Gia vị là thành phần không thể thiếu trong món ăn của người Ấn Độ. Các loại gia vị quan trọng có thể kể đến như: ớt, mù tạc, lá thì là, nghệ, lá cà ri, gừng, rau mùi, cây a ngùy, garam masala, bột bạch đậu khấu, lá quế, đinh hương, lá nguyệt quế, lá bạc hà, hạt nhục đậu khấu, nghệ tây… Đặc biệt lá cà ri chính là gia vị làm nên nét cuốn hút cho món ăn của người Ấn. Cà ri thường được sử dụng ở dạng tươi, sấy khô hay xay nhuyễn thành bột tùy thuộc vào cách chế biến món ăn.
Người Ấn Độ không sử dụng những loại gia vị riêng rẽ mà kết hợp chúng với nhau thành một dạng hỗn hợp. Đặc biệt nhất phải kể đến bột cà ri, đó là sự tổng hòa của 5 thành phần chính: hạt thì là, bột nghệ, hạt mù tạt và bột ớt. Gia vị không chỉ giúp dậy mùi cho món ăn mà còn có tác dụng phòng chống một số căn bệnh và tăng cường sức khỏe cho người Ấn Độ.
Đặc trưng trong cách chế biến món ăn của người Ấn Độ
Tôn giáo chi phối mạnh mẽ đến cách chế biến món ăn của người Ấn. Người Hồi giáo không sử dụng thịt heo, người Hindu giáo lại không sử dụng thịt bò nên thịt gà, dê, cừu và các loại thủy hải sản là thực phẩm phổ biến tại Ấn Độ
Người Ấn cũng ăn cơm như các quốc gia phương Đông khác tuy nhiên cách nấu cơm của họ có nhiều khác biệt. Trước tiên gạo được xào với bơ hoặc dầu sau đó mới cho nước vào nấu, khi đã gần chín bắt đầu cho hương liệu vào như: tiêu, hạt cumin, quế… và các loại cá, thịt, rau củ.
Cà ri – linh hồn của ẩm thực Ấn Độ
Cà ri là món ăn làm nên vị thế của Ấn Độ trong lòng những người yêu ẩm thực thế giới. Mọi mặt của văn hóa Ấn Độ được phản ánh một cách rõ nét qua món ăn này. Cà ri ẩn chứa nét gì đó huyền bí trong mùi vị bởi sự kết hợp nhiều hương liệu làm người thưởng thức không thể phân biệt được đó chính xác là hương thơm loại nào. Cà ri xuất hiện thường xuyên trong bữa cơm của người Ấn Độ với rất nhiều vị khác nhau: cà ri trứng, hải sản, thịt băm, chả viên, gà, bắp cải khô, rau củ…
Những điều có thể bạn chưa biết về ẩm thực Ấn Độ
Tập tục ăn bốc được hình hành theo quan niệm truyền thống của người Ấn Độ, gạo chính là hạt ngọc ở đời do đấng tối cao ban tặng. Cho nên ngoài sự tiếp xúc bằng tay để thể hiện sự trân trọng không có thứ gì xứng đáng để chạm vào hạt gạo. Bên cạnh đó, người Ấn tin rằng năm ngón tay là tượng trưng cho năm yếu tố: trời, đất, không khí, lửa, nước. Khi ăn bằng tay, các dây thần kinh trên đầu ngón sẽ giúp kích thích tiêu hóa nhanh hơn, làm cho người ăn thấy ngon miệng và cảm nhận rõ các hương vị của nguyên liệu làm nên món ăn.
Người Ấn Độ có tập tục ăn bốc để thể hiện sự trân trọng với hạt gạo
Bơ sữa đã xuất hiện trong món ăn của người Ấn từ rất lâu. Vào những năm 1500 đến 1000 trước Công Nguyên thói quen uống sữa và dùng các món ăn chế biến từ sữa đã hình thành ở Ấn Độ. Sản lượng sữa trâu và sữa dê của Ấn Độ đứng hàng đầu thế giới. Sữa trâu nhiều axit béo và đạm, đặc biệt sữa dê rất được yêu chuộng vì có hàm lượng chất béo thấp nên rất bổ dưỡng.
Ăn chay đã xuất hiện tại Ấn Độ từ thời cổ đại với mục đích thanh lọc tinh thần theo quan điểm của Phật giáo. Người ăn chay không sát sanh dù trực tiếp hay gián tiếp để tránh tạo nghiệp và tìm sự bình yên trong tâm hồn. Ngày nay, xu hướng ăn chay phát triển nở rộ tại Ấn Độ theo mục đích tôn giáo, bảo vệ sức khỏe… Việc phân loại đồ ăn chay, mặn được quy định nghiêm ngặt trên các sản phẩm thức ăn đóng hộp tại Ấn Độ. Nếu bạn thấy trên bao bì đựng thức ăn có chấm tròn màu xanh là đồ chay, màu nâu là không chay. Thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald’s cũng đã đưa món chay vào thực đơn để chiều lòng người dân Ấn Độ.
Người Ấn Độ còn rất yêu chuộng các món ăn ngọt. Có một số nghiên cứu cho rằng đường có nguồn gốc từ Ấn Độ. Chữ “sugar” ở tiếng Anh hay “sucre” ở tiếng Pháp đều có nguồn gốc từ “sakhar” trong tiếng Phạn dùng để chỉ đường. Mặt khác, chữ “candy” chỉ kẹo trong tiếng Anh cũng xuất phát từ “khanda” của tiếng Phạn – nghĩa là mật mía. Tại Ấn Độ có cả một viện chuyên nghiên cứu về mía đường chứng tỏ rằng đường rất quan trọng và có giá trị trong nền văn hóa ẩm thực của Ấn Độ.
Cũng như nhiều nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng khác trên thế giới, văn hóa ẩm thực Ấn Độ chính là tiếng nói, là hơi thở, là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội và tinh thần của người dân. Ở đó, ta thấy một nền ẩm thực đa dạng phong phú các món ăn, sự tổng hòa của gia vị làm nên màu sắc riêng cho người Ấn và yêu tố tâm linh luôn chi phối mọi hoạt động ăn uống hằng ngày.
☆
☆
☆
☆
☆
Điểm: 4.08 (12 bình chọn)
Cảm ơn đã bình chọn!