Ẩm thực là gì? Lịch sử văn hóa ẩm thực Việt Nam xưa và nay – Kết Nối Ads
0/5 (0 votes)
Vậy văn hóa ẩm thực Việt Nam có gì đặc biệt? Việt Nam có những món ăn ngon nổi tiếng nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng mỗi vùng miền có những nét đặc sắc riêng, hương vị riêng. Để rồi dù là người Việt hay du khách nước ngoài khi nhắc đến ẩm thực Việt Nam người ta luôn nhớ đến hương vị ngọt lành và ấm áp trong đó.
1. Ẩm thực là gì?
Mỗi khi nhắc đến đất nước Việt Nam người ta không chỉ nhớ đến sự xinh đẹp, hiếu khách mà còn nhớ về nét ẩm thực nơi đây. Ẩm thực của người Việt không chỉ là những món ăn, công thức chế biến mà đây là một nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống.
Ẩm thực theo tiếng Hán Việt, thì Ẩm có nghĩa là uống, Thực có nghĩa là ăn, dịch ra có nghĩa là ăn uống. Là cách gọi của phương thức chế biến món ăn, nguyên lý pha trộn gia vị và những thói quen ăn uống nói chung.
Ẩm thực cũng có nghĩa là một nền văn hóa ăn uống của một dân tộc, trở thành một tập tục, thói quen, không chỉ là văn hóa vật chất mà còn là văn hóa tinh thần.
1.1 Văn hóa ẩm thực là gì?
Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa hình thành từ rất lâu và theo một cách tự nhiên, mà mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có một nét riêng. Điều tạo nên văn hóa ẩm thực của nỗi nơi phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu nơi đó mà có những món ăn đặc trưng hay những cách ăn uống không bao giờ nhầm lẫn. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống…
1.2 Nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt Nam
Đất nước Việt Nam chúng ta là một nước thuần nông, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra, lãnh thổ Việt Nam được chia ra ba miền rõ rệt là Bắc, Trung, Nam, cùng với đó là 54 dân tộc anh em.
Chính các đặc điểm về địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu đã quy định những đặc điểm riêng của ẩm thực từng vùng – miền. Mỗi miền có một nét, khẩu vị đặc trưng. Điều đó góp phần làm phong phú về nét văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, về tổng thể, văn hóa ẩm thực Việt Nam có những nét đặc trưng chung như:
a) Tính hòa đồng, đa dạng
Tuy mỗi khu vực Bắc – Trung – Nam đều có những nét đặc trưng riêng, tuy nhiên không dừng lại ở đó, người Việt chúng ta còn tiếp thu, biến tấu những nét đặc trưng của từng vùng miền này từ đó chế biến thành món của mình. Ngoài ra, ngày nay họ còn tiếp thu nét văn hóa ẩm thực nước ngoài làm cho ẩm thực Việt ngày càng phong phú, đa dạng.
b) Tính ít mỡ
Các món ăn Việt với nét đặc trưng chủ yếu là các món ăn được chế biến từ rau, củ, quả không dùng nhiều thịt như các nước phương Tây và cũng không sử dụng nhiều mỡ trong chế biến món ăn như người Hoa.
c) Tính đậm đà hương vị
Khi ngồi vào bàn tiệc ăn uống chúng ta thường thấy rất nhiều loại nước chấm khác nhau để ăn kèm với những món phù hợp. Điều này có lẽ xuất phát từ đặc trưng ăn uống đậm đà hương vị của người Việt. Mỗi món khác nhau đều có nước chấm tương ứng phù hợp với hương vị.
Ngoài ra, khi chế biến thức ăn người Việt Nam thường dùng nước mắm để nêm, lại kết hợp với rất nhiều gia vị khác …nên món ăn rất đậm đà.
d) Tính tổng hoà nhiều chất
Các món ăn Việt là sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm như tôm, thịt, cá cùng với các loại rau, đậu, gạo…mang lại nhiều hương vị chua, cay, mặn, ngọt, bùi, béo khó quên. Điển hình của những món này có thể nhắc đến như các món lẩu, gỏi…
e)Tính ngon và lành
Ẩm thực Việt không chỉ ngon mà còn “lành”, minh chứng đó chính là các thực phẩm có vị mát như thịt vịt, ốc thường được chế biến kèm với các gia vị ấm nóng như gừng, rau răm… để cân bằng âm dương mà chỉ người Việt mới có.
f) Tính dùng đũa
Người Việt có thói quen dùng đũa trong khi ăn.Và dùng đũa gắp cũng là một nghệ thuật, gắp sao cho khéo, cho chặt đừng để rơi thức ăn…Đôi đũa Việt có mặt trong mọi bữa cơm gia đình, ngay cả khi quay nướng, người Việt cũng ít dùng nĩa để xiên thức ăn như người phương Tây.
g)Tính cộng đồng
Tính cộng đồng thể hiện rất rõ trong ẩm thực Việt Nam, bao giờ trong bữa cơm cũng có bát nước mắm chấm chung, hoặc múc riêng ra từng bát nhỏ từ bát chung ấy và mọi người cùng ngồi lại quây quần cùng nhau để thưởng thức.
h) Tính hiếu khách
Trước mỗi bữa ăn người Việt thường có thói quen mời nhau. Lời mời thể hiện sự giao thiệp, tình cảm, hiếu khách, mối quan tâm trân trọng người khác…
i) Tính dọn thành mâm
Người Việt có thói quen dọn thức ăn sẵn thành mâm, dọn nhiều món ăn trong một bữa lên cùng một lúc chứ không như phương Tây ăn món nào mới mang món đó ra.
Chính những điều này đã thể hiện nên những nét đặc trưng, độc đáo làm nên cái riêng mà chỉ người Việt mới có.
2. Lịch sử ẩm thực Việt Nam
Lịch sử ẩm thực Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm, giai đoạn trải qua từng thời kỳ thì ẩm thực Việt cũng có ít nhiều sự biến đổi trong cách chế biến.
2.1 Ẩm thực Việt thời xưa
Khi xưa, người Việt có thói quen ăn nhạt, nhất là người miền Trung. Thức ăn là sự kết hợp hầu như là đầy đủ các vị chua, cay, mặn ngọt…tuy nhiên người ta không quá chú trọng nhiều vào phần bày trí thức ăn.
Các bữa ăn gia đình thời xưa đều chỉ dùng riêng chén cơm, còn lại các món ăn, nước chấm đều được dùng chung và trình bày chung một mâm và điều này vẫn còn.
2.2 Ẩm thực Việt thời nay
Ẩm thực Việt thời nay chính là sự kế thừa và phát huy ẩm thực Việt thời xưa. Những nét đặc trưng của ẩm thực Việt thời xưa vẫn còn lưu giữ trọn vẹ cho đến bây giờ.
Tuy nhiên, với nền kinh tế hội nhập và phát triển cùng với tinh thần tiếp thu, sáng tạo của mình, ẩm thực Việt thời nay có phần phong phú và đa dạng hơn khi có nhiều ảnh hưởng từ ẩm thực phương Tây cũng như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… góp phần tạo nên những hương vị mới mẻ, hấp dẫn và chú ý vào cách trình bày món ăn bắt mắt.
2.3 Sự đa dạng của ẩm thực Việt Nam
Như đã chia sẻ, ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, 54 dân tộc với 3 vùng miền đều có những món ăn đặc trưng mang hương vị khác nhau.
a) Ẩm thực miền Bắc
Đặc trưng trong nét chế biến và hương vị của ẩm thực miền Bắc là không quá cay, không quá ngọt, không quá béo. Những món ăn hầu như có vị thanh đạm và hấp dẫn.
Hà Nội được xem như tinh hoa của ẩm thực miền Bắc. Nếu ai đã từng qua Hà Nội, ngang qua những góc phố nhỏ, thì chắc sẽ phải lòng món ngon của đất Kinh kỳ với những món ăn ngon như phở, bún thang, bún chả, bún ốc, cốm làng Vòng…
b) Ẩm thực miền Trung
Đặc trưng của ẩm thực miền Trung vị đậm đà và cay nồng của mỗi món ăn. Về màu sắc có sự hòa trộn rất phong phú thiên về màu đỏ và màu nâu. Các món đặc trưng của người miền Trung: bún bò Huế, bánh bèo, bánh xèo, bánh đập, chả ram, bún cá, bánh tráng thịt luộc…
c) Ẩm thực miền Nam
Ẩm thực miền Nam khá đơn giản, không quá cầu kỳ. Món ăn miền Nam đa dạng và thường thiên về vị hơi ngọt, cay, béo trong cách chế biến. Các món ăn đặc trưng sử dụng ngọt nhiều như các loại bánh (bánh in, bánh men, bánh ít, bánh bò…), các loại chè (chè kiếm, chè chuối), xôi hay các món ăn hàng ngày cũng có vị hơi ngọt.
Bên cạnh đó còn có các món ăn dân dã đặc trưng vùng quê như cá lóc nướng trui, gỏi cuốn, bún mắm, hủ tiếu Nam Vang…đều mang lại những hương vị khó quên trong lòng thực khách.
3. 10 món ăn ngon nổi tiếng của Việt Nam
Ẩm thực Việt Nam phong phú đa dạng, trong đó có nhiều món ăn được bình chọn vào top món ăn đường phố hấp dẫn thế giới và khu vực. Hãy cùng chúng tôi điểm qua 10 món ăn ngon nổi tiếng của Việt Nam mà bạn đừng nên bỏ lỡ.
3.1 Bánh mì
Trang du lịch Fodor’s Travel của Mỹ năm 2016 đưa ra 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, trong đó bánh mì của Việt Nam đứng đầu trong danh sách.
Bánh mì là món ăn vặt đường phố mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu, món ăn bình dân mà có thể làm say lòng nhiều người bởi nó là sự kết hợp của nhiều hương.
Vị giòn tan của vỏ bánh mì nóng bên ngoài kết hợp cùng với nhiều loại nhân bên trong như thịt, chả, trứng kết hợp cùng nhiều loại rau sống như dưa leo, dưa góp, kết hợp cùng pate, nước sốt… quả là một món ăn mang lại nhiều hương vị và cảm xúc.
3.2 Phở
Món thứ 2 không thể không nhắc đến đó chính là phở Việt Nam. Phở là món ăn đã có từ rất lâu đời, có thể cũng không ai biết chính xác được món ăn này chính xác có mặt từ bao giờ. Chỉ biết ngày nay, Phở đã có mặt ở khắp mọi nơi, từ những quán ăn nhỏ ven đường đến những nhà hàng, khách sạn lớn, sang trọng.
Nhưng nếu muốn thưởng thức Phở đậm chất Việt thì các bạn hãy một lần thử Phở Hà Nội, nơi những con phố cổ, ở những hàng Phở mà bí quyết nấu đã được truyền lại, lưu giữ và phát huy qua rất nhiều thế hệ.
Phở Hà Nội gây thương nhớ bởi nước dùng thanh nhã và vị ngon tuyệt vời, một tô phở ấm nóng vào mùa đông sẽ là điều không thể tuyệt vời hơn.
3.3 Bún chả
Tuy bún chả chỉ được nhắc đến nhiều hơn sau lần Cựu Tổng thống Obama thưởng thức cùng đầu bếp Anthony Bourdain tại Lê Văn Hưu, Hà Nội. Nhưng đây là món ăn từ trước đã được đánh giá là tổng hòa của nhiều hương vị như cay, chua, mặn, ngọt, kết hợp hài hòa giữa nóng của chả và thanh mát của bún, rau sống.
3.4 Bánh xèo
Bánh xèo ngon nhất là ở miền Nam và miền Trung. Tuy mỗi nơi có một cách chế biến khác nhau, tuy nhiên đặc trưng của món bánh xèo là vị giòn tan của lớp vỏ mỏng kết hợp với sự béo ngậy của nhân tôm và thịt hòa quyện với nhiều hương vị của rau sống, thêm một chút nước chấm đậm đà tạo nên sức hấp dẫn vô cùng mãnh liệt.
3.5 Bún bò Huế
Tổ chức Kỷ lục châu Á cũng đã đưa bún bò Huế vào top 100 món ngon châu Á năm 2016. Đây là món ăn bình dân nổi tiếng xứ Huế. Nguyên liệu gồm thịt chân giò heo (lợn), một viên chả cua hoặc chả bò, đặc biệt là cay đặc trưng.
3.6 Gỏi cuốn
Gỏi cuốn là món ăn được ưa thích ở nhiều nơi, đặc biệt là Nam Bộ. Đây là một món ăn ngon, bổ, rẻ, dễ thực hiện và chẳng kén người ăn.
Gỏi cuốn vừa dùng làm thức ăn nhẹ, mà ăn no cũng không sợ ngấy. Các cuốn gỏi được cuốn khéo léo phô bày được những nguyên liệu màu sắc bên trong như màu đỏ của tôm, màu hồng nhạt của thịt, màu xanh của rau, màu trắng của bún kết hợp cùng nước chấm chua cay thì mang lại hương vị tuyệt vời.
3.7 Cao lầu
Cao lầu cũng nhiều lần được CNN nhắc đến là một trong những món ăn ngon nhất Việt Nam. Món được bán trong các quán vỉa hè, trong hẻm nhỏ tại Quảng Nam. Cao lầu là món ăn gồm sợi mì vàng ươm ăn kèm với tôm, thịt heo và các loại rau sống. Món Cao lầu này giống mì Quảng được ăn với rất ít nước dùng.
3.8 Cơm Tấm
Đây là món rất dễ ăn và dễ gặp nhất là Sài Gòn, ăn vào bất cứ lúc nào trong ngày. Linh hồn của món này chính là nước mắm pha sền sệt, ngòn ngọt, ngon nhất là cơm tấm sườn bì chả. Một đĩa cơm tấm đêm Sài Gòn vừa ngon vừa no căng bụng.
3.9 Hủ tiếu
Nhắc đến đặc sản hủ tiếu Việt thì chúng ta không thể không nêu lên vài cái tên nổi tiếng như: Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), Hủ tiếu Sa Đéc (Đồng Tháp), hủ tiếu bò viên…
Cái đậm đà của nước lèo hủ tiếu (nước ninh xương và rau củ) phối hợp với ớt sa tế cay béo, 1 lát chanh chua chua, ít rau sống, rau mùi cùng từng sợi hủ tiếu dai nhỏ chín tới mang lại một trải nghiệm vô cùng thú vị cho vị giác.
3.10 Chè
Chè là món ăn vặt xuất hiện rất nhiều trên các đường phố Việt Nam nhất là những ngày hè nóng bức, đây là món của những tín đồ ưa ngọt. Có rất nhiều loại chè khác nhau. Đến Huế thì có đến 36 món chè cho bạn tha hồ lựa chọn.
Ngoài 10 món ngon trên đây thì còn hàng loạt những món ngon ba miền Bắc – Trung – Nam khác đang còn chờ bạn khám phá. Mỗi một món ăn mang phong vị đặc trưng riêng của mỗi vùng, phản ánh văn hóa ứng xử của con người đối với môi trường sống xung quanh họ.
>> Các bạn xem thêm phân biệt con sam và con so
Mục lục bài viết
Đăng ký