Ẩm thực Thái Lan và sức hấp dẫn riêng biệt – Revelogue
Không biết từ bao giờ, danh xưng thiên đường ẩm thực châu Á đã gắn liền với đất nước Thái Lan. Bên cạnh phong cảnh tuyệt đẹp và các công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc, văn hóa ẩm thực đa dạng cũng là một trong những điểm hấp dẫn của xứ sở chùa vàng.
Văn hóa ẩm thực Thái Lan là sự hoàn mỹ ở cả hình thức và hương vị. Từ hàng quán đường phố đến nhà hàng sang trọng, món ăn Thái luôn có mùi vị rất riêng và sẵn sàng kích thích vị giác của bất kỳ ai.
Sự giao thoa văn hóa trong ẩm thực Thái Lan
Sức hấp dẫn của văn hóa ẩm thực xứ sở chùa vàng được tạo nên nhờ sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhiều trường phái ẩm thực trên khắp thế giới.
Trong đó, các trường phái ẩm thực Trung Hoa, Ấn Độ và Nam Mỹ giữ vai trò quan trọng trong việc cấu thành văn hóa ẩm thực Thái Lan.
Ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Trung Hoa
Khoảng 1400 năm trước, người Hoa khu vực Vân Nam và Quảng Tây bắt đầu di cư đến phía Bắc Thái Lan. Trong quá trình này, họ đã mang những đặc tính của ẩm thực Trung Hoa vào xứ sở chùa vàng, từ phương pháp chế biến món ăn ngập trong dầu đến gia vị nổi tiếng như nước tương.
Điển hình cho sự ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Trung Hoa là Pad Thái, món ăn quốc dân tại Thái Lan thực chất có nguồn gốc từ món mì của người Hoa.
Thậm chí, nhiều người còn cho rằng nền ẩm thực đường phố nổi tiếng của đất nước Thái Lan được bắt nguồn từ một khu phố người Hoa có tên là Yaowarat.
Ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Ấn Độ
Bên cạnh Trung Quốc, văn hóa ẩm thực Thái Lan chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đất nước Ấn Độ, đặc biệt là các món ăn với nguyên liệu chính là bột cà ri, đây là một trong những gia vị truyền thống gắn liền với vùng đất được mệnh danh là cái nôi của Phật giáo.
Các bằng chứng khảo cổ cho thấy cà ri có nguồn gốc từ khoảng 1700 năm TCN ở Mesopotamia. Tuy nhiên, đến khoảng thời gian 1300 năm TCN thì phương thức chế biến cà ri mới xuất hiện ở Ấn Độ và Anh.
Nhiều người cho rằng cà ri Ấn Độ được giới thiệu lần đầu tiên tại Thái Lan thông qua một bữa tiệc vinh danh vua Rama I vào đầu thế kỷ 18, điển hình là món cà ri Massaman và cà ri xanh.
Ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Nam Mỹ
Vào thời kỳ Ayutthaya, sự giao thương giữa người Thái với Bồ Đào Nha và Hà Lan diễn ra mạnh mẽ, quá trình này đã kéo theo sự ảnh hưởng của ẩm thực Nam Mỹ đối với những món ăn Thái Lan.
Chính người Bồ Đào Nha đã góp phần làm cho hương vị cay nồng của ớt trở nên phổ biến trong các món ăn của người Thái. Nhiều thông tin cho rằng họ đã mang đến xứ sở chùa vàng một loại đu đủ có nguồn gốc từ Nam Mexico và các nước láng giềng Nam Mỹ, đây là khởi nguồn của món gỏi đu đủ nổi tiếng.
Văn hóa ẩm thực các vùng miền Thái Lan
Tương tự các quốc gia khác trên thế giới, ẩm thực Thái Lan luôn có sự khác biệt ở từng vùng miền, chính sự khác biệt này đã tạo nên sức hút khó cưỡng của ẩm thực nơi đây.
Đó có thể là sự độc đáo của món ăn miền Đông Bắc hay những món ngon nổi tiếng của ẩm thực miền Trung, tất cả đều sẵn sàng làm hài lòng vị giác của thực khách.
Văn hóa ẩm thực miền Bắc
Ẩm thực miền Bắc Thái Lan chịu ảnh hưởng phần lớn từ nước láng giềng Myanmar. Người dân miền Bắc ưa chuộng những món ăn được nấu vừa chín tới, không có vị ngọt và chua.
Khaosoy, Khanom Jeen Naam Ngiaw, Khao Kan Jin, Muu Phan Pill là những món ăn hấp dẫn không thể bỏ lỡ của ẩm thực vùng đất này.
Một trong những món ăn nổi tiếng nhất của ẩm thực miền Bắc đó là Khaosoy. Món ngon này rất được ưa chuộng tại thành phố Chiang Mai và theo nhận xét của nhiều người thì khó tìm thấy nơi nào tại Thái Lan có thể chế biến Khaosoy ngon hơn Chiang Mai.
Nguyên liệu chính của Khaosoy là mì trứng giòn được xào cùng dưa chuột, hành tây, bắp cải muối, ớt, thịt bò hoặc thịt gà. Điểm đặc biệt của món ăn này nằm ở hương vị đậm đà, thơm ngon của nước sốt cà ri, tất cả hòa quyện để tạo nên sức hấp dẫn không thể chối từ.
Bên cạnh Khaosoy, Muu Phan Pii là cái tên quen thuộc mỗi khi nhắc đến ẩm thực miền Bắc Thái Lan, đây là món ăn điển hình cho sự ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Trung Hoa tại vùng đất này.
Nguyên liệu làm nên Muu Phan Pii bao gồm thịt ba chỉ, dưa muối và các lá trà ô long xếp lên nhau, sau đó đem hấp trong khoảng bốn giờ đồng hồ.
Món ăn thường được dùng chung với cơm hoặc bánh bao, dư vị chua chua của dưa muối, béo ngậy của thịt ba chỉ kết hợp cùng vị đắng nhẹ của trà ô long luôn khiến cho thực khách không thể buông đũa.
Văn hóa ẩm thực miền Đông Bắc
Nếu ẩm thực miền Bắc Thái Lan chịu ảnh hướng chủ yếu từ nước láng giềng Myanmar thì ẩm thực miền Đông Bắc lại phảng phất hương vị các món ăn Lào, Campuchia.
Ẩm thực nơi đây không chỉ thu hút bởi những món ăn nổi tiếng nhất nhì Thái Lan mà còn níu chân thực khách bởi sự tươi ngon của nguyên liệu.
Đặc sản ẩm thực Đông Bắc Thái Lan chính là Som Tam (gỏi đu đủ). Đây là món ăn vang danh của văn hóa ẩm thực Thái và được biết đến rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nguyên liệu chính của món ăn là đu đủ sống được giã trong cối cùng nhiều nguyên liệu khác như xoài, dưa chuột, đậu phộng, cá khô, nước mắm, đường, tỏi, ớt. Cái tên Som Tam của món ăn cũng bắt nguồn từ phương thức chế biến này.
Đây là món ăn chứa đựng đầy đủ hương vị đặc trưng của nền ẩm thực Thái Lan. Đó là vị chua của chanh, vị ngọt của đường, vị cay của ớt, vị mặn của nước mắm, độ giòn của đu đủ và xoài sống.
Trong văn hóa ẩm thực miền Đông Bắc Thái Lan có một loại nước chấm truyền thống luôn xuất hiện trên bàn ăn của người dân bản địa, đó là chẩm chéo (Jim Jaew).
Chẩm chéo được tạo nên nhờ sự kết hợp của ớt, muối, mắc khén, tỏi, gừng, húng lủi, rau thơm, mùi tàu, sả và hạt dổi. Trong đó, tỏi, ớt tươi và mắc khén là ba nguyên liệu không thể thiếu có nhiệm vụ làm dậy mùi thơm cho chén nước chấm.
Cách chế biến chẩm chéo rất đơn giản, tỏi, ớt tươi và mắc khén nướng lên cho tỏa hương thơm, sau đó đem giã cùng những nguyên liệu còn lại. Chỉ cần như thế đã có một chén nước chấm chẩm chéo chuẩn vị Thái Lan.
Văn hóa ẩm thực miền Trung
Miền Trung là vùng đất sở hữu nền ẩm thực nổi tiếng nhất xứ sở chùa vàng. Nhắc đến ẩm thực miền Trung là nhắc tới sự kết hợp và biến tấu những hương vị thơm ngon đến từ mọi vùng miền trên khắp đất nước Thái Lan.
Món ăn nơi đây được chế biến theo phong cách Hoàng gia với phương thức chế biến cầu kỳ kết hợp nghệ thuật bài trí vô cùng đẹp mắt. Các món ăn thường có vị ngọt và luôn được nấu mềm nhừ.
Tom Yum là đặc sản của văn hóa ẩm thực miền Trung Thái Lan. Không cầu kỳ như hầu hết các món ăn tại vùng đất này, Tom Yum được chế biến vô cùng đơn giản với nguyên liệu là các loại hải sản như tôm, cua, mực.
Những nguyên liệu này sau khi được lựa chọn kỹ càng sẽ đem nấu cùng nấm rơm, lá chanh, ớt, cà chua. Điểm đặc biệt của món ăn nằm ở phần nước dùng được nấu từ nước cốt dừa, lá chanh Thái và đầu tôm nghiền, tất cả hòa quyện tạo nên hương vị chua cay khó cưỡng lại của món ăn này.
Ẩm thực miền Trung Thái Lan không chỉ có Tom Yum, cà ri đỏ (Kang Phed) cũng hấp dẫn không kém cạnh, đây là một trong những món ăn đường phố nổi tiếng nhất tại xứ sở chùa vàng.
Nguyên liệu chính của cà ri đỏ gồm có thịt gà, thịt bò, thịt heo, tôm, đậu hũ, nước cốt dừa, bột cà ri đỏ và lá chanh Kaffir. Vị ngọt của nước cốt dừa, cay cay của bột cà ri, độ mềm của thịt và màu sắc bắt mắt của nước dùng đã tạo nên sự hài hòa về cả vị giác và thị giác cho món ăn.
Văn hóa ẩm thực miền Nam
Ẩm thực miền Nam Thái Lan là sự tiếp nhận tinh hoa văn hóa ẩm thực của Ấn Độ và Indonesia với hương vị cay nóng đặc trưng. Một số món ăn phổ biến ở nơi đây như cà ri Massaman, các món canh súp Kang Liang, Kang Tai Pla, Khao Yam hay sốt Budu.
Trong đó, cà ri Massaman được biết đến như món ăn tiêu biểu và từng được CNN bình chọn là một trong năm mươi món ăn ngon nhất thế giới. Nguyên liệu chính làm nên món cà ri Massaman bao gồm thịt bò, thịt vịt, đậu hũ, gà, lợn. Điểm đặc biệt khi thưởng thức món ăn này chính là phần nước sốt đậm vị thảo quả và quế.
Sốt cà ri Massaman có tên gọi là Nam Phrik Kaeng Massaman. Đây là loại sốt được chế biến từ nước cốt dừa, đậu phộng, hạt điều rán, khoai tây, lá nguyệt quế, vỏ bạch đậu khấu, hồi, đường cọ, nước mắm và sốt me.
Nhờ sự hoàn mỹ từ hương vị đến hình thức mà cà ri Massaman luôn được xem là một trong những biểu tượng của văn hóa ẩm thực Thái Lan.
Điểm đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Thái Lan
Bên cạnh tính đặc trưng trong phong cách ẩm thực của từng vùng miền, văn hóa ẩm thực Thái Lan luôn mang đến cho thực khách nhiều bất ngờ thú vị.
Sự thú vị này có thể đến từ những đặc sắc trong hương vị món ăn hoặc những khám phá mới mẻ trong văn hóa truyền thống.
Dùng nĩa và thìa nhiều hơn dùng đũa
Tại Thái lan, người dân thường dùng muỗng và nĩa trong bữa ăn. Ngoại trừ những món mì, hầu hết các món ăn trong ẩm thực Thái Lan đều không sử dụng đến đũa.
Điều này có thể gây bối rối cho nhiều thực khách, bởi lẽ các nhà hàng Thái trên thế giới vẫn có cung cấp đũa cho thực khách. Tuy nhiên, việc này chủ yếu phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng.
Trên thực tế, người Thái không có thói quen sử dụng đũa để gắp thức ăn. Thậm chí, trước khi muỗng và nĩa trở thành dụng cụ chính trong các bữa ăn thì người Thái từng dùng tay để thưởng thức.
Không phải món ăn nào cũng cay
Suy nghĩ đầu tiên của nhiều người khi nhắc đến ẩm thực Thái Lan đó là vị cay trong các món ăn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào khẩu vị của người dân tại từng vùng miền.
Các món ăn tại xứ sở chùa vàng luôn có sự khác biệt trong cách chế biến giữa các vùng. Do đó, cùng một món ăn nhưng luôn có sự khác nhau trong hương vị giữa các tỉnh thành, không phải món ăn nào cũng có vị cay.
Sự cân bằng giữa các hương vị trong ẩm thực Thái Lan
Không biết từ bao giờ, hương vị chua và cay đã trở thành đặc tính chủ đạo trong văn hóa ẩm thực Thái Lan. Tuy nhiên, ẩm thực xứ sở chùa vàng còn đặc sắc ở sự kết hợp hoàn hảo năm hương vị chua, cay, mặn, đắng và ngọt trong các món ăn. Do đó, việc thưởng thức món Thái luôn mang đến cho thực khách cảm giác thỏa mãn trên từng đầu lưỡi.
Không phải ngẫu nhiên mà ẩm thực Thái Lan được xếp vào hàng những nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Trong món ăn Thái, thực khách có thể cảm nhận được hương vị của rất nhiều trường phái ẩm thực khác nhau trên khắp hành tinh.
Một chút Trung Hoa, một chút Ấn Độ, thêm vào một chút mùi vị của món ăn Lào, Myanmar hòa trộn cùng hương vị truyền thống của ẩm thực hoàng gia Thái Lan.
Sự đặc biệt trong cách kết hợp và biến tấu món ăn đã tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt và khó có thể bắt chước của văn hóa ẩm thực Thái Lan.
Diệu Ngô