AMD và Intel: Bạn chọn ai?

Dù cùng tạo ra miếng chíp silicon cho trái tim máy tính của bạn, những sản phẩm của AMD và Intel đều có những nét khác biệt. Vậy hãy thử so sánh xem sự lựa chọn nào sẽ là tốt nhất cho yêu cầu của bạn đối với chiếc PC mới.

AMD và Intel: Cuộc đua sôi động trở lại sau 10 năm trầm lắng

Chi phí luôn là một yếu tố hàng đầu cần cân nhắc mỗi khi nghĩ tới việc xây dựng, nâng cấp hay mua một chiếc PC mới, một lựa chọn đúng đắn thường đồng nghĩa với việc một CPU phù hợp với nhu cầu và túi tiền của bạn.

 

 
Nếu xét riêng về giá, các chip AMD thường rẻ hơn so với Intel. Những dòng chip dual-core cấp thấp như Sempron, Athlon và các bộ xử lý A-series thường có giá khởi điểm 30 USD. Trong khi đó, dòng chip tương tự của Intel thường có mức giá từ 40 USD. Điều này cũng khá hợp lý khi những con chip này của Intel thường có thông số cao hơn một chút so với của AMD.

Trong gần một thập kỷ trước, đó là mô hình giá điển hình mà phần lớn người dùng PC phải chấp nhận, cho đến khi xuất hiện các con chip Ryzen mới của AMD. Sau khi ra mắt vào đầu năm 2017, chúng đã gần như khuấy động công thức lâu đời này, với Ryzen 7 1800X đứng ở ngôi đầu trong dòng chip dành cho người dùng phổ thông của AMD.

Hiện nay, thế hệ thứ hai của nó, Ryzen 2700X vẫn tiếp tục là vua phân khúc này, với 8 lõi, 16 luồng và một mức giá gần 300 USD. Con chip đầu bảng dành cho người dùng phổ thông của Intel là 8700K, với 6 lõi 12 luồng và có mức giá 360 USD.

Trong khi đó, các CPU như Intel Core i9 và AMD Threadripper, vốn nhắm đến những tín đồ công nghệ và người dùng chuyên nghiệp, còn có hiệu suất đa luồng tốt hơn và có thể tiếp tục gia tăng số lượng lõi và luồng xử lý, để ai cũng có thể tự xây dựng cho mình một hệ thống mạnh mẽ tại nhà. Các CPU i9 thế hệ thứ 7 của Intel có từ 10 đến 18 lõi và nhờ vào công nghệ hyperthreading, có thể tăng tới 36 lõi. Cho dù vậy, mức giá của nó cũng cao ngất ngưởng, ví dụ như chip 7980XE có thể lên tới 2.000 USD.

Ngược lại, các chip của AMD lại có số lõi cao hơn, giá thấp hơn và phù hợp với nhiều thông số hơn. Trong khi các CPU Threadripper thế hệ đầu tiên đã được chiết khấu mạnh mẽ vì ra mắt trễ, với giá chỉ từ vài trăm USD cho các CPU 8 lõi hoặc 12 lõi. Tuy nhiên các CPU Threadripper series 2000 thế hệ mới còn có từ 12 đến 32 lõi với 64 luồng với khả năng vận hành đa luồng cùng lúc. Chúng cũng đắt hơn hẳn với giá từ 650 USD tới 1.800 USD.

Tất cả các chip Threadripper đều hỗ trợ các 64 làn PCIe, một lợi thế lớn so với các chip của Intel vốn chỉ hỗ trợ tối đa 44 làn PCIe. Cho dù vậy chúng cũng tiêu tốn năng lượng nhiều hơn do các lõi bổ sung đó.

 

 
Những điều này cho thấy cuộc cạnh tranh giữa các CPU desktop hàng đầu đang khốc liệt hơn bao giờ hết, với nhiều sự lựa chọn cho người dùng, bất kể ngân sách của họ là bao nhiêu.

Thị trường laptop

Nhưng thị trường laptop lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Gần như mọi sản phẩm bạn thấy đều sử dụng bộ xử lý Intel và các loại card đồ họa. Như đại diện của hãng Dell từng cho biết vào đầu năm nay: khoảng cách giữa hai công ty là rất đáng kể, cả về thị phần và “mục đích sử dụng.”

Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ AMD dành quá nhiều năm để phát triển các chip All-in-One tiết kiệm năng lượng. Trong khi các bộ xử lý desktop của AMD thường không tích hợp đồ họa, vì vậy, các bộ APU (Accelerated Processing Unit) được thiết kế cho di động, tích hợp cả các lõi CPU và GPU trên một chip, tiêu thụ rất ít năng lượng. Vì vậy chúng thường xuất hiện trên các laptop cấp thấp, nhưng có thời lượng pin dài hơn.

 Trong khi đó, Intel luôn ưu tiên sức mạnh của CPU lên đầu và đồ họa xuống thứ yếu, bất kể cho loại thiết bị nào. Cho dù cũng có thể xem chúng là các chip All-in-One, nhưng các lõi CPU luôn là trung tâm của chip Intel. Quả thật, cho dù i7-8550U của Intel tiêu tốn năng lượng hơn Ryzen 7 2700U của AMD một chút (cả 2 đều là chip 4 lõi), nhưng bạn sẽ có tốc độ cơ bản cao hơn và khả năng boost lớn hơn với Intel.

Nhưng thời thế có thể đã thay đổi với AMD. Acer gần đây đã giới thiệu một laptop gaming với phần cứng AMD, nhưng không phải chip All-in-One. Thay vào đó, chiếc Predator Helios 500 sử dụng bộ xử lý 8 lõi AMD Ryzen 7 2700 và card rời RX Vega 56 bên cạnh các lựa chọn phổ biến của Intel và Nvidia.

 

 
Trên hết, các bộ xử lý do hai công ty sản xuất ra đều cạnh tranh nhau xoay quanh các yếu tố – giá cả, tiêu thụ năng lượng và hiệu suất. Trong khi chip Intel có xu hướng mang lại hiệu suất mỗi lõi tốt hơn, AMD lại đang cạnh tranh bằng việc đưa ra nhiều lõi hơn với cùng mức giá.

Trò chơi điện tử

Trò chơi điện tử là lĩnh vực sẽ làm việc lựa chọn CPU thêm phức tạp. Cho dù tất cả chip Intel đều tích hợp card đồ họa, nhưng hiệu suất của nó không thể so sánh với card đồ họa rời hoặc card đồ họa bổ sung.

Trong khi đó, bộ xử lý AMD không tích hợp chip đồ họa. Thay vào đó, AMD kết hợp các lõi xử lý và các lõi đồ họa thương hiệu Radeon của mình vào thành một chip đóng gói (một package) được gọi là APU. Cho dù giải pháp này mang lại hiệu suất tốt hơn so với Intel – đặc biệt với các phiên bản Vega thế hệ mới – chúng vẫn không thể so sánh với card đồ họa bổ sung thường có giá đắt hơn.

Những người hay chơi game sẽ lựa chọn card đồ họa bổ sung hoặc GPU rời hơn là chip đồ họa tích hợp. Trong bối cảnh đó, Intel có xu hướng chiếm ưu thế với bộ xử lý ưu tiên hiệu suất của mình. Đó là vì chip của AMD, đặc biệt các CPU Ryzen mới, vốn rất xuất sắc trong các tình huống xử lý đa luồng và chạy các ứng dụng hỗ trợ đa lõi. Trong khi đó, dù đã hỗ trợ xử lý đa luồng, nhưng các trò chơi hiện tại vẫn hiếm khi sử dụng nhiều hơn 2 hay 4 luồng.

Khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể nhờ các cải tiến với cấu trúc Zen mới trong bộ xử lý Ryzen của AMD. AMD Ryzen 7 1800X chỉ kém hơn Intel i7-7700K 10 FPS (khung hình trên giây) khi chạy benchmark với trò chơi Civilization VI, còn với một trò chơi đòi hỏi đồ họa cao hơn như For Honor, trong khi CPU Ryzen mang lại trung bình 109 FPS, còn Intel Core i7 là 110 FPS.

 

 
Có thể thấy hiện nay, chip Intel có xu hướng thích hợp với game hơn, nhưng điều đó không có nghĩa bạn nên bỏ qua AMD. Các bộ xử lý của đối thủ Intel cũng có thể là sự lựa chọn tuyệt vời để chơi game, ví dụ như Ryzen 5. Nếu bạn có một ngân sách giới hạn và một card đồ họa chuyên dụng là quá sức, Ryzen với các APU Vega hiệu suất thấp cũng rất đáng chú ý, nhưng khả năng xử lý yếu của chúng cho thấy đây không phải sự lựa chọn thích hợp trong dài hạn khi muốn nâng cấp.

Một điều thú vị là vào tháng Một năm nay: Intel đã tung ra chip Core i7-8890G – một sự kết hợp giữa bốn lõi xử lý thế hệ thứ 7 của Intel được nhồi thêm các lõi đồ họa rời Radeon, bộ nhớ đồ họa HBM2 của AMD. Nếu xét đến thành công từ sự hợp tác đầu tiên giữa 2 công ty là Intel Hades Canyon dành cho máy NUC, hy vọng lần này họ sẽ mang lại một lựa chọn về phần cứng còn ý nghĩa hơn nữa.

Cuối cùng ai là người chiến thắng?

Với khối lượng công việc hàng ngày, một chip cao cấp của Intel và một chip cao cấp của AMD sẽ không quá khác biệt về hiệu suất. Mặc dù có sự chênh lệch về điểm số và các bối cảnh cụ thể, nhưng CPU không phải là yếu tố then chốt đến hiệu suất PC như trước đây.

Trong khi đó, các CPU của AMD, đặc biệt là các dòng tầm trung và tầm thấp, có xu hướng đem lại giá trị tốt hơn so với Intel. Ngược lại, các chip Intel, với hiệu suất mỗi lõi tốt hơn sẽ phù hợp với game hơn các CPU AMD, thậm chí cả dòng Threadripper. Ngược lại, những người muốn sử dụng các ứng dụng hỗ trợ đa luồng mạnh mẽ, AMD là sự lựa chọn tốt hơn cho họ, đặc biệt khi xét đến mức giảm giá của dòng chip Threadripper thế hệ đầu tiên.

 

 

Có thể thấy nhờ sự bùng nổ của các chip Ryzen vào năm ngoái về cả sức mạnh và giá cả, thị trường CPU giờ đang trở nên cạnh tranh cao sau nhiều năm trầm lắng. Cho dù Intel vẫn là sự lựa chọn an toàn, đặc biệt dành cho game thủ, nhưng AMD cũng là lựa chọn thay thế không tồi.

Đối với những nhà xây dựng hệ thống, các chip Threadripper của AMD là sự lựa chọn đầy sức mạnh và cung cấp nhiều lõi hơn trong một CPU, có thể cạnh tranh ngang ngửa với Intel. Trong khi đó, các chip cũ của AMD như FX và series A, lại không phải là đối thủ của Intel. Và quan trọng hơn, nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc laptop hoặc desktop đồng bộ, Intel gần như là lựa chọn duy nhất cho bạn.

Theo VnReview.vn