Ẩn số thôi miên với tiềm thức con người

Sự phát triển của khoa học đã giúp loài người đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đồng thời giúp giải mã nhiều bí ẩn, thế nhưng hiện tượng thôi miên vẫn chưa nhận được những lý giải rõ ràng, và trở thành đề tài gây tranh cãi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thôi miên về bản chất là một dạng khoa học huyền bí, điều khiển trạng thái tâm thần của con người. Thuật thôi miên ám chỉ khả năng điều khiển suy nghĩ của người khác, khiến não bộ của “nạn nhân” bị chi phối hoàn toàn và dường như mất đi chức năng tự kiểm soát hành vi bản thân. 

Thế nhưng, đây thực chất chỉ là bề nổi – những chia sẻ chung chung mà truyền thông, giải trí hay phim ảnh đem lại cho các khán giả, còn sự thật và những yếu tố kì lạ về thôi miên vẫn còn là một ẩn số lớn.

Xuất hiện từ xa xưa

Nhiều ghi chép đã chỉ ra rằng thôi miên thực chất đã được người Ai Cập cổ đại và người Hi Lạp sử dụng trong những nghi lễ từ cách đây khoảng 3000 năm. 

Tuy nhiên, quá ít bằng chứng để cho thấy vai trò quan trọng của thuật thôi miên từ thời cổ đại, nên hầu hết những nghiên cứu về hiện tượng này thường được tiến hành ở thời hiện đại, bắt đầu từ những năm 1800, khi thôi miên được cho là một cách thức gây mê trong chữa bệnh. 

Khái niệm “thôi miên” lần đầu tiên được đề xuất bởi bác sĩ người Áo Franz Anton Mesmer khi đưa ra như một phương pháp trị bệnh mới, là một quá trình mà trong đó các chức năng suy nghĩ có ý thức của bộ não bị “qua mặt” để một dạng suy nghĩ cảm nhận có chọn lọc được thiết lập.

Có thể nói, thôi miên ẩn chứa nhiều điều kì lạ bởi khả năng điều khiển tâm trí chưa có lý giải rõ ràng. Vào thế kỷ 15, một tu sĩ ở Roma đã tìm cách lý giải hiện tượng này mà không dùng lý luận mang màu sắc thần giáo khi thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng là để một con gà mái nằm ngửa trên tấm gỗ và luôn nhìn vào mắt của con gà. 

Thôi miên là một quá trình mà trong đó các chức năng suy nghĩ có ý thức của bộ não bị “qua mặt” để một dạng suy nghĩ cảm nhận có chọn lọc được thiết lập.

Một lúc sau, con gà nằm yên, giống như đang ngủ và muốn đánh thức nó thì phải tác động nhẹ lên người con vật. 

Có ý kiến cho rằng, con người khi đứng trước một nguy cơ bất ngờ và dễ sợ hãi thường có biểu hiện đứng nguyên tư thế giống ở động vật, kèm theo cứng cơ hay run người. Đó có thể coi là một nghiên cứu đầu tiên về thôi miên dưới góc độ khoa học.

Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng thôi miên là một dạng khoa học thần bí, tạo nên “giấc ngủ tạm thời”.  

Trên phương diện tâm lý, bản chất của thôi miên là khả năng “ám thị” của người làm thôi miên, khiến đối tượng bị “tự kỷ ám thị”. Tuy nhiên, khả năng bị thôi miên của từng người là khác nhau. Nhóm dưới 12 tuổi thường dễ bị thôi miên hơn bởi chu trình xử lý của não bộ chưa được hoàn chỉnh, trong khi đó có khoảng 20% người lớn rất khó bị thôi miên. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là: trong khi bị thôi miên, ý thức có tồn tại không? 

Theo các nghiên cứu, một người bị thôi miên không những đang tự kiểm soát những hành động của chính họ mà còn đang rất tỉnh táo. Mặc dù vậy, nhận thức của người bị thôi miên thường hướng vào bên trong chứ không phải hướng ra thế giới bên ngoài.

Ám thị trong y học

Trên thực tế, dưới tác dụng của thôi miên, hoạt động não bộ thay đổi, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, và một số bộ phận của não bộ trở nên “thư giãn hơn”, trong khi những phần khác trở nên chủ động hơn nhờ xuất hiện sự gia tăng kết nối giữa các vùng vỏ não.

Các nhà khoa học tin rằng chính cách thức thay đổi hoạt động của não trong trạng thái bị thôi miên đã chứng minh thôi miên là một hiện tượng sinh học thần kinh khoa học, chứ không phải “tiểu xảo tạp kỹ” bí ẩn nào cả. 

Họ nhận định, thôi miên là một quá trình mà khi đó các chức năng suy nghĩ có ý thức bị bỏ qua và một dạng suy nghĩ cảm nhận có chọn lọc được thiết lập.

Đây có thể được coi là tiền đề giải thích cho việc sử dụng thôi miên trong y học, cho dù phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên hiện nay vẫn chưa có sự nhìn nhận thống nhất. Từ thời xa xưa, các nhà tu hành của Ấn Độ đã am hiểu thuật thôi miên, và vận dụng để chữa một số căn bệnh cho người. 

Năm 1974, một bác sĩ người Pháp đã dùng thuật thôi miên để chữa các căn bệnh tâm thần cho bệnh nhân với cam kết đây là liệu pháp tâm lý điều trị rất có hiệu quả. 

Thập kỷ 90 cũng chứng kiến sự nở rộ của liệu pháp thôi miên ở các nước Đông Âu, nhất là Nga và Ucraina. Ở châu Âu, việc đào tạo bác sĩ về phân tâm học rất phổ biến, cùng ứng dụng rộng rãi của liệu pháp chữa bệnh “không dùng thuốc” phân tâm học trị liệu.

Nhiều quan điểm khẳng định thôi miên có thể chữa bệnh, hướng đến một sự thay đổi vô thức trong bệnh nhân bằng cách đặt họ trong một trạng thái bị điều khiển hoàn toàn. 

Để đạt tới trạng thái thôi miên, phương thức cổ xưa nhất là “điểm nhìn cố định” vào quả lắc đong đưa trước mắt của người bị thôi miên.

Ví dụ điển hình là cai nghiện thuốc lá bằng thôi miên đã được áp dụng tại Mỹ, hay thôi miên giúp con người tự “chỉnh hình” và làm đẹp. 

Thí nghiệm thôi miên và nhổ răng được thực hiện ở Mỹ cho kết quả đầy kinh ngạc: ở những người dễ rơi vào trạng thái thôi miên sâu, cảm giác đau giảm đáng kể nhờ sự “ám thị” trong suốt quá trình thôi miên và sau thôi miên. 

Hiện nay, một số khoa lâm sàng ở Mỹ đã áp dụng thôi miên cùng các liệu pháp chữa bệnh truyền thống khác trong điều trị các chứng bất an, nỗi ám ảnh và các thói quen có hại của người bệnh. 

Nhiều người vẫn không tin tưởng vào phương pháp chữa bệnh này nhưng một số khác lại coi đây là một công việc thực sự và còn coi nó là một phương hướng điều trị mới trong tương lai.

Khoa học hay nghệ thuật?

Trong quá trình giãi mã về thôi miên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng mỗi người có thể tự thôi miên chính mình nếu nắm được những thủ thuật thôi miên và bản thân người đó muốn đưa mình vào trạng thái vô thức. 

Về lý thuyết, phương pháp này sử dụng tiềm thức để ảnh hưởng đến những hành vi theo cách mà nhận thức không thể thực hiện được. “Tự động thôi miên” được nhà tâm lý học người Pháp Emile Coue (1857 – 1926) tìm ra. 

Ông đồng thời cũng là tác giả của cuốn “Self-Mastery Through Conscious” (tạm dịch: Sự thần kỳ của trí tuệ), miêu tả chi tiết cách con người có thể tự thôi miên bản thân giống như các nhà thôi miên vẫn thường làm. 

Theo nhà tâm lý học này, thôi miên là một môn “nghệ thuật”, chứa đựng cả lợi – hại, và có vô số cách khác nhau để đi đến thành công. Ai cũng có khả năng thôi miên tiềm ẩn, chỉ khác ở chỗ có đủ sức kiểm soát và điều hành sức mạnh ấy hay không.

Thôi miên là sự tập trung cao độ, kết hợp với thả lỏng và thư giãn cơ thể hết mức. Để đạt tới trạng thái thôi miên, phương thức cổ xưa nhất là “điểm nhìn cố định” vào quả lắc hoặc một chiếc đồng hồ đong đưa trước mắt của người bị thôi miên, khiến họ “miễn nhiễm” với môi trường xung quanh. 

Nhiều quan điểm khẳng định thôi miên có thể chữa bệnh, hướng đến một sự thay đổi vô thức trong bệnh nhân bằng cách đặt họ trong một trạng thái bị điều khiển hoàn toàn.

Khi đã tập trung cao độ, họ hoàn toàn không bị phân tâm, và dưới tác dụng “êm dịu” từ lời nói của người thôi miên, cơ thể họ rơi vào trạng thái thả lỏng, và ý thức dần dần sẽ bị che lấp bởi tiềm thức. 

Hiện nay, phương pháp này không còn được ưa chuộng do hiệu quả thấp, mà thay vào đó các nhà tâm thần học thường vận dụng liệu pháp “thư giãn” thông qua một giọng nói nhẹ nhàng với nhịp điệu chậm rãi để đẩy sự tập trung lên cao độ. 

Dựa trên nguyên lý này, một cá nhân có thể hoàn toàn tự thôi miên nhờ những bản nhạc hay những câu chuyện nhẹ nhàng. Thiền, xét trên một khía cạnh nào đó, cũng có thể coi như một hình thức tự thôi miên và thuộc phương pháp “thư giãn” này.

Về thực chất, giới khoa học vẫn chưa đạt được sự nhất trí trong vấn đề lý giải chính xác thôi miên là gì, hay có những cách nào để tiến hành thôi miên. 

Có ý kiến cho rằng, đó là khả năng ám thị và sự tưởng tượng giữa một nhà thôi miên ám thị và người bị thôi miên. Thậm chí, có người tin rằng thôi miên chỉ là “diễn kịch”, mua vui bằng những tiểu xảo tạp kỹ hay mánh khóe ảo thuật. 

Dù bất đồng quan điểm nhưng giới khoa học đều khẳng định thôi miên có bản chất là một quá trình xử lý thông tin từ trên xuống, có thể gây ra ám thị mạnh mẽ. Con người nghĩ rằng các hình ảnh, âm thanh từ thế giới bên ngoài tạo ra sự thật, nhưng bộ não lại xây dựng ngân hàng dữ liệu dựa trên kinh nghiệm từ quá khứ. 

Sự thú vị của thôi miên là ở chỗ nó tạo ra thông tin sai lệch, dẫn đến hiện tượng quên hết những điều đã làm hay hành động xảy ra trong quá trình thôi miên khi não bộ đã trở về trạng thái bình thường…