Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến văn hóa Việt Nam?

Đất nước Trung Hoa không chỉ được biết tới là quốc gia có lịch sử văn hóa lâu đời nhất nhì thế giới. Vị trí liền kề cùng quá trình lịch sử xâm lược, đô hộ đã dẫn đến những ảnh hưởng đến nền văn hóa Việt Nam sâu sắc.

    1. Ảnh hưởng của Trung Quốc đến tư tưởng, tôn giáo Việt Nam:

    Lịch sử tư tưởng, tôn giáo Trung Quốc rất phong phú, đặc sắc, trở thành một trong những cái nôi của một loạt tôn giáo, truyền thống triết học thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa các nước trên thế giới tiêu biểu là Việt Nam. Nho giáo và Đạo giáo (tư tưởng nội sinh), sau đó được Phật giáo gia nhập, tạo thành “tam giáo” đặt nền tảng định hình văn hóa Trung Quốc.

    1.1. Nho giáo:

    Nho giáo không phải là quốc giáo nhưng là trường phái tư tưởng quan trọng nhất ở Trung Quốc. Người đặt cơ sở đầu tiên của Nho gia là Khổng Tử, sống vào thời Xuân Thu, về sau Mạnh Tử, Tuân Tử (thời Chiến Quốc) đã phát triển học thuyết này làm cho Nho học đã hoàn chỉnh hơn. Hệ thống tư tưởng Khổng – Mạnh có thể khái quát như sau: tin vào thiên mệnh, coi trọng “nhân”, “nghĩa”, rất chú trọng vấn đề giảng dạy. Về sau, đến thời Hán Vũ Đế, ông đưa Nho giáo lên hàng quốc giáo và dùng nó làm công cụ thống nhất đất nước về tư tưởng. Những nhà Nho giáo tiêu biểu là Đổng Trọng Thư (thời Tây Hán). Dương Hùng và Vương Sung. Thời kì này, tư tưởng Nho giáo có sự khác biệt, đề cao quyền lực của giai cấp thống trị, dùng “lễ trị” để che đậy “pháp trị”. Trong đó dòng Nho gia Khổng- Mạnh có ảnh hưởng rộng và lâu dài nhất trong lịch sử Trung Hoa và một số nước lân cận. Quan điểm của nho giáo thể hiện trong Tam Cương và Ngũ Thường. Nội dung của Nho giáo được thể hiện trong Ngũ Kinh hay Tứ Thư.

    Nho giáo du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc và được nhà Lý chính thức thừa nhận khi cho xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử Thăng Long năm 1070. Từ thời Lê trở thành tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị. Nho giáo đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc xây dựng một thiết chế quân chủ tập quyền theo mô hình Đông Á Trung Hoa, cũng như những nguyên lý cơ bản của phép trị nước. Tư tưởng Nho giáo thấm sâu vào giai cấp quý tộc, quan lại và tầng lớp nho sĩ, quan viên.

    Biểu hiện ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa tại Việt Nam:

    Nho giáo là cơ sở làm hình thành tổ chức nhà nước của Đại Việt, bao gồm hệ thống hành chính, tổ chức quân sự, quan chế, lương bổng… mô phỏng Trung Hoa, tồn tại song hành với tổ chức cộng đồng cấp làng quê ra đời từ thời Văn Lang – Âu Lạc.

    Ở cấp độ gia đình, Nho giáo phối hợp với văn hóa Hán làm hình thành chế độ gia đình phụ hệ, tư tưởng nam quyền cực đoan, chế độ tông pháp, trao quyền thừa kế, thừa tự cho con trai trưởng chính dòng.

    Về phong tục, sự tác động của Nho giáo và văn hóa Hán đã làm Hán hóa một phần các phong tục vòng đời, đặc biệt là phong tục hôn nhân, phong tục tang ma còn tồn tại nhiều nơi ở nước ta ngày nay.

    Trong giáo dục, Nho giáo là cơ sở hình thành hệ thống giáo dục chính thống của Việt Nam trung đại để đào tạo ra quan lại nhà nước, quan viên làng xã với 4 cấp kinh đô – tỉnh/đạo – phủ – huyện/châu; chế độ thi tuyển khảo hạch – thi Hương – thi Hội – thi Đình. Nền giáo dục Nho giáo đã tạo ra hàng nghìn ông Nghè, ông Cử, ông Tú. Tầng lớp nho sĩ ngày một phát triển, trong đó có những gương mặt nổi bật có phẩm hạnh, khí tiết cao cả như Lê Văn Hưu, Trình Hoài Đức, Đoàn Nhữ Hài, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An…

    1.2. Đạo giáo:

    Đạo giáo được hình thành trong phong trào nông dân khởi nghĩa vùng Nam Trung Hoa vào thế kỉ II SCN, cơ sở lí luận của nó là triết thuyết do Lão Tử đề xướng và Trang tử hoàn thiện (học thuyết Lão-Trang) hay còn gọi là Đạo gia. Những tư tưởng chính của Đạo giáo là vũ trụ luận về thiên địa, ngũ hành, bát quái, tứ tượng, thuyết về năng lượng, chân khí, thuyết âm dương và Kinh Dịch; những truyền thống tu luyện thân tâm như điều hoà hơi thở, Thái cực quyền, Khí công, Thiền định, thiết tưởng linh ảnh, thuật luyện kim và những huyền thuật cũng được hấp thụ nhằm trường sinh bất tử.

    Đạo giáo được xâm nhập vào Việt Nam là dạng Đạo giáo phù thủy, phản ánh niềm tin cùng sự ngưỡng mộ của con người đối với các lực lượng siêu nhiên, khá tương đồng với các tín ngưỡng ma thuật của nước ta (tin rằng bùa phép và thần chú nhằm trị tà ma và chữa bệnh tật); Nhiều nét văn hóa Việt bắt nguồn từ tư tưởng Đạo giáo: thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thờ Thành Hoàng. Thờ Chử Đồng Tử- còn được coi là ông tổ của Đạo giáo Việt Nam (tương truyền dưới thời Vua Hùng Chử Đồng Tử đã từng lên núi tu luyện và được ban gậy thần, sách ước, sau thành tiên bay lên Trời); nghi lễ tổ chức phụ tiên (hay còn gọi là cầu tiên, cầu cơ) nhằm để cầu hỏi cơ trời, hỏi những chuyện thời thế, đại sự cát hung… chẳng hạn như đàn/đền Ngọc Sơn (Hà Nội), đền Tản Viên ở Sơn Tây hay đền Đào Xá ở Hưng Yên…

    1.3. Phật giáo:

    Phật giáo được hình thành sớm nhất ở Ấn Độ, dần lớn mạnh và đến khoảng thế kỉ III TCN xâm nhập vào Trung Quốc thông qua giao thương, buôn bán (Con đường tơ lụa).

    Ban đầu Phật giáo truyền vào nước ta chủ yếu trực tiếp từ Ấn Độ thông qua con đường truyền giáo của các tăng sỹ, có thể kể đến các tăng sỹ như Ma Ha Kỳ Vực, Khưu Đa La, Khương Tăng Hội, Chu Cương Lương, Mạt Đa Đề Bà… Đến thế kỷ V, Phật giáo đã được truyền đến nhiều nơi trên đất nước và đã xuất hiện những nhà sư Việt Nam có nhiều danh tiếng như: Huệ Thắng (học trò của Đạt Ma Đề Bà) tu tại chùa Tiên Châu.

    Từ thế kỷ thứ VI cho đến thế kỷ X các nhà truyền giáo của Ấn Độ bắt đầu giảm dần và thay vào đó các nhà truyền giáo của Trung Quốc bắt đầu tăng lên với các phái thiền của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam cụ thể như:

    • Phái Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi: Cuối thời kỳ hậu Lý Nam Đế, khoảng năm 580 một nhà sư Ấn Độ tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi – là Tổ thứ ba của phái Thiền Trung Quốc đã vào Việt Nam tu tại chùa Pháp Vân (tỉnh Bắc Ninh) và trở thành vị Tổ sư của phái Thiền này ở Việt Nam.
    • Phái Thiền Vô Ngôn Thông: Năm 820, phái Thiền Vô Ngôn Thông truyền vào Việt Nam (Vô Ngôn Thông họ Trịnh – là người Quảng Châu, Trung Quốc, tu tại chùa Song Lâm, Triết Giang). Năm 820, ông sang tu tại chùa Trấn Quốc (Hà Nội) và trở thành vị tổ sư của phái thiền này ở Việt Nam.

    Theo đánh giá, mười thế kỷ đầu Phật giáo truyền bá vào Việt Nam, mặc dù trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược và đô hộ nhưng đạo Phật đã tạo ra được những ảnh hưởng trong nhân dân và có những sự chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới khi đất nước độc lập, tự chủ.

    Từ thế kỷ thứ X đến XV (tức thời thời Đinh – Lê – Lý – Trần) nước ta sau ngàn năm Bắc thuộc, Phật giáo phát triển sang một bước mới. Dưới hai triều đại Đinh – Lê, tuy không tuyên bố Phật giáo là Quốc đạo nhưng đã công nhận Phật giáo là tôn giáo chính của cả nước. Các triều Vua Đinh – Lê có nhiều chính sách nâng đỡ đạo Phật, không chỉ trọng dụng các tăng sĩ mà còn hỗ trợ cho Phật giáo phát triển. Vua Lê Đại Hành và Đinh Tiên Hoàng đã cho xây dựng nhiều chùa tháp ở vùng Hoa Lư, biến nơi đây không chỉ là một trung tâm kinh tế – chính trị – xã hội mà còn là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Đến triều nhà Lý thì mới được xem là triều đại Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam vì Lý Công Uẩn – Lý Thái Tổ (người sáng lập triều Lý) xuất thân từ chốn thiền môn (là người cùng thụ giới Sa Di với Sư Vạn Hạnh) nên ông hết lòng ủng hộ cho Phật giáo. Dưới triều nhà Trần, Phật giáo Việt Nam phát triển tới mức cực thịnh và trở thành tôn giáo chính thống của cả nước. Vị vua đầu tiên của Triều Trần là vua Trần Thái Tông trong ba mươi ba năm giữ ngôi (1225-1258), ông vừa trị quốc vừa nghiên cứu Phật giáo và trở thành người có trình độ Phật học uyên thâm. Trong thời kỳ nhà Trần, ở Việt Nam xuất hiện phái Thiền Trúc lâm Yên Tử, quy tụ được tất cả các dòng thiền có ở Việt nam như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, do đó Thiền Trúc lâm Yên Tử được xem là dòng thiền thuần túy ở Việt Nam và là nền móng đầu tiên cho việc thống nhất Phật giáo ở Việt Nam.

    Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (tức thời Lê sơ đến nhà Nguyễn), chế độ Phong kiến ở Việt Nam phát triển lên một bước mới, lấy Nho giáo làm chỗ dựa cho tư tưởng chính trị và đạo đức nên Phật giáo từ chỗ phát triển cực thịnh đã suy yếu dần. Tuy nhiên với truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc thì Phật giáo vẫn giữ được gốc rễ sâu bền trong lòng nhân dân; đồng thời với thái độ khoan dung, Phật giáo đã làm cho tư tưởng Tam giáo (Phật, Lão, Nho) vốn có từ trước bắt đầu mang một sắc thái mới.

    Từ thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam vẫn tiếp tục suy vi cho đến những năm ba mươi của thế kỷ XX mới bắt đầu có sự khởi sắc trở lại bởi phong trào Chấn hưng Phật giáo. Phong trào Chấn hưng Phật giáo nổ ra ở Trung Quốc, Nhật Bản sau đó lan ra nhiều nước Châu Á với các khẩu hiệu cách mạng giáo lý, cách mạng giáo chế, cách mạng giáo hội. Phong trào Chấn hưng Phật giáo diễn ra ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Nam vào năm 1920 gắn với tên tuổi của các nhà sư tiên phong như Khánh Hòa (1877-1947), Thiện Chiếu (1898-1974)… Từ miền Nam, phong trào Phong trào Chấn hưng Phật giáo lan ra miền Trung, miền Bắc.

    2. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến văn học, chữ viết Việt Nam:

    Chữ viết:

    Từ đời nhà Thương, người Trung Hoa đã có chữ Giáp cốt được viết trên mai rùa, xương thú. Qua quá trình biến đổi, từ Giáp cốt văn hình thành nên Thạch cổ văn, Kim văn. Tới thời Tần, sau khi thống nhất Trung Quốc, chữ viết cũng được thống nhất trong khuôn hình vuông được gọi là chữ Tiểu triện. Kế thừa chữ triện và chữ lệ, chữ Hán ra đời và được sử dụng cho đến ngày nay. Chữ Hán là chữ viết chi phối rất lớn đến hệ thống văn học nghệ thuật và đời sống văn hoá của nhân dân. Tại nước ta, Chữ Hán đã từng một thời bị thực dân Phương bắc áp đặt đồng hóa nhưng bất thành, chữ viết trở lên quan trọng đối với dân tộc tuy nhiên chúng ta đã sáng tạo thêm khi không hoàn toàn dùng chữ Hán mà đó là cơ sở cho chữ Nôm ra đời dựa trên cơ sở chữ Hán nhưng có sự thay đổi đi.

    Văn học:

    Trung Quốc có nền văn học rất phong phú đó là nhờ vào chế độ thi cử và việc văn chương trở thành thước đo của tri thức. Các thể loại tiêu biểu: Thơ, Từ, Phú, Kịch, tiểu thuyết…trong đó tiêu biểu nhất là Kinh thi, Thơ Đường và Tiểu thuyết Minh – Thanh.

    Văn học nghệ thuật Trng Hoa cũng sớm du nhập vào Việt Nam với sự ảnh hưởng của các thể thơ Đường Cổ. Văn học – nghệ thuật: Cơ sở tư tưởng của văn học nghệ thuật dựa trên Phật giáo và Nho giáo. Trong đó, tư tưởng nho giáo ảnh hưởng đến dòng văn học yêu nước dân tộc.

    3. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến các lĩnh vực khác Việt Nam:

    Kiến trúc:

    Trung Hoa vốn nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như Vạn Lý trường thành, các lăng tẩm của vua chúa, cung điện,.. Hội hoạ Trung Quốc có lịch sử 5000 – 6000 năm với các loại hình: bạch hoạ, bản hoạ, bích hoạ. Đặc biệt là nghệ thuật vẽ tranh thuỷ mạc, có ảnh hưởng nhiều tới các nước ở Châu Á. Cuốn Lục pháp luận của Tạ Hách đã tổng kết những kinh nghiệm hội hoạ từ đời Hán đến đời Tuỳ. Điêu khắc nổi tiếng với những pho tượng Phật,..,

    Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ và một số công trình đền đài, tượng điêu khắc, tứ linh (long, ly, quy, phượng), … có sự pha trộn phong cách kiến trúc của Trung Hoa.

    Hội họa:

    Việt Nam có sự tiếp thu từ văn hóa nghệ thuật Trung Quốc và có những thành tựu riêng đó là Tranh Đông Hồ, Hàng Trống mang những nét khác.