Áo dài – di sản văn hóa trong lòng người Việt
Trên thế giới, không ít quốc gia, dân tộc đã làm tốt việc đưa trang phục trở thành “sứ giả văn hóa”, là “Quốc phục”; khi nhìn vào cách phục sức của họ, chúng ta có thể nhận biết họ thuộc quốc gia nào.
Nhắc tới Nhật Bản có chiếc áo Kimono, Hàn Quốc có Hanbok, Ấn Độ là Sari, người Trung Hoa đời Mãn Thanh có chiếc áo gọi là Xường xám… người Việt Nam hãnh diện với chiếc áo dài truyền thống, được trang trọng nâng lên ngôi vị Quốc phục, cũng có người gọi một cách hoa mỹ hơn đó là “chiếc áo quê hương” được đánh giá là có nhiều ưu việt để trở thành món quà du lịch mang đậm nét văn hóa dân tộc.
Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và cũng là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam, đó là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc. Trải qua quá trình phát triển cùng với lịch sử dân tộc, áo dài luôn không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tôn lên vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của phụ nữ Việt Nam, nét duyên dáng của người phụ nữ Á đông. Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mỹ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn có đức hy sinh.
Chiếc áo dài Việt Nam tượng trưng cho sự thuần khiết, bên trong chiếc áo dài tưởng như đơn giản nhưng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Áo dài truyền thống được người Việt bảo tồn qua nhiều thời kỳ, trân trọng lưu truyền cho thế hệ mai sau. Áo dài cũng là minh chứng cho sự thay đổi của người Việt, trường tồn với thời gian, trở thành Quốc phục của đất nước, cũng là một biểu tượng văn hóa gắn liền với hình tượng phụ nữ Việt Nam. Áo dài là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam bởi chứ đựng trong đó những tinh hoa, tâm hồn, tính cách của người Việt. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc và tiếp biến văn hóa, chiếc áo dài có nhiều thay đổi để phù hợp với nhịp sống đương đại, nhưng thời kỳ nào cũng vẫn giữ trong mình nét truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, kín đáo của phụ nữ Việt, vẹn nguyên giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần trong xã hội Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nước và bàn bè quốc tế.
Người dân có thể mặc áo dài trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau: đi học, đi làm, đi chơi, đi chùa, đi lễ nhà thờ, dự tiệc hay vào các dịp lễ tết, sự kiện văn hóa – xã hội quan trọng. Điều đó thể hiện tính linh hoạt, năng động, dễ hội nhập của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.
Có thể nói, văn hóa mặc áo dài đang ngày càng trở thành thói quen của nhiều phụ nữ Việt. Áo dài đang ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống của người dân, là trang phục được phụ nữ lựu chọn trong ngày lễ Tết, dịp kỷ niệm quan trọng, trong công sở, trường học… Giá trị của áo dài gắn với đời sống của phụ nữ Việt, là trang phục được mỗi người phụ nữ Viêt luôn mong muốn được khoác lên với thái độ trân trọng và thể hiện tình cảm trân quý. Đó cũng là lý do mà thương hiệu áo dài Việt được khẳng định trên thế giới, được định vị gắn liền với văn hóa và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Tình yêu áo dài không chỉ thể hiện ở việc giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp truyền thống mà còn được thấy ở việc lên tiếng bảo vệ khi chiếc áo dài bị xúc phạm. Đã đến lúc cần có biện pháp “bảo vệ” áo dài Việt Nam với hướng đi phù hợp trên cơ sở pháp lý đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cho dù còn phải mất nhiều thời gian, nhưng trang phục áo dài vẫn luôn được người Việt nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng trân quý và coi như di sản văn hóa cần được bảo tồn giá trị truyền thống, đồng thời tiếp tục sáng tạo, phát huy hơn nữa phù hợp với xu thế thời trang đương đại nhưng vẫn giữ nét văn hóa của dân tộc Việt.
Trong thời gian qua, chúng ta đã không ngừng nỗ lực để đưa áo dài xuất hiện trong nhiều sự kiện quan trọng, trong tuần, tháng áo dài và vào các sản phẩm du lịch Việt Nam. Áo dài giờ đây không chỉ được tôn vinh, lan tỏa trong đời sống mà còn được ví như “sứ giả văn hóa” để phát triển du lịch. Ngày càng cần có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với chiếc áo dài… để giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt tới du khách quốc tế, góp phần thúc đẩy nền du lịch phát triển theo nhiều cách.
Năm 2023, tỉnh Bình Thuận được vinh dự đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh” với trên 200 hoạt động, sự kiện đặc sắc có tầm cỡ quốc gia và quốc tế diễn ra xuyên suốt trong năm trên địa bàn tỉnh và tại 41 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, điểm nhấn là Lễ Khai mạc dự kiến diễn ra vào ngày 25/3 tại NovaWorld Phan Thiết. Các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, thiên nhiên đặc sắc của Bình Thuận đến với du khách trong và ngoài nước. Nên chăng, nghiên cứu đưa những hoạt động gắn liền với áo dài vào các tour du lịch, tour tham quan, tìm hiểu các làng nghề truyền thống, các lễ hội để tăng tính trải nghiệm phong phú cho du khách. Chỉ có xây dựng được nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn thì trang phục truyền thống này mới phát huy được vị thế trong phát triển du lịch, trong sự kiện Năm Du lịch quốc gia tại tỉnh Bình Thuận.