Áo dài xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
–
Thứ ba, 04/04/2023 17:02 (GMT+7)
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài Huế rất xứng đáng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài Huế rất xứng đáng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Phan Thanh Hải
Mới đây, ngày 29.3.2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 678/QĐ-UBND phê duyệt đề án Huế kinh đô Áo dài Việt Nam với tổng kinh phí hơn 500 tỉ đồng.
Áo dài trong tập quán sinh hoạt của một gia đình trí thức Huế hiện đại. Ảnh: Phan Thanh Hải
Các mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ. Tổ chức định kỳ Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội, đặc biệt là Festival Huế.
Xây dựng được bộ truyền thông về Áo dài Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài”; Hình thành 1 sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế.
Đến năm 2030, Hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo Áo dài phục vụ khách du lịch; Ban hành tối thiểu 1 chính sách hỗ trợ phát triển Áo dài Huế.
Hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Dịp này, báo Lao Động có cuộc trao đổi với TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế về đề án này.
TS Phan Thanh Hải trong trang phục Áo dài. Ảnh nhân vật cung cấp
Thưa ông, một trong các mục tiêu của đề án là đến năm 2030 sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, may đo Áo dài phục vụ khách du lịch. Thời gian để hoàn thành mục tiêu này có dài quá không?
Việc xây dựng một bảo tàng Áo dài có quy mô và nội dung như đề án hướng tới đòi hỏi có sự đầu tư nghiên cứu công phu và sự đầu tư xứng đáng nên cần có thời gian.
Vì vậy, xác định mục tiêu đến năm 2030, nghĩa là chỉ còn 6-7 năm nữa để hình thành và đưa vào hoạt động bảo tàng Áo dài là phù hợp, vả lại nguồn đầu tư để xây dựng bảo tàng này hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa nên cần tìm được nhà đầu tư phù hợp, đủ năng lực, tâm huyết để thực hiện.
Một mục tiêu khác của đề án là hoàn thiện hồ sơ nghề may đo Áo dài truyền thống đệ trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Các cơ sở để Huế hướng đến mục tiêu này là gì? Và liệu điều này có khả thi? Dự kiến bao giờ sẽ hoàn thành mục tiêu này?
Mục tiêu hoàn thiện hồ sơ “Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được xem là một trong những mục tiêu quan trọng và xuyên suốt.
Lãnh đạo và nhân viên Sở Văn hoá – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế với trang phục Áo dài khi làm việc. Ảnh: Phan Thanh Hải
Bởi nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài Huế là di sản có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân Huế, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền qua nhiều thế hệ đến nay.
Di sản này rất xứng đáng được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này vẫn còn nhiều việc cần phải làm như trước mắt cần tiến hành kiểm kê, nhận diện giá trị di sản, đồng thời đề nghị Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xem xét đưa di sản “Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài Huế” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau đó tiếp tục đề nghị Bộ VHTT&DL và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Hồ sơ “Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài Huế” đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nếu di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài Huế được UNESCO ghi danh sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục nhận diện, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng biện pháp bảo vệ di sản trong cộng đồng.
Đồng thời cho thấy cộng đồng thế giới đã tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc chúng ta vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hoá của nhân loại.
Đề án bây giờ mới phê duyệt, nhưng thực chất Sở Văn hoá – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đề án này từ nhiều năm nay, vậy các phần việc đã làm được trong thời gian qua là gì?
Đúng là từ tháng 7.2020, Sở Văn hóa – Thể thao đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho nghiên cứu xây dựng đề án Huế kinh đô Áo dài.
Không như cách làm của các đề án trước đây, lần này với tư cách là người chủ trì đề án, tôi đã quyết định vừa nghiên cứu xây dựng các nội dung đề án, vừa thực hiện thể nghiệm một số nội dung để rút kinh nghiệm và có thêm căn cứ thực tiễn.
Đến ngày 19.8.2021, đề cương đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt, và chúng tôi càng có thêm căn cứ để triển khai một số nội dung của đề án, đặc biệt là những nội dung, mục tiêu ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng.
Tôi cho rằng, Áo dài là một di sản đặc biệt của cố đô Huế, di sản đó vốn do cộng đồng sáng tạo ra từ đầu thế kỷ XVII, sau đó được các chúa Nguyễn, rồi vua Nguyễn công nhận, định chế thành quốc phục. Vì vậy ngày nay, cần phải đưa di sản đó trở về với cộng đồng, trao cho cộng đồng quyền nắm giữ, bảo vệ và phát huy giá trị.
Thời gian gần 3 năm qua chúng tôi đã làm được một số việc quan trọng: Tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học để tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, đội ngũ nghệ nhân, doanh nhân trong lĩnh vực Áo dài.
Tổ chức định kỳ tuần lễ Áo dài cộng đồng; Quảng bá mạnh mẽ bằng nhiều hình thức để lan tỏa các thông điệp về việc phục hưng áo dài truyền thống.
Tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài”; Liên kết với nhiều tổ chức, hội nhóm cộng đồng không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn trong cả nước để cùng nhau lan tỏa tình yêu áo dài và chia sẻ các kinh nghiệm để phục hưng áo dài dành cho cả hai giới nam và nữ…
Xin cám ơn ông!