Bà Rịa – Vũng Tàu: Đề xuất lễ hội Nghinh Ông và Dinh Cô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam, TP Vũng Tàu – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Bà Rịa – Vũng Tàu từ lâu đã được biết đến là một thương cảng lớn, nổi tiếng với những vùng biển, bãi tắm, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và truyền thống văn hóa – lễ hội, có giao lưu văn hóa với nhiều vùng, dân tộc và nhiều địa phương trong cả nước.
Trong các lễ hội dân gian truyền thống hiện có ở Bà Rịa – Vũng Tàu thì lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam (TP Vũng Tàu) và lễ hội Dinh Cô (huyện Long Điền) đã và đang được nhiều người dân địa phương, du khách thập phương gần xa biết đến.
Nghinh Ông từ biển vào đình Thắng Tam – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam diễn ra tại đình Thắng Tam (TP Vũng Tàu) vào các ngày 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo người địa phương và du khách. Lễ hội này đã được các thế hệ ngư dân và cộng đồng dân cư Vũng Tàu duy trì từ hơn 100 năm nay, với những nghi thức mang đậm nét đặc trưng văn hóa miền biển. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân được thưởng thức những phần lễ, phần hội độc đáo: như rước cá Ông từ biển về, thả hoa đăng, đánh trống, chiêng, hát “bả trạo”…
Còn lễ hội Dinh Cô (còn gọi là vía Cô, ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) cũng là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân vùng biển Nam Bộ. Lễ hội được tổ chức tại Dinh Cô, dưới chân núi Thùy Vân, diễn ra vào các ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch. Lễ hội này thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu – Nữ thần, cũng là sự kết hợp của lễ hội cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi).
Ghe cá của ngư dân ra biển rước cá Ông về đình – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Người dân địa phương, du khách đến với các lễ hội với thái độ nghiêm trang, kính trọng và ngưỡng mộ, thích thú. Có nhiều người xem những lễ hội này như một loại hình tín ngưỡng. Đặc biệt, lễ hội là dịp để ngư dân cầu mong cho mưa gió thuận hòa, được bình yên khi đi biển đánh bắt và ghe thuyền về đầy cá tôm.
Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đến nay toàn tỉnh có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Và trong số các di sản văn hóa phi vật thể này, lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam và lễ hội Dinh Cô đáp ứng các tiêu chí xét công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Cảnh diễn chèo thuyền ở lễ hội Dinh Cô – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các lễ hội trên là nét đặc trưng của cư dân vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Lễ hội không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi mà góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương. Đặc biệt, lễ hội cũng là nơi để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nghề, yêu quê hương, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho thế hệ trẻ.
Bà Rịa – Vũng Tàu là một tam giác cần đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa – du lịch lớn nhất ở Nam Bộ, và là một trong 10 trung tâm văn hóa – du lịch của cả nước. Do đó, tỉnh này được xem với tư cách là một khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển văn hóa – du lịch và có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các tuyến điểm tham quan văn hóa – du lịch.
Bạc Liêu: tưng bừng lễ hội Nghinh Ông