Bài 2: Lượng hóa văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Xác định văn hóa đi trước, định hướng tạo đà cho tái tạo kinh doanh, thúc đẩy, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, từ đó nâng cao vị thế và uy tín của Petrovietnam và các đơn vị trong Tập đoàn. Lập kế hoạch, cụ thể hóa các công việc để triển khai đồng bộ Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam gồm: Hoàn chỉnh, nhất quán giữa mục tiêu chiến lược, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Petrovietnam; chuẩn hóa và thống nhất văn hóa nền tảng dầu khí, thương hiệu, hình ảnh, nhận diện, định hình các giá trị văn hóa trong phạm vi toàn Tập đoàn…

Bài 2: Lượng hóa văn hóa doanh nghiệp như thế nào? Cán bộ, công nhân viên tại NMNĐ Thái Bình 2 tổ chức trồng cây, phủ xanh toàn bộ khuôn viên nhà máy

Những “đầu mục” công việc nêu trên thoạt nghe thì có vẻ to lớn và cần nhiều thời gian thực hiện nhưng thực tế điều cần làm đầu tiên là phải thống nhất nhận thức về vai trò của văn hóa doanh nghiệp từ lãnh đạo đến người lao động. Xác định văn hóa doanh nghiệp từ lực lượng sản xuất trực tiếp, thông qua nhận diện những khó khăn, thách thức của năm 2023, khơi gợi trách nhiệm trong mỗi cán bộ, người lao động, củng cố khát vọng. Để rồi từ đó có thể tìm kiếm cơ hội, nâng cao năng suất, hiệu suất, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, thị phần tại mỗi doanh nghiệp dầu khí.

Trong 3 năm vừa qua, các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong Petrovietnam đã thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở phát huy giá trị cốt lõi “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”. Trong đó đặc biệt phải thể hiện được khát vọng trong xây dựng chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong thực thi nhiệm vụ năm 2023. Phấn đấu mục tiêu năm 2023 phải đạt cao hơn so với chỉ tiêu phân bổ, từng cá nhân phải vượt lên chính mình để hoàn thành tốt nhất, ở mức cao nhất nhiệm vụ được giao.

Người viết bài còn nhớ khi trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành về xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, chuyên gia Thành đã cho biết sự khác biệt giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng kế hoạch và đánh giá mức độ hoàn thành. Trong đó, mức trung bình là đảm bảo doanh nghiệp hoạt động tốt, không bị lỗ vốn. Khi đạt từ 80% kế hoạch tổng thể, doanh nghiệp có lãi là đã được đánh giá là tốt. Nếu doanh nghiệp đạt 100% kế hoạch, vượt mức kế hoạch và các mục tiêu đề ra thì Ban điều hành được đánh giá là xuất sắc, có khen thưởng đặc biệt căn cứ trên lợi nhuận từ kế hoạch đề ra.

Ấy vậy nhưng với doanh nghiệp nhà nước, để việc đề ra kế hoạch có tính thực chất, không còn chuyện “năm nào cũng vượt, vượt xa kế hoạch đề ra”, trước tiên lãnh đạo các cấp cần thay đổi tư duy đánh giá mức độ hoàn thành công việc, có nhiều hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, không cần chờ đến cuối năm, khen thưởng theo tỉ lệ, phân bổ kiểu xếp hàng đến lượt – đây chính là nét văn hóa cần sớm thay đổi.

Mặt khác, các công việc cụ thể để phát triển văn hóa doanh nghiệp đều có định hướng, chi tiết thực hiện như thực hiện thống nhất việc quản lý, sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu Tập đoàn, công tác truyền thông, đào tạo và tự đào tạo nội bộ để hình thành các thói quen văn hóa…

Bài 2: Lượng hóa văn hóa doanh nghiệp như thế nào? Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (PV GAS) là một trong những đơn vị tích cực xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp

Hiện nay, Tập đoàn giao Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp phối hợp các ban/Văn phòng Tập đoàn và Tổ triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam (Đề án) xây dựng phương án đôn đốc, giám sát thực hiện Đề án, nhất là ở các đơn vị chuyển biến chậm. Theo đó, sẽ tổ chức giao ban định kỳ, tập huấn, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo và có biện pháp khích lệ, động viên kịp thời. Định kỳ gửi báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 25 của tháng cuối quý và báo cáo tổng kết năm trước ngày 10/12/2023.

Đảng ủy Tập đoàn cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh Tập đoàn về triển khai tái tạo văn hóa Petrovietnam tại các đơn vị, tổ chức trực thuộc thông qua việc thực hiện kế hoạch triển khai văn hóa doanh nghiệp trong năm 2023. Theo kế hoạch số 902/KH-DKVN ngày 16/2/2023 về triển khai tái tạo văn hóa Petrovietnam năm 2023 trong toàn Tập đoàn, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong đó, các yêu cầu và thời hạn thực hiện các nội dung trên sẽ được theo dõi, giám sát và đánh giá trong các cuộc họp giao ban và hội nghị chuyên đề. Trường hợp các nhiệm vụ được giao không hoàn thành đúng thời hạn, Tổng Giám đốc Tập đoàn sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, các đơn vị phải “Lượng hóa được giá trị văn hóa (KPI văn hóa) gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh (KPI công việc) của năm 2023 trong toàn Tập đoàn”.

Có thể thấy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong Petrovietnam không còn là chuyện “hình thức”, đã thực sự trở thành một trong hai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Việc “đong đếm” các giá trị văn hóa trong sản xuất, kinh doanh đã không còn là khái niệm chung chung, trở thành thước đo cụ thể đến từng cán bộ công nhân viên, trong từng việc làm, thái độ ứng xử trong văn phòng, ngoài công trường, tại các nhà máy… Khi lượng hóa được đầy đủ về văn hóa, chắc chắn văn hóa Petrovietnam sẽ biến đổi về chất, thực sự trở thành sức mạnh mềm trong toàn Tập đoàn.

Năm 2023, các đơn vị trong Petrovietnam phải “Lượng hóa được giá trị văn hóa (KPI văn hoá) gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh (KPI công việc)”.

Thành Công