Bài 2: Vun đắp hệ giá trị gia đình
Gia đình luôn giữ vai trò là nền tảng, là tế bào của xã hội, là môi trường đầu tiên và then chốt trong việc hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất của mỗi con người.
Bài 2: Vun đắp hệ giá trị gia đình
(ĐCSVN) – Trong mọi giai đoạn phát triển, gia đình luôn giữ vai trò là nền tảng, là tế bào của xã hội, là môi trường đầu tiên và then chốt trong việc hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất của mỗi con người, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực của quốc gia.
Mục lục bài viết
Nơi lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc
Xác định vai trò quan trọng của gia đình, vun đắp giá trị gia đình, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Từ Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Đến Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục chủ trương: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định, trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Gần đây nhất, Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” ban hành ngày 24/6/2021 cũng đã nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.
Có thể thấy, Đảng ta xác định gia đình là nơi lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là thành trì vững chắc ngăn chặn những tệ nạn, những nọc độc văn hóa xâm nhập vào nước ta. Ông bà, cha mẹ chính là tấm gương để các con cháu noi theo. Xây dựng văn hóa trong gia đình, ứng xử văn hóa của từng thành viên trong gia đình là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Việc xây dựng hệ giá trị gia đình trong bối cảnh phát triển mới của đất nước là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại.
Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc. Nhận thức được vấn đề này là vô cùng quan trọng đối với quá trình hoạch định và triển khai chính sách về gia đình nói chung và hệ giá trị nói riêng. Từ góc độ lý luận và thực tiễn, việc xây dựng hệ giá trị gia đình trong bối cảnh phát triển mới của đất nước là một vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, hệ giá trị là tập hợp các giá trị của gia đình được hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của đất nước. Gia đình Việt Nam đã xây dựng, gìn giữ và phát triển hệ giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp, tôn trọng, cần cù, sáng tạo, duy trì được sự gắn kết các thành viên dựa trên nền tảng tình cảm, sự thủy chung, đức hy sinh và tinh thần trách nhiệm.
Theo TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong mối quan hệ “Nước và nhà”, Nước được ví như cái nhà to, Nhà được ví như xã hội thu nhỏ. Vì vậy, “Nhà – Gia đình” no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh thì “Nước – quốc gia” sẽ giàu mạnh.
Phân tích hệ giá trị gia đình từ khía cạnh truyền thống và hiện đại, GS,TS. Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam cho biết: Sự tồn tại của gia đình và các giá trị gia đình, bản thân nó cũng mang ý nghĩa một di sản văn hoá. Cũng giống như tất cả những dạng thức khác của văn hoá, gia đình và văn hoá gia đình bao giờ cũng là sản phẩm của một thời đại và do vậy, luôn chịu sự tác động của các điều kiện kinh tế – xã hội và lịch sử của thời đại đó. Gia đình vừa là một nhân chứng của lịch sử khi mang trong mình những dấu ấn của quá khứ, vừa là một mắt xích nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai thông qua những hoạt động nối tiếp nhau không ngừng của các thế hệ trong gia đình.
Gia đình và các giá trị gia đình luôn trở thành nơi nương tựa vững vàng cho cuộc đời biến động.
Theo GS,TS. Lê Thị Quý, thực tế cho thấy, khi xã hội biến động và thay đổi thì gia đình và những chuẩn gia đình cũng buộc phải thay đổi một cách tương ứng tuy có thể muộn hơn. Trong sự thay đổi đó, gia đình và các giá trị về gia đình vẫn bảo lưu lại không chỉ những điều cố hữu thậm chí tới mức ngoan cố, bảo thủ, mà còn gìn giữ cả những cái vẫn phù hợp và góp ích cho xã hội tương lai. Nó khiến cho một khi những bão dông dữ dội ngoài xã hội tạm lắng lại, con người đã vượt lên trên những đổi thay và bình thản ngắm lại mình, khi đó họ mới tĩnh tâm, lượng giá những cái mà gia đình đã lưu giữ, chọn lựa lấy những mặt tốt đẹp và xếp bên cạnh những gì mới mẻ nhất, hướng tới tương lai.
Chính khả năng bảo lưu và gìn giữ những mặt tích cực và tinh hoa của quá khứ, mặc cho cuộc đời có thay đen đổi trắng, vàng thau lẫn lộn, đã khiến gia đình và các giá trị gia đình luôn trở thành nơi nương tựa vững vàng cho cuộc đời biến động.
Cũng giống như tất cả những gì hàm chứa trong mình những giá trị của quá khứ, bước vào xã hội hiện đại, các giá trị gia đình và văn hóa gia đình truyền thống luôn vừa phải gánh trên lưng một trọng lượng khổng lồ của những di sản đã qua, vừa phải sẵn sàng đối diện với những biến đổi không ngừng của thực tiễn xung quanh.
Bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa gia đình trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập
Gia đình Việt Nam đang phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và sự biến đổi xã hội. Trong đó, sự xuống cấp của một số mối quan hệ ứng xử văn hóa trong gia đình, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Lễ mừng thọ là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo với bậc cao niên. Lễ mừng thọ được tổ chức to hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình vì có người sống thọ.
Hiện nay, không ít gia đình chỉ lo phát triển kinh tế, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái bị suy giảm. Thậm chí có những gia đình còn “khoán” việc giáo dục nhân cách, lối sống của con mình cho nhà trường và xã hội, chưa có lối sống gương mẫu cho thế hệ trẻ, chưa duy trì được nền tảng, giá trị đạo đức trong các hành vi ứng xử văn hóa trong gia đình. Điều đó khiến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với những lối sống, hành vi ứng xử bên ngoài xã hội (nhất là mạng Internet) mà ở đó tồn tại không ít những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, sự thực dụng, trọng tiền tài, danh vọng, ích kỷ và tệ nạn xã hội…
Sự khủng hoảng của chức năng, giá trị của gia đình có mối quan hệ nhân quả với những vấn đề xã hội. Giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình không được duy trì, rèn dũa, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo là nhân tố dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, vi phạm pháp luật cả chính bên trong gia đình và ngoài xã hội. Những vấn đề này nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy xã hội khôn lường, nhất là sự xuống cấp về mặt giá trị đạo đức, chuẩn mực ứng xử và văn hóa truyền thống, lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Gia đình không thực hiện tốt các chức năng của mình sẽ khiến xã hội mất ổn định, mất động lực phát triển của đất nước.
Theo PGS,TS. Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi. Trước hết là các biến đổi giá trị trong hôn nhân, giá trị trong các mối quan hệ của gia đình, giá trị nội tâm và tâm linh, tín ngưỡng… Đồng thời, gia đình Việt Nam cũng đang tiếp nhận những giá trị mới. Trong các giá trị mới, giá trị vay mượn, có những yếu tố sáng tạo để tạo ra các giá trị mới như việc mở rộng không gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại. Việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp cũng làm mới hơn các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh duy trì các nghi lễ mang tính lễ giáo truyền thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại. Mặc dù vậy, các giá trị truyền thống của gia đình vẫn luôn được gìn giữ, làm đa dạng hơn bản sắc đa văn hóa của gia đình Việt Nam.
Không khí gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết là khoảnh khắc có mặt đông đủ các thành viên trong gia đình, là lúc được chia sẻ những khó khăn cũng như buồn vui diễn ra trong năm.
PGS,TS. Đặng Thị Hoa nhận định, trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn. Bên cạnh đó, việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại cũng làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ.
“Việc phát huy những yếu tố tích cực trong các giá trị gia đình truyền thống và tiếp thu những giá trị mới làm phong phú thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã. Điều đó cũng khẳng định tính linh hoạt và thích ứng của văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới – công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” – PGS,TS. Đặng Thị Hoa chia sẻ.
TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Những biến đổi về cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình quyết định đến diện mạo của gia đình Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. Mặt khác, việc dành sự ưu tiên khác nhau đối với các giá trị cũng quyết định đến đời sống văn hóa ứng xử và sự phát triển của mỗi gia đình.
Chia sẻ từ một góc nhìn khác, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Thừa Thiên Huế là vùng đất hiện đang giữ gìn được hệ giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống trong đời sống gia đình và xã hội. Những giá trị này đang từng ngày được bảo tồn và phát huy cùng với các giá trị văn hoá gia đình hiện đại. Trong dòng chảy chủ lưu yêu nước của văn hoá dân tộc, việc bảo tồn nề nếp, gia phong Huế trên nền tảng của văn hóa Việt Nam lấy những giá trị chuẩn mực như: lễ giáo, hiếu học, trọng tình nghĩa, sống nhân ái, tinh thần tự tôn, tự lực… làm cái gốc để hình thành và phát triển gia đình hiện đại.
Với mỗi người dân Việt, mỗi gia đình người Việt, Tết là sự trở về, Tết là sum họp, Tết là đoàn viên.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, nếu như ở gia đình Huế thời trước, người ta thường đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của con cái đối với cha mẹ, đề cao sự tôn kính tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, thuỷ chung giữa vợ chồng, hướng về cội nguồn quá khứ, thì trong các gia đình ngày nay lại có xu hướng vươn tới cái mới, cái luôn thay đổi, đề cao lợi ích, hạnh phúc, nguyện vọng và tính độc lập của mỗi cá nhân, vợ chồng lấy tình yêu làm cơ sở, dân chủ bàn bạc trong mọi việc, tôn trọng ý kiến con cái. Có thể nhìn nhận mối quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình hiện nay đang trở thành một nét tiêu biểu của văn hóa gia đình mới: bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với gia đình, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển.
Sự “gạn đục, khơi trong” về các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình đang là xu hướng tích cực. Gia đình hiện đại ngày càng phát triển trên nền tảng gia đình truyền thống vẫn được xem là cơ bản và vững chắc ở Huế. Những ngôi làng cổ vẫn còn nguyên vẹn, những mái nhà của cha ông vẫn được trùng tu, bảo tồn bên cạnh những ngôi nhà hiện đại cao tầng của con cháu. Nó như một vật chứng giáo dục về gìn giữ gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình. Và trong mỗi gia đình hiện tại, họ luôn ý thức thực hiện tốt phong trào “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa… đã lồng ghép giữ gìn những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình.
Trước sự tác động rất mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường, rất nhiều giá trị bị đảo lộn, trong đó có gia đình, thì ở Thừa Thiên Huế, thuần phong mỹ tục tốt đẹp vẫn được gìn giữ, phát huy và gia đình Huế ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái ấy. Đó chính là sức mạnh của truyền thống văn hóa gia đình Huế được lưu truyền từ đời này sang đời khác, khá khắt khe, mang trọng trách như một “sức mạnh nội sinh” để gia đình Huế chống lại những tiêu cực, những ảnh hưởng từ bên ngoài.
“Xây dựng các giá trị, đức tính tốt đẹp của lối sống Huế, phong cách ứng xử của gia đình Huế: cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, kính trên nhường dưới, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài… Đó cũng là nền móng, là bước đầu tiên trong xây dựng hệ giá trị gia đình văn hóa Việt Nam, với những chuẩn mực mới phù hợp với thời kỳ hội nhập và phát triển” – ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Người Việt Nam, dù ở bất kỳ cương vị nào trong xã hội cũng đều đặt gia đình là ưu tiên hàng đầu.
Để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn tới, GS,TS. Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế – xã hội. Các chính sách kinh tế – xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình nói chung.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình.
Quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Tăng cường giáo dục, tạo dựng quan niệm bình đẳng giữa con trai và con gái trong trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già.
Đồng thời, xã hội cần chuẩn bị tốt cho hệ thống an sinh xã hội công và phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu chăm sóc trẻ em và người cao tuổi; tạo điều kiện cho các dịch vụ tư nhân tham gia vào việc chăm sóc trẻ em và hỗ trợ người cao tuổi.
GS, TS. Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh, các gia đình cần giáo dục và phát huy mối quan hệ trợ giúp lẫn nhau trong quan hệ anh chị em ruột để khắc phục những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong việc hỗ trợ giải quyết bất hòa trong gia đình riêng. Việc các cấp chính quyền, đoàn thể ở mỗi địa phương có những hình thức sinh hoạt câu lạc bộ gia đình, đưa chủ đề củng cố mối hệ quan hệ anh chị em ruột vào trao đổi là cần thiết.
Cùng với đó, tiến hành các nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được thường xuyên sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội.
Gắn kết gia đình bằng những chuyến du lịch sẽ giúp các thành viên cùng quan tâm nhau, trân trọng khoảng thời gian quý giá bên nhau.
Đồng thời, cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hoá các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.
Các nghiên cứu về giá trị của gia đình Việt Nam gần đây cho thấy, người Việt Nam dù ở bất kỳ cương vị nào trong xã hội cũng đều đặt gia đình là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến các vấn đề khác và mong muốn cuối cùng là trở về với gia đình của mình khi trải qua những biến cố, nguy nan trong cuộc sống. Bản thân gia đình đã, đang và sẽ là một trong những giá trị quan trọng đối với người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Những giá trị như: giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hoá gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, động viên, khích lệ từ gia đình để vượt qua những trở ngại, khó khăn, thăng trầm của cuộc sống không gì thay thế được. Gia đình là một thành tố gắn kết xã hội, bảo đảm cho dòng chảy phát triển bền vững của đất nước, là yếu tố quan trọng hàng đầu để triển khai chính sách, thụ hưởng chính sách.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển đổi từ các giá trị gia đình truyền thống sang hiện đại, sự xung đột giá trị giữa cũ-mới, truyền thống – hiện đại là một quá trình tất yếu. Việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh sản, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý – tình cảm nếu không thực hiện tốt dẫn đến hệ lụy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống sẽ khiến xã hội mất ổn định.
Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình Việt Nam tiếp cận tài chính, kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống đa dạng, phong phú. Các dịch vụ xã hội phát triển giúp ích cho gia đình thực hiện tốt các chức năng, vai trò đối với các thành viên gia đình và xã hội.
Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh. Là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn thịnh, hạnh phúc và đa dạng bản sắc văn hoá với những người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ “Đức và Tài” trước hội nhập sâu rộng nhưng vẫn giữ vững được đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, là nhiệm vụ quan trọng để “Xây dựng hệ giá trị gia đình” trong tình hình mới”.
Bài 1: Khơi dậy và phát huy hệ giá trị con người Việt Nam
Bài 3: Phát huy hệ giá trị văn hóa để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Bài 4: Củng cố nền tảng tinh thần, xây dựng hệ giá trị quốc gia