Bạn Biết Gì Về Phong Tục Đón Tết Của Người Nhật Bản?

Phong tục đón Tết của người Nhật Bản có nét gì tương đồng với Việt Nam không? Họ còn đón Tết theo lịch âm hay đã chuyển sang Dương lịch? Những hoạt động thú vị nào diễn ra vào ngày Tết ở đất nước này?… Hãy cùng Intertour tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Nhật Bản đón Tết dương hay Tết âm?

Pháo hoa ở thủ đô Tokyo dịp tết

Khác với hầu hết các quốc gia châu Á, Nhật Bản ăn Tết theo dương lịch. Trước đây, Nhật cũng đón Tết âm nhưng từ đời vua Minh Trị thứ 5 thì chuyển sang ăn Tết theo lịch châu  u và đón Tết chỉ một ngày duy nhất 1/1 dương lịch. Điều này khá thuận lợi cho du khách Việt Nam nếu muốn trải nghiệm không khí Tết ở xứ sở mặt trời mọc nhưng vẫn không muốn bỏ lỡ cái Tết quê nhà.

Những công việc cần chuẩn bị trước Tết

Phong tục trước thềm năm mới: Osouji

Cũng giống như Việt Nam, để đón một năm mới hoành tráng và may mắn, những ngày cuối năm, tất cả gia đình Nhật Bản đều phải thực hiện một truyền thống đó là Osouji – tổng vệ sinh. Không chỉ làm vệ sinh sạch sẽ ở nhà mà người Nhật còn quét dọn cả nơi làm việc, trường học. Họ mua sắm dụng cụ tẩy rửa để buổi tổng vệ sinh đạt hiệu quả cao nhất.

Gia đình 4 người đang dọn dẹp nhà cho ngày tết

Trước kia, người Nhật đã bắt đầu dọn nhà từ tuần thứ 2 của tháng 12. Nhưng trong một vài năm trở lại đây, do công việc quá bận rộn, hầu như họ tổ chức Osouji vào ngày cuối cùng của năm trước thời khắc giao thừa.

Trang trí nhà cửa

Sau khi nhà cửa sạch sẽ tươm tất, người Nhật bắt đầu trang trí lại cho đẹp đẽ để đón Tết. Mỗi gia đình sẽ treo một Shimenawa (sợi dây thừng xoắn làm từ rơm) trước cửa nhà với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ. Màu sắc rực rỡ của Shimenawa còn khiến không khí trong nhà trở nên tươi vui mỗi dịp xuân về.

Trang trí nhà cửa là phong tục tết ở Nhật Bản

Ngoài ra, mỗi gia đình Nhật còn làm thêm Kadomatsu để trang trí trong dịp Tết. Người Nhật làm Kadomatsu rất kỳ công. Ống tre tươi và cành thông được lấy số lượng lẻ rồi thắt thành bó. Họ còn tạo thêm màu sắc bằng cách ghép thêm hoa, cỏ, dây ruy-băng…

Viết và gửi thiệp chúc Tết

Phong tục đón Tết của Nhật Bản có điểm khác biệt so với Việt Nam là ở tập tục viết và gửi thiệp chúc Tết. Những tấm thiệp được làm bằng tay tỉ mỉ, khi thì in hình 12 con giáp, lúc lại in ảnh cả gia đình. Người làm thiệp sau đó bỏ cả tâm tư để viết những lời chúc năm mới đầy ý nghĩa.

Đêm giao thừa ở Nhật

Cũng giống như Việt Nam, người Nhật thường đón giao thừa ngay tại nhà. Trước 12 giờ dù ai có đang làm gì, ở đâu cũng cố gắng về với gia đình để quây quần bên nhau trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Họ cùng nhau ngồi xem các chương trình giải trí rồi chờ đón 108 hồi chuông truyền thống được gióng lên đồng thời từ hàng loạt ngôi chùa trong thành phố. Sau khi chúc tụng nhau, mỗi gia đình không quên cùng nhau ngồi ăn mì trường thọ – một loại mì truyền thống với ý nghĩa mong cho một năm mới sức khỏe ngập tràn.

Rung chuông đêm giao thừa ở Nhật Bản

Ngoài ra, trong đêm giao thừa, đường phố Nhật Bản cũng có rất nhiều những hoạt động để phục vụ du khách và các bạn trẻ. Các con phố náo nhiệt tràn ngập ánh đèn, những tụ điểm ngắm pháo hoa nổi tiếng thì tập trung đông đúc người qua lại. Bạn ngắm pháo hoa xong có thể lập tức nhập vào dòng người cùng nhau chúc tụng rồi di chuyển đến các cửa hàng mì trường thọ để thực hiện phong tục ngày đầu năm.

Các món ăn trong phong tục đón Tết của người Nhật

Các món ăn trong phong tục đón Tết của người Nhật được đầu tư tỉ mỉ trong cả cách nấu và cách trình bày. Những món đầy đủ màu sắc không chỉ đơn giản làm no bụng mà còn có ý nghĩa mang lại may mắn trong ngày đầu năm. Sau khi nấu nướng xong xuôi, người Nhật đựng thức ăn trong một dạng hộp nhiều tầng gọi là Osechi – tương tự với Bento nhưng cầu kỳ hơn.

Món ăn trong phong tục tết của người Nhật Bản

Các món ăn được sắp xếp theo thứ tự từ món khai vị đến ăn kèm, ăn nhẹ và tầng cuối cùng là dành cho những món chính hầm nước hoặc kho. Mỗi món đều được lựa chọn và nấu nướng kỹ càng sao cho mang đầy đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt. Sau đó người Nhật bỏ cả hộp lớn vào tủ lạnh rồi ăn hết 3 ngày Tết.

Bên cạnh món chính là Osechi, phong tục đón Tết của người Nhật có có thêm rất nhiều món ăn hay ho khác như Datemaki (trứng cuộn), Kuri Kinton (bánh khoai lang hạt dẻ), Chikuzenni (gà om rau củ)… vô cùng hấp dẫn.

Các hoạt động ngày Tết thú vị

Người Nhật trong ngày Tết cũng có thói quen đến nhà nhau chúc tụng. Mỗi gia đình đều tự tổ chức những hoạt động riêng như về quê thăm gia đình hoặc họp mặt bạn bè người thân. Đây cũng là dịp mọi người xúng xính trong những bộ kimono rực rỡ đến nhà nhau để chúc Tết.

Hoạt động ngày tết của người Nhật Bản

Vào những ngày đầu năm, người Nhật thường đi chùa. Người ta gọi hoạt động đó là Hatsumoude – viếng thăm Thần điện để cầu mong bình an và may mắn cho năm mới. Nếu đi du lịch Nhật Bản vào dịp này, bạn sẽ thấy đoàn người nối dài trong khắp các ngôi chùa lớn nhỏ. Nổi tiếng nhất chắc phải kể đến những ngôi chùa như Asakusa (Tokyo) hay Kinkakuji (Kyoto).

Để chúc tụng nhau trong năm mới, người Nhật Bản cũng không quên phong tục lì xì, người lớn lì xì cho người nhỏ. Tiền được bỏ trong các phong bao được trang trí vô cùng dễ thương với ý nghĩa may mắn.

Phong tục đón Tết ở Nhật Bản có vài điểm giống và nhiều điểm rất khác ở Việt Nam. Vì Tết Nhật được tổ chức theo ngày dương lịch nên nếu có cơ hội, tại sao bạn không cùng gia đình đến đây để một lần trải nghiệm Tết ở địa điểm thú vị này?

CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH INTERTOUR VIỆT NAM

– Địa chỉ: 115 Nguyễn Thái Bình – Quận 1 – TPHCM
– Điện thoại: 028. 3822 9999
– Hotline: 0961 118899
– Email: [email protected]